Quả Linh vang tiếng thoi đưa

08:08, 05/08/2016

Xã Thành Lợi (Vụ Bản) có tổng diện tích gần 12km2 gồm 4 làng  Quả Linh, Mỹ Trung, Cốc Thành và An Nhân. Làng Quả Linh (tên cũ là làng Gạo) hiện có 8 xóm với gần 1.000 hộ dân, có nhiều nghề thủ công như: làm bánh kẹo (bánh khảo, kẹo lạc); đầu sư tử (dịp Tết Trung thu); đèn giấy và nghề dệt vải truyền thống với lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm.

Truyền thuyết làng dệt

Theo các cụ cao niên trong làng, tương truyền làng xưa vì trồng nhiều cây gạo nên có tên là làng Gạo. Hết mùa hoa, bông hoa gạo kết quả, quả gạo chính tách vỏ bung ra vô số hạt gạo nhỏ dính trong chùm bông trắng nõn theo gió bay khắp làng. Từ hàng trăm năm trước, dân làng Quả Linh đã gom những túm bông gạo nhồi gối nằm. Có người gom bông, nhặt bỏ hạt, đập tơi, cuộn thành những “con cúi” để mắc vào xa, quay thành sợi. Sợi ấy sau khi qua các công đoạn ngâm (từ 1-2 ngày) rồi “hồ” (dùng cơm nhão vò đều vào bó sợi) cho cứng, đanh sợi, đem phơi nắng rồi đánh ống để dệt vải. Tuy nhiên, vì bông gạo không được bền bằng bông hạt, vải không bền nên rất ít người làm. Qua nhiều thế hệ, nghề dệt vải ở làng Gạo xưa vẫn nhập bông hạt từ Nghệ An, Thanh Hóa về kéo sợi để dệt vải trên những khung dệt thủ công truyền thống. Cùng với sản xuất nông nghiệp, dệt là nghề “cha truyền con nối”, không chỉ gắn bó với nhiều thế hệ người dân làng Gạo xưa mà còn nức tiếng khắp vùng. Cứ ba năm 1 lần, trong hội làng đều tổ chức phần thi dệt vải nhanh liên tục trong suốt 10 ngày. Phường vải làng Gạo thường có hàng trăm hộ tham gia làm vải từ khâu cán bông, ngâm sợi, đập sợi, phơi khô rồi kéo thành từng thoi sợi để mắc vào khung cửi dệt thành những tấm “chéo” (vải mộc) đem bán ở chợ Gạo. Nghề canh cửi phát triển, chợ Gạo và sản phẩm đặc trưng của làng nghề đã đi vào câu ca dân gian: “Chợ Gạo một tháng sáu phiên… Chiều còn bán cả vải con. Mua nhiều đủ gánh trẩy Thanh, trẩy Đoài”. Không chỉ cung ứng cho nhu cầu của người dân trong vùng, trong tỉnh, vải của làng Gạo còn theo thuyền xuôi tận Thanh Hóa hoặc ngược lên vùng Hà Đông - Sơn Tây. Đến thời Pháp thuộc, khi có các Nhà máy Dệt ở Thành phố Nam Định, nghề buôn vải con (vải tấm vuông) không còn thịnh hành như trước, nhiều hộ dân làng Gạo đã sắm khung dệt khổ rộng nhận nguyên liệu sợi của Nhà máy về dệt thành vải để lấy công. Ngoài ra, còn hàng trăm thợ dệt là người dân làng Gạo không có điều kiện mua sắm khung dệt thì ra Thành phố Nam Định làm công nhân Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định. Trải qua các thời kỳ, nghề dệt với tiếng thoi lách cách đã trở nên thân thương, gắn bó với biết bao thế hệ người dân nơi đây; từ chiếc khung dệt thủ công xưa, nghề dệt đã phát triển mạnh với những khung dệt bán tự động rồi tự động chạy bằng điện. Những công đoạn sản xuất nặng nhọc xưa như: dệt, mắc sợi, cuốn sợi… đã dần dần được máy móc thay thế. Vì thế năng suất lao động của làng nghề cũng được tăng, từ 2 người/máy chỉ còn 1 người/máy. Thời điểm cực thịnh, làng dệt truyền thống Quả Linh có đến 1.400 khung dệt, có gia đình đông lao động thường có từ 2-3 khung dệt hoạt động suốt ngày đêm. Từ năm 1975 đến năm 1990, HTX Dệt Lợi Thành đã trở thành vệ tinh chuyên gia công sản phẩm cho Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định, đảm nhiệm vai trò đầu mối tiếp nhận nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trong làng. Sản phẩm chính là các loại vải bảo hộ lao động, khăn (xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu), vải màn xô phục vụ thị trường nội địa…

Dệt vải màn ô vuông tại gia đình anh Bùi Văn Thụ, xóm Cùng, thôn Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản).
Dệt vải màn ô vuông tại gia đình anh Bùi Văn Thụ, xóm Cùng, thôn Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản).

