Trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Nghĩa Hưng xác định linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên những diện tích đất canh tác kém hiệu quả, lựa chọn những giống cây, con mới phù hợp cho giá trị sản xuất cao hơn. Theo định hướng đó, huyện đã phát triển vùng sản xuất dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Những kết quả đạt được đã cho thấy mặt tích cực của hướng đi này, đem lại thu nhập cao cho người nông dân, tạo vùng sản xuất dược liệu ổn định, bền vững phục vụ ngành công nghiệp dược phẩm trong nước nói chung, của tỉnh nói riêng, góp phần xây dựng NTM.
Trước đây tại một số địa phương trong huyện đã trồng cây dược liệu nhưng quy mô nhỏ lẻ của các hộ dân. Nhiều doanh nghiệp sản xuất dược phẩm đã nghiên cứu đánh giá tiềm năng đất đai, khí hậu, trồng khảo nghiệm và liên kết với các địa phương trong tỉnh đưa các giống dược liệu mới vào canh tác. Năm 2015, huyện Nghĩa Hưng đã phối hợp với Cty CP Dược phẩm Hoa Thiên Phú triển khai thực hiện Dự án phát triển vùng trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO tại 2 xã Hoàng Nam và Nghĩa Minh. Sản xuất dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO là các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trong tiêu chuẩn GACP-WHO yêu cầu quy trình kỹ thuật trồng trọt hết sức khắt khe nhằm đảm bảo chất lượng dược liệu đầu vào cho sản xuất thuốc bảo đảm chất lượng và có sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Ông Lê Trung Nam, Tổng Giám đốc Cty Hoa Thiên Phú cho biết: Bên cạnh việc khai thác tiềm năng của 2 xã Hoàng Nam và Nghĩa Minh trong phát triển vùng dược liệu, Cty mong muốn được đồng hành cùng địa phương để góp phần giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con nông dân. Ngoài những chính sách hợp tác và hỗ trợ giúp người nông dân yên tâm tham gia Dự án như: bao tiêu sản phẩm với giá ổn định…, Cty còn cung cấp giống, vật tư nông nghiệp chất lượng, đầu tư cơ sở thu mua và chế biến dược liệu tại địa phương; cam kết hỗ trợ kỹ thuật canh tác, kỹ thuật trồng, chăm sóc và đặc biệt được hỗ trợ về thu nhập, chia sẻ rủi ro. Hiện Cty đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở chế biến dược liệu được thiết kế tiêu chuẩn GMP để đảm bảo cả các tiêu chí từ trồng sạch, canh tác sạch, sơ chế sạch và bảo quản sạch. Toàn bộ hệ thống sấy theo công nghệ nhiệt sạch với 4 máy sấy, mỗi máy có công suất 4-5 tấn dược liệu/ngày. Việc sơ chế hoàn toàn không có chất bảo quản. Sau gần 1 năm triển khai, dự án phát triển vùng dược liệu bền vững tại Nam Định đã thu hút 627 hộ dân tham gia với tổng diện tích 28ha tại 2 xã Hoàng Nam, Nghĩa Minh. Các dược liệu được triển khai trồng là: đương quy, bồ công anh, ích mẫu, nhân trần, đặc biệt hiện nay là ngưu tất, một loại dược liệu quý với nhiều công dụng tốt. Màu xanh dược liệu đã bao phủ khắp vùng đất bãi 2 xã Hoàng Nam và Nghĩa Minh. Theo tổng hợp của Cty Hoa Thiên Phú, sau khi trồng vụ đầu tiên, tổng 20ha trồng ngưu tất của xã Hoàng Nam cho nông dân thu lãi 1,9 tỷ đồng; 5,8ha đương quy của xã Nghĩa Minh lãi 1,58 tỷ đồng; 2ha ích mẫu ở Nghĩa Minh lãi 170 triệu đồng… Bà Vũ Thị Toạn, xóm 8, xã Nghĩa Minh tham gia Dự án cho biết: Tôi và bà con nông dân rất phấn khởi khi dự án về với địa phương. Vì không phải dự án nào cũng giúp chúng tôi thu nhập bình quân gấp nhiều lần so với trồng màu và trồng lúa. Trồng cây dược liệu theo hướng an toàn ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên cũng không gây ô nhiễm và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người lao động, do vậy chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi. Vụ đầu tiên, tôi trồng 2 sào đương quy. 8 tháng gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch tôi đều thực hiện nghiêm ngặt theo hướng dẫn của cán bộ Viện Dược liệu và cán bộ kỹ thuật của Cty; tôi đã thu được 9 tạ đương quy. Hiện Cty thu mua với giá 30 nghìn đồng/kg, trừ mọi chi phí, mỗi sào tôi lãi trên 10 triệu đồng. Anh Đoàn Văn Phú, xóm Nghĩa Dũng, xã Hoàng Nam trồng 6,9 sào ngưu tất. Chỉ sau 4 tháng trồng, anh đã thu về 20 triệu đồng, bình quân mỗi sào lãi xấp xỉ 3 triệu đồng. Anh cho biết, trước đó diện tích đất bãi của anh chỉ trồng lạc và lúa, mỗi năm lãi không quá 1 triệu đồng.
