Lập nghiệp thành công trên đồng đất quê hương

08:08, 12/08/2016

Về xã Hải Ninh - một vùng quê có truyền thống thâm canh nông nghiệp của huyện Hải Hậu, nơi có nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với mô hình kinh tế nông nghiệp tổng hợp của gia đình anh Tạ Văn Ly.

Chúng tôi tìm gặp anh Ly khi anh đang tập trung cho sản xuất vụ lúa mùa và vụ đông năm 2016. Tiếp chúng tôi trong “túp lều nhỏ” giữa đồng, anh Ly khá cởi mở chia sẻ về quá trình “lập thân, lập nghiệp” của mình. Sinh ra và lớn lên ở xã Hải Giang nhưng anh Ly lại quyết định lập nghiệp trên cánh đồng giáp ranh của 2 xã Hải Giang và Hải Ninh, trong đó phần nhiều diện tích đất sản xuất là của xã Hải Ninh. Năm 2011, cả 2 xã tiến hành dồn điền đổi thửa, thực hiện bước khởi động để xây dựng NTM. Chủ trương thuận lòng dân nên công tác dồn đổi ruộng đất nông nghiệp đã được thực hiện nhanh chóng, diện tích đất công của 2 xã đã được quy gọn vùng. Nhận thấy đây là cơ hội để làm giàu ngay chính tại đồng đất quê hương, anh Ly đã bàn với gia đình nhận thầu toàn bộ 3,4ha đất công của 2 xã để phát triển nông nghiệp tổng hợp.

Thu hoạch cà chua trái vụ tại gia trại của anh Tạ Văn Ly, xã Hải Ninh (Hải Hậu).
Thu hoạch cà chua trái vụ tại gia trại của anh Tạ Văn Ly, xã Hải Ninh (Hải Hậu).

Được chính quyền 2 địa phương tạo điều kiện và gia đình ủng hộ, anh Ly đã trúng thầu toàn bộ diện tích trên. Có đất, lại nảy sinh khó khăn là tìm đâu ra nguồn vốn lớn để đầu tư cho “ra tấm, ra món”. Qua tìm hiểu các kênh tín dụng, anh Ly quyết định tìm đến Quỹ Tín dụng nhân dân Hải Ninh và được duyệt vay 150 triệu đồng. Có vốn, có đất trong tay, anh Ly tập trung cải tạo, quy hoạch từng khu vực sản xuất hợp lý. Anh thuê máy múc cải tạo vùng đất gò màu, đào mương thoát nước, đắp bờ vùng, bờ thửa chắc chắn, thiết kế hệ thống cống tưới, tiêu hợp lý, bảo đảm chống được ngập úng và tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển các loại nông sản. Sau cả năm trời miệt mài lao động với bao mồ hôi, công sức, anh Ly đã cơ bản định hình được hạ tầng vùng sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và cơ cấu cây trồng theo dự kiến. Theo đó, toàn bộ diện tích đất gò màu anh tập trung trồng dong riềng, ngô và các loại rau xanh; vùng thấp hơn anh trồng ngô, cà chua, dưa chuột, bí xanh và vùng trũng anh cấy các loại lúa đặc sản của quê hương. Anh Ly cho biết: Để bảo đảm thành công, ngoài việc tự học, tự tìm hiểu kiến thức trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản hoa màu, anh còn thường xuyên nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật trong việc lựa chọn giống cây trồng, các loại phân bón… phù hợp của cán bộ khuyến nông huyện và hợp tác xã. Việc canh tác trên vùng đất rộng đòi hỏi anh phải bám đồng thường xuyên nắm chắc tình trạng “sức khỏe” của cây trồng để kịp thời phát hiện các loại sâu, bệnh, có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Anh đầu tư mua 2 máy cày bừa, máy bơm nước, mượn thuê 5 lao động thường xuyên để làm đất, làm cỏ, bơm nước, chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch rau màu, áp dụng các biện pháp canh tác hữu cơ truyền thống. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của các kỹ sư và kiến thức tích lũy được qua tìm hiểu sách báo, anh Ly đã trồng được cà chua, dưa chuột, ngô, các loại rau màu trái vụ để cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện; thực hiện ký hợp đồng cung cấp cà chua, dưa chuột bao tử, gạo tám thơm nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến nông sản trong và ngoài tỉnh. Anh Ly cho biết thêm, việc luân canh gối vụ, trồng xen kẹp các giống cây nhằm khai thác tối đa hiệu quả tiềm năng đất đai, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động. Giờ đây, việc sản xuất của gia đình anh Ly đã đi vào ổn định, mỗi năm đã mang lại nguồn thu từ 600-700 triệu đồng. Làm ăn hiệu quả nên việc trả tiền gốc, tiền lãi cho Quỹ Tín dụng nhân dân Hải Ninh luôn được anh thực hiện đầy đủ, đúng quy định.

Mạnh dạn đầu tư và quyết tâm phát triển sản xuất nông sản hàng hóa đã giúp anh Ly thực hiện ước mơ làm giàu một cách chính đáng và bền vững ngay trên đồng đất quê hương. Mô hình kinh tế nông nghiệp tổng hợp của anh đã trở thành địa chỉ tin cậy được nhiều bà con nông dân trong vùng và các địa phương lân cận đến tham quan, tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm. Đây cũng là một minh chứng thực tế về hiệu quả xã hội thiết thực của các nguồn vốn tín dụng hợp lý./.

Bài và ảnh: Phạm Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com