Ở nơi sông Hồng chảy ra biển tại cửa Ba Lạt đã tạo ra những vùng bãi bồi màu mỡ nên vùng đồng màu Giao Thủy hết sức trù phú. Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi, người Giao Thủy còn cần cù lao động, không để đất nghỉ ngơi bằng nhiều công thức luân canh, xen canh tăng vụ. Từ những đôi tay quanh năm “bới đất lật cỏ” của người dân nơi đây đã tạo ra “những cánh đồng vàng” cho thu nhập hàng trăm triệu đồng trên mỗi ha.
Nông dân xã Giao Yến chăm sóc cây su hào. |
Vốn nhiều năm kinh nghiệm chuyên canh rau màu, ông Trần Xuân Kinh, xóm 15, xã Giao Yến cho biết: Tôi có 5 sào đất màu vườn, trong vụ này tôi trồng dưa hấu Hắc Mỹ Nhân. Qua các vụ sản xuất, tôi dần hoàn thiện quy trình chăm sóc giống dưa hấu này, do vậy ruộng dưa của tôi mỗi vụ năng suất đạt 1 tấn/sào. Với giá bán dao động từ 6.000-8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí về giống, phân bón, thuốc BVTV mỗi sào trồng dưa hấu tôi lãi xấp xỉ 6 triệu đồng. Sau vụ dưa, tôi thực hiện các công thức luân canh rau màu đến hết năm rồi trồng khoai tây xuân. Tính ra mỗi năm tôi thu nhập không dưới 100 triệu đồng từ đất màu vườn. Cũng như ông Kinh, trên những diện tích đất màu vườn, nhiều hộ nông dân ở Giao Yến luân canh bằng đủ các loại rau màu có giá trị kinh tế cao như: dưa lê, dưa hấu, lạc, khoai tây, su hào, bắp cải, súp lơ… cho thu nhập 15-20 triệu đồng/sào. Hiện xã Giao Yến có trên 50ha đất màu. Tại những diện tích đất màu ruộng, nông dân Giao Yến vẫn sản xuất 1 vụ lúa trên đất màu để đảm bảo an ninh lương thực, những vụ còn lại trồng màu để làm giàu. Nông dân ở đây áp dụng công thức luân canh lên đến 5 vụ: Lạc (khoai tây) xuân - dưa hấu (dưa lê) - lúa mùa sớm - dưa hấu (dưa lê) - các loại rau. Vụ xuân ở Giao Yến với cây lạc làm chủ lực, sau đó trồng xen dưa hấu Hắc Mỹ Nhân hoặc dưa lê, sau khi thu hoạch dưa, bà con lại khẩn trương cấy lúa mùa sớm. Sang vụ đông trồng dưa hấu, dưa lê, khoai tây hoặc các loại rau như củ cải, rau cải bẹ... Bình quân mỗi năm, vùng màu Giao Yến cho thu nhập 160-220 triệu đồng/ha. Một số hộ thực hiện tốt các công thức luân canh, xen canh có khi thu nhập còn lên tới 300 triệu đồng/ha/năm. Là địa phương có truyền thống thâm canh cây màu, nhiều năm nay, xã Giao Thịnh đã quy hoạch các vùng trồng màu với tổng diện tích 50ha tại HTX Thịnh Tiến và được luân canh tăng vụ với các công thức như: Khoai tây xuân - dưa hấu (dưa lê) - đậu tương (vừng) - khoai tây đông; lạc xuân - dưa lê (dưa hấu) - ngô (đậu tương) - dưa hấu đông (khoai tây đông, rau màu các loại). Mặc dù ở cuối hệ thống tiêu của các xã lân cận Giao Phong, Giao Yến nên việc thoát nước nơi đây gặp nhiều khó khăn, song hằng năm HTX Thịnh Tiến thực hiện tốt công tác thủy lợi nội đồng nên đã chủ động được khâu tưới, tiêu nước cho vùng trồng màu. Nhiều hộ nông dân chọn khoai tây Đức, Hà Lan làm cây chủ đạo cho vụ màu xuân, thời vụ bắt đầu từ cuối tháng 12 đến tháng 2 năm sau, năng suất khoai tây bình quân đạt trên 25 tấn/ha. Sau thu hoạch khoai tây, nông dân Thịnh Tiến tổ chức trồng dưa, đến vụ hè thu chuyển sang trồng đậu tương, là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ngoài hiệu quả kinh tế còn góp phần cải tạo đất rất tốt, phù hợp với luân canh tăng vụ trước khi trồng khoai tây đông trong điều kiện thiếu phân chuồng, phân hữu cơ. Một công thức luân canh khác với cây lạc làm cây chủ đạo cho vụ xuân, thời vụ từ tháng 1 đến tháng 4, trước thu hoạch lạc xuân 20 ngày, nông dân đã bỏ bầu dưa lê hoặc dưa hấu xen vào lạc, đến khi thu hoạch lạc thì