Giữ lại nghề xưa

Cũng như một số nghề truyền thống cực thịnh thời bao cấp, khi thực hiện đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, nghề dệt ở Quả Linh không kịp thích ứng nên sa sút. Một vài loại sản phẩm thủ công còn chỗ đứng trên thị trường khi các nhà máy lớn không sản xuất như vải màn xô, vải thô nên vẫn còn một số gia đình cầm canh duy trì. Gắn bó với nghề dệt chỉ còn lại lớp thợ đã luống tuổi, tận dụng thời gian nông nhàn thi thoảng dệt vài tấm vải bán ngay tại chợ Gạo. Sau hơn 10 năm trầm lắng, nghề dệt truyền thống của làng Quả Linh có những bước phục hồi trở lại nhờ một số con em quê hương đi làm ăn xa tại các tỉnh phía Nam tìm được đầu mối tiêu thụ cho các sản phẩm vải xô, vải màn, gạc y tế… của làng nghề. Để hỗ trợ nhân dân phát triển nghề dệt truyền thống, Đảng ủy, UBND xã đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: quy hoạch hơn 4ha đất công do xã quản lý (tại cánh đồng Dọc Sâu), cho hộ làm nghề “mượn” mặt bằng và nhà xưởng trong khuôn viên HTX Dệt Lợi Thành (cũ) phát triển sản xuất; đào tạo nghề miễn phí cho trên 300 lao động từ các nguồn kinh phí khuyến công, Đề án 1956… Nhờ các biện pháp đồng bộ cả từ phía người dân và chính quyền, nghề dệt truyền thống đã từng bước phục hồi trở lại. Sản phẩm của làng nghề hiện nay chủ yếu là băng, gạc y tế, vải màn… Tại xã đã phát triển được 2 doanh nghiệp đầu mối là Cty TNHH Thương mại Yến Hoàng; Cty TNHH Dệt Hải Trung và 3 đại lý là: Tươi - Thành, Đoan - Chính, Duyên - Thái chuyên nhận cung ứng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho các hộ sản xuất. Cty TNHH Thương mại Yến Hoàng hiện có trên 36 máy dệt cải tiến chuyên sản xuất các loại băng, gạc y tế với công suất khoảng 100 nghìn mét/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng/người/tháng và gần 100 lao động gia công (gấp gạc, cuốn băng) tại nhà. Cty TNHH Dệt Hải Trung hiện có 16 máy dệt các loại sản phẩm gạc y tế, gạc trơn phục vụ sản xuất các loại vải nhựa giả da, mỗi tháng tiêu thụ từ 500-600kg sợi nguyên liệu để sản xuất trên 20 nghìn mét sản phẩm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động. Ngoài số lao động trong các doanh nghiệp, tại 8 xóm: Chợ, Trại Gạo, Đông, Hát, Bến, Cuối, Cùng, Trải Ba của thôn Quả Linh còn khoảng gần 100 hộ thường nhận gia công sản phẩm cho các đại lý trong xã. Anh Bùi Văn Thụ, xóm Cùng có 2 máy dệt tự động chạy điện chuyên sản xuất vải màn ô vuông, công suất 4 tấm/máy/ngày loại dài 40m, khổ rộng 1m. Với tiền công từ 25-27 nghìn đồng/tấm, ngày công từ nghề dệt của anh và gia đình đạt khoảng 200 nghìn đồng.

Tuy đã có bước phục hồi và phát triển, làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ NN và PTNT nhưng vẫn còn nhiều khó khăn để nghề dệt ở làng Quả Linh phát triển bền vững. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và các hộ làm nghề đều tận dụng các loại máy cải tiến từ khung dệt thủ công cũ, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp nên kém sức cạnh tranh, lại không tạo ra được khối lượng hàng hóa lớn. Các doanh nghiệp, đại lý chưa đủ tiềm lực đầu tư đồng bộ, áp dụng công nghệ, thiết bị hiện đại; sản xuất quy mô nhỏ nên chưa thu hút được nhân lực lành nghề, tay nghề cao có năng lực sáng tạo, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm làm “hạt nhân” kích cầu các hộ sản xuất. Để nghề xưa phát huy lợi thế trong cơ chế mới phát triển vững vàng, giải quyết việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, ngoài nỗ lực của nhân dân và chính quyền địa phương rất cần sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện về vốn, công nghệ của các cấp, các ngành./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com