Những tháng đầu năm 2016, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng ngành công nghiệp chế biến gỗ vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định, là một trong 3 ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh ta (sau dệt may, cơ khí). 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến gỗ tăng trưởng 21,4%, góp phần quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh.
Sản xuất các sản phẩm gỗ xuất khẩu tại Cty CP Lâm sản Nam Định. |
Để đạt được kết quả tăng trưởng khả quan trên, khẳng định vị thế ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh; trong giai đoạn 2011-2015 và những tháng đầu năm 2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương lập quy hoạch, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tham mưu với tỉnh để định hướng chỉ đạo, ban hành các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện về thủ tục, mặt bằng, vốn… để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đến nay, ngành công nghiệp chế biến gỗ, giấy và lâm sản của tỉnh đã phát triển rộng khắp ở cả 10/10 huyện, thành phố. Theo số liệu của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh có gần 150 doanh nghiệp và hàng nghìn cơ sở sản xuất, hộ cá thể sản xuất, kinh doanh trong ngành chế biến gỗ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 30 nghìn lao động, chiếm trên 20% tổng số lao động tham gia sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh với các loại sản phẩm chính là: gỗ xẻ, các sản phẩm gỗ mỹ nghệ, dân dụng và nội thất xây dựng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý của tỉnh và các ngành chức năng cùng với nỗ lực khuyến khích của các địa phương tạo điều kiện về mặt bằng mở rộng sản xuất; hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo lao động miễn phí… nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ có tiềm lực đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc hiện đại để phát triển sản xuất, kinh doanh như Cty CP Lâm sản Nam Định (Thành phố Nam Định, KCN Bảo Minh); Cty TNHH Đoàn Kết (KCN Hòa Xá); Cty CP Thương mại Hợp Long, Cty TNHH Thương mại Hoàng Tùng Linh (CCN Hải Phương, Hải Hậu); Doanh nghiệp tư nhân Phú Khánh (CCN Nghĩa Sơn, Nghĩa Hưng)… Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chế biến gỗ của địa phương, mỗi năm Cty CP Lâm sản Nam Định đạt doanh thu trên 500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt từ 25-30 triệu USD. Cty đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu tại KCN Bảo Minh với tổng diện tích trên 5ha, tạo việc làm cho trên 600 lao động. Với uy tín thương hiệu đã được định vị trên thị trường, Cty vẫn duy trì tốt nhịp độ tăng trưởng, đảm bảo việc làm trong nửa đầu năm 2016 và kế hoạch đến hết năm. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của thị trường, ngoài hệ thống máy móc sản xuất hiện đại, Cty TNHH Đoàn Kết đã đầu tư gần 4 tỷ đồng xây dựng 1 lò hấp sấy gỗ nguyên liệu công suất tối đa 90m3 gỗ/mẻ; hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại nhập khẩu như hệ thống máy làm cửa đa năng, máy CNC 3D… với tổng mức đầu tư khoảng 20 tỷ đồng. Riêng hệ thống máy làm cửa đa năng trị giá trên 3 tỷ đồng được Cty nhập nguyên chiếc từ I-ta-li-a có công suất tối đa 20 m2/ca làm việc với các loại mẫu mã, kích thước theo yêu cầu đặt hàng, bằng năng suất lao động của 20 thợ lành nghề. Nhờ đó, các sản phẩm gỗ gia dụng (bàn, ghế, giường, tủ) của Cty đã được khách hàng tín nhiệm, tiêu thụ tốt ở thị trường trong tỉnh. Mỗi tháng, Cty tiêu thụ trên 300m3 gỗ nguyên liệu (được nhập khẩu từ các nước Lào, In-đô-nê-xi-a), doanh thu hằng năm đạt từ 120-130 tỷ đồng. Tại huyện Ý Yên, ngành chế biến gỗ không chỉ phát triển ở các làng nghề truyền thống có thế mạnh như: La Xuyên, Ninh Xá (xã Yên Ninh); Tân Ninh (Thị trấn Lâm); Đằng Động (Yên Hồng)… mà còn được nhân cấy, phát triển mạnh ở các xã thuần nông như: Yên Khánh, Yên Dương, Yên Mỹ… 6 tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong CCN Yên Ninh với 19 Cty, 111 cơ sở sản xuất đạt tổng doanh thu 348 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 900 lao động tập trung và hàng trăm lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân 4,5-6 triệu đồng/người/tháng. Ở huyện Trực Ninh nghề mộc mỹ nghệ không chỉ phát triển mạnh ở xã Trung Đông, những năm gần đây còn được mở rộng sang Thị trấn Cổ Lễ. Những năm gần đây, ở huyện Hải Hậu, ngành công nghiệp chế biến gỗ cũng phát triển mạnh. Ngoài các làng nghề mộc truyền thống nổi tiếng đã được huyện, tỉnh công nhận đủ các tiêu chí làng nghề theo quy định của Bộ NN và PTNT như: Kim Thành (Hải Vân); Hải Minh; Phạm Rỵ (Hải Trung); Tam Tùng Đông (Hải Đường) huyện Hải Hậu còn có 2 doanh nghiệp chế biến gỗ quy mô lớn trong CCN Hải Phương. Cty CP Gỗ mỹ nghệ Hợp Long (CCN Hải Phương) nhiều năm qua có thị trường ổn định tại Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Tháng 4-2016, Cty TNHH Hoàng Tùng Linh đã chính thức đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất các sản phẩm từ gỗ công nghiệp (tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng) theo các tiêu chuẩn ISO: 9001:2008 và 14.001:2004 với 4 xưởng sản xuất tạo thêm việc làm cho 30 lao động địa phương. Với dây chuyền sản xuất hiện đại, trên 90% công đoạn sản xuất được tự động hóa, Cty chuyên sản xuất đồng bộ các sản phẩm gỗ (cửa, cầu thang, trần, sàn và nội thất) phục vụ các dự án xây dựng chung cư, biệt thự tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa… với công suất dự kiến từ 5.000-6.000 bộ sản phẩm/năm.
Cùng với dệt may và cơ khí, chế biến gỗ là một trong 3 ngành công nghiệp chủ lực, đóng góp giá trị sản xuất lớn nhất cho công nghiệp toàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hạn chế nhất của ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh ta là nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ phân bố rải rác, công nghệ sản xuất cơ bản còn lạc hậu, thủ công nên sản phẩm chưa có tính cạnh tranh cao. Để ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển thành ngành mũi nhọn, bền vững, thời gian tới UBND tỉnh giao Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện về thủ tục hành chính nhằm tăng cường thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư vào các CCN tập trung để có điều kiện mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, tạo nhiều việc làm cho người lao động./.
Bài và ảnh: Thành Trung