dưa cũng bắt đầu bói hoa. Sau dưa đến ngô hoặc đậu tương, cuối cùng là vụ dưa hấu đông hoặc khoai tây đông, rau màu các loại. Thời vụ đuổi nhau, ruộng đất quay vòng 4 vụ/năm, đất và người không một ngày ngơi nghỉ, đồng ruộng lúc nào cũng phủ màu xanh mỡ màng tươi tốt no ấm của cây màu, bình quân mỗi năm cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/ha. Xã Giao Nhân có khoảng gần 1.000 hộ trồng rau màu phổ biến như: cà chua, cà rốt, bí xanh, bắp cải, xà lách, hành, tỏi, súp lơ, ngô, đậu tương… Do biết tận dụng quỹ đất, lách thời vụ với nhiều công thức linh hoạt như: luân canh, xen canh, gối vụ, trồng trái vụ làm rau giống. Đồng thời tích cực ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất với trình độ thâm canh cao nên Giao Nhân trở thành một trong những địa phương dẫn đầu huyện Giao Thủy về giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác khi đạt trên 300 triệu đồng/ha.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất của 1.700ha diện tích đất trồng màu, tăng thu nhập cho nông dân, huyện Giao Thủy đã quy hoạch các vùng trồng màu tập trung; xây dựng cơ cấu cây trồng để chủ động luân canh, xen canh tăng vụ; đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản. Huyện chủ trương phát triển trồng màu theo phương thức đa dạng hóa cây trồng, tập trung vào những cây dễ trồng, có năng suất cao, chất lượng, dễ tiêu thụ, giá trị kinh tế cao. Tại các vùng đất màu ở các xã Giao Phong, Giao Yến, Giao Thịnh, Thị trấn Quất Lâm… phát triển mạnh các cây lạc, dưa, ngô, rau các loại. Còn các xã Giao Hà, Hoành Sơn, Giao Nhân… trồng gối lứa các loại rau ngắn ngày; đồng thời, huyện từng bước xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, rau giống… phục vụ chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó, những năm qua, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung phát triển mạnh sản xuất cây vụ đông trên đất 2 lúa, khuyến khích mở rộng diện tích trồng cây bí xanh ở những xã đã có kinh nghiệm từ những năm trước. Từng bước phát triển cây vụ đông làm nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu như: cà chua, dưa chuột, dưa hấu, ngô ngọt, ớt xanh, cải dầu… Để phục vụ sản xuất, huyện Giao Thủy tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các dự án: Kiên cố hóa kênh mương, cải tạo và nâng cấp hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp. Cùng với sự chỉ đạo huyện, xã, nông dân vùng màu Giao Thủy đã chủ động đào các giếng khoan ngay trên ruộng, chủ động tưới nước, chăm sóc cây màu. Luân canh tăng vụ đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân, vừa thay đổi cơ cấu mùa vụ, nâng cao hiệu quả kinh tế lại tăng độ phì nhiêu cho đất. Nhờ luân canh 3-5 vụ nên diện tích trồng màu ở Giao Thủy tăng dần qua từng vụ, từng năm, đến nay đạt trên 5.000 ha/năm. Đến nay mỗi ha đất màu cho nông dân Giao Thủy thu nhập từ 150-350 triệu đồng/năm.
Bão số 1 vừa qua đã đổ bộ vào tỉnh ta với sức tàn phá lớn (gió cấp 11, 12), làm trên 1.200ha rau màu của nông dân Giao Thủy bị thiệt hại. Ngay sau bão nông dân nơi đây bằng mọi cách khắc phục tiêu úng, tập trung vun xới, phá váng làm thông thoáng gốc, chăm bón những diện tích cây rau màu còn lại, đồng thời khẩn trương vệ sinh đồng ruộng những nơi bão gây mất trắng để trồng mới, trồng bù bằng các loại rau ăn lá ngắn ngày. Với nông dân Giao Thủy không có chuyện bỏ trống đất vùng đồng màu bởi đây là những cánh đồng “hái ra tiền”, giúp họ đổi đời, làm giàu bền vững./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh