Là một trong 3 huyện giáp biển của tỉnh, lại được bao bọc bởi 3 con sông lớn là sông Đào, sông Đáy và sông Ninh Cơ, kênh Quần Liêu nối sông Đáy với sông Ninh Cơ, huyện Nghĩa Hưng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành công nghiệp đóng tàu. Trong đó, xã Nghĩa Sơn là địa phương có nghề đóng tàu truyền thống kinh nghiệm lâu năm. Chính vì thế trong cơ cấu kinh tế công nghiệp huyện Nghĩa Hưng xác định phát triển đóng tàu trở thành ngành công nghiệp chủ yếu trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Nghĩa Hưng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy tại Cty TNHH một thành viên Vận tải và Kinh doanh Thương mại Nam An, xã Nghĩa Minh. |
Nhiều năm trước, khi ngành công nghiệp tàu thủy cả nước lâm vào khủng hoảng, công nghiệp đóng tàu của huyện cũng rơi vào khó khăn. Trước tình trạng đó, Phòng Công thương đã tham mưu cho UBND huyện thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ, giảm thiểu khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở đóng tàu trên địa bàn; tranh thủ kinh phí từ các nguồn khuyến công, Đề án 1956 mở các lớp đào tạo nghề chuyển đổi; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được hưởng các chính sách ưu đãi về mặt bằng, thuế theo quy định của Trung ương và của tỉnh. Hướng dẫn về thủ tục chuyển đổi diện tích đất bãi đang sản xuất vật liệu xây dựng theo phương pháp thủ công sửa chữa các loại phương tiện vận tải thủy… Nhờ đó, từ năm 2014 đến nay, khi công nghiệp đóng tàu có bước phục hồi do chủ trương phát triển vận tải đường thủy để giảm tải cho đường bộ cùng với các chính sách quyết liệt tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp của Trung ương, của tỉnh, đã tạo cơ hội phục hồi sản xuất cho các doanh nghiệp đóng tàu của huyện. Khoảng 2 năm gần đây, nghề đóng thuyền thép truyền thống của xã Nghĩa Sơn đã có bước phục hồi và phát triển mạnh với 2 doanh nghiệp, gần 30 cơ sở sản xuất chuyên nhận đóng các loại phương tiện pha sông biển có tải trọng từ 300 đến trên 2.000 tấn. Các doanh nghiệp, cơ sở đóng tàu trong xã đã tạo việc làm cho trên 600 lao động với mức lương bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Với 3 xưởng sản xuất rộng trên 5.000m2, Cty TNHH một thành viên Sản xuất Thương mại Đức Chiến, xóm Bơn Ngạn đủ năng lực thực hiện cùng lúc 10 hợp đồng đóng mới phương tiện vận tải thủy tải trọng 500-2.000 tấn cho khách hàng… Cty đang có 120 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có nhiều cơ sở sản xuất ở các xóm 2 thôn Quần Liêu; xóm Ngòi Voi, khu vực cống Lý Nhân… đang tấp nập triển khai đóng mới, sửa chữa các loại phương tiện vận tải thủy. Rút kinh nghiệm từ đợt khủng hoảng trước, hiện nay các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngành công nghiệp đóng tàu đều thực hiện “thanh toán từng phần” theo tiến độ thi công. Bên cạnh đó, thay vì phải đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hệ thống triền đà, các doanh nghiệp đóng tàu đã chủ động áp dụng phương thức hạ thủy tàu thuyền bằng bóng hơi, chi phí chỉ bằng 1/10 so với sử dụng triền đà. Không chỉ phục hồi và phát triển mạnh ở xã Nghĩa Sơn, với chủ trương thống nhất của huyện và sự tạo điều kiện tối đa của các địa phương, ngành công nghiệp đóng tàu của huyện Nghĩa Hưng đã phát triển ra các xã, thị trấn khác như: Liễu Đề, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Minh, Nghĩa Hùng, Nghĩa Phong… Thực hiện chủ trương xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công của Chính phủ và của tỉnh, từ năm 2012, được sự hỗ trợ tích cực của các phòng chức năng và UBND huyện, xã Nghĩa Minh đã hoàn thành 100% kế hoạch, thu hồi được hơn 3ha đất bãi sông Đào để chuyển sang phát triển công nghiệp đóng tàu. Đến nay, khu vực bãi sông Đào thuộc xóm 1 và xóm 4 của xã đã thu hút được 2 doanh nghiệp đóng tàu là Cty TNHH Vận tải biển Hồng Thái và Cty TNHH một thành viên Vận tải và Kinh doanh Thương mại Nam An. Ông Hoàng Văn Quế, Giám đốc Cty TNHH Vận tải biển Hồng Thái cho biết, được sự tạo điều kiện của địa phương, ngay sau khi nhận đất, đầu năm 2013, Cty đã đầu tư trên 2 tỷ đồng xây dựng kho, bãi, nhà điều hành và hệ thống trạm biến áp, cẩu để chính thức sản xuất. Hiện nay, ngoài đội tàu vận tải 5 chiếc tải trọng từ 800-1.000 tấn, Cty còn sửa chữa và đóng mới các loại phương tiện vận tải thủy với tải trọng đến 1.500 tấn, tạo việc làm thường xuyên cho trên 50 lao động với mức lương bình quân khoảng 6-7 triệu đồng/người/tháng. Trong năm 2015, Cty đã hoàn thành đóng mới 2 tàu tải trọng 1.200 tấn với tổng trị giá hợp đồng trên 9 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2016, trên diện tích bãi rộng trên 1ha Cty đang triển khai đóng 3 tàu (1 tàu tải trọng 1.500 tấn; 2 tàu tải trọng 1.000 tấn) dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 9 để bàn giao cho khách hàng. Thành lập và hoạt động từ cuối năm 2014, trong năm 2015, Cty TNHH một thành viên Vận tải và Kinh doanh Thương mại Nam An đã đóng mới được 3 tàu từ 1.200-1.900 tấn. Hiện tại, trên sân bãi rộng gần 10 nghìn m2 của Cty đang đồng loạt triển khai đóng mới 4 tàu loại 2.000 tấn (trong đó có 2 tàu đẩy; 2 tàu vận tải); tạo việc làm cho trên 60 lao động địa phương với tiền công từ 220-250 nghìn đồng/người/ngày. Dự kiến, đến tháng 9-2016, khi hoàn thành 2 tàu vận tải và 2 tàu đẩy, Cty sẽ đầu tư 400-500 triệu đồng xây dựng hệ thống phao nâng để đưa tàu từ dưới sông lên bãi sửa chữa, phát triển dịch vụ sửa chữa để có việc làm thường xuyên cho thợ.
6 tháng đầu năm 2016, ngành công nghiệp đóng tàu của huyện Nghĩa Hưng đã đóng mới được trên 28 nghìn tấn (đạt gần 54% kế hoạch); sửa chữa được trên 7.600 tấn phương tiện; tổng giá trị thực hiện trên 31,1 tỷ đồng (đạt 57,1% kế hoạch). Nhờ đó đã góp phần giúp huyện Nghĩa Hưng đạt giá trị sản xuất CN-TTCN trên 675,1 tỷ đồng, bằng 55,8% kế hoạch năm và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Thời gian tới, huyện Nghĩa Hưng tiếp tục tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính, nghiên cứu bố trí mặt bằng hợp lý; hỗ trợ đào tạo lao động lành nghề... để các doanh nghiệp và ngành công nghiệp đóng tàu tiếp tục phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương./.
Bài và ảnh: Thành Trung