|
Vùng trồng đương quy theo tiêu chuẩn GACP-WHO tại xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng). |
Dự án phát triển vùng dược liệu tại Nghĩa Hưng được coi là hướng đi bền vững bởi đảm bảo được các tiêu chí kinh doanh của chủ đầu tư cũng như lợi ích của địa phương và người nông dân. Doanh nghiệp được đảm bảo cung ứng nguồn dược liệu chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn; người nông dân được tạo việc làm và nâng cao thu nhập; cùng với đó góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng của 2 xã Hoàng Nam và Nghĩa Minh. Đây được coi là một trong những hoạt động xã hội có ý nghĩa thiết thực trong việc phát triển kinh tế vùng, địa phương. Đồng chí Bùi Văn Hữu, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Nghĩa Minh cho biết: Sau khi hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chủ trương của xã là phải nâng cao thu nhập cho nhân dân. Xã đã có nghị quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là vùng đất bãi ven sông Đào người dân thường trồng lạc, lúa, đỗ… năng suất không cao. Những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp nên hiệu quả sản xuất của vùng đất bãi ngày càng kém hơn. Khi biết tin về Dự án phát triển vùng sản xuất dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO, xã đã tiến hành các bước tích cực xúc tiến kêu gọi Cty đầu tư vào địa phương và vận động bà con có đất sản xuất ở vùng đất bãi chuyển sang cây trồng mới này. Dự án nhanh chóng nhận được sự đồng tình, ủng hộ, quan tâm của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và bà con trong xã. Mặc dù vụ đầu gặp nhiều khó khăn như: thời tiết nắng nóng, nông dân chưa có kinh nghiệm trồng cây dược liệu, song kết quả từ vụ sản xuất đầu tiên đã cho hiệu quả cao gấp 2-3 lần so với cây trồng cũ là trồng màu, cấy lúa. Hiện tại với nhiều sản phẩm thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng như: Sắc Ngọc Khang, Viên uống Hoa Thiên, Kem tan mỡ Finomas, Hoạt huyết minh não khang, chức năng gan Bảo Nguyên của Cty Hoa Thiên Phú sản xuất từ nguồn dược liệu trồng tại địa phương được người tiêu dùng tín nhiệm. Song song với việc không ngừng mở rộng thị trường, việc phát triển vùng dược liệu bền vững và xây dựng thương hiệu sản phẩm là hết sức quan trọng. Anh Nguyễn Văn Tiến, Trưởng ban Dự án cho biết: Qua sản xuất, chúng tôi theo dõi thấy hàm lượng hoạt chất trong cây ngưu tất trồng ở Nghĩa Hưng rất phù hợp để chế biến thành dược phẩm đạt tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam. Do vậy, trong thời gian tới mục tiêu của Cty là xây dựng chỉ dẫn địa lý Nghĩa Hưng, đạt chứng chỉ GACP-WHO cho sản phẩm ngưu tất. Hiện Cty đã chuẩn bị đầy đủ giống, vật tư để trong tháng 9-2016, tiếp tục mở rộng địa bàn, diện tích trồng dược liệu ra các xã: Nghĩa Đồng, Nghĩa Thái, Nghĩa Sơn, Nghĩa Phong, Nghĩa Phúc với các loại dược liệu: Bạch chỉ, địa hoàng, bạch truật, xuyên cung… Dự kiến, huyện sẽ phối hợp với Cty Hoa Thiên Phú xây dựng vùng sản xuất dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO 50ha ở bãi bồi và đất canh tác ven sông.
Dự án phát triển vùng sản xuất dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO tại Nghĩa Hưng đã từng bước khẳng định mối liên kết bền vững giữa 3 nhà “Doanh nghiệp - Nhà nước - Nông dân” của một mô hình sản xuất với các tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, doanh nghiệp có nguồn cung nguyên liệu ổn định, bền vững… Bên cạnh đó, Dự án còn có ý nghĩa bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia dược liệu giống gốc, góp phần nâng cao chất lượng dược liệu nội địa và tiến tới hội nhập với thế giới./.
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh