Xã Bạch Long (Giao Thủy) được coi là một vựa muối lớn nhất miền Bắc với 230ha diện tích sản xuất và gần 2.000 hộ dân làm muối, chiếm gần 80% số hộ dân toàn xã. Từ đầu vụ muối đến nay, diêm dân trong xã đã tập trung nhân lực, tranh thủ những ngày nắng để ra đồng. Đến thời điểm này, sản lượng muối toàn xã ước đạt 8.500 tấn muối ráo, đạt 41,46% so với kế hoạch. Để hỗ trợ diêm dân sản xuất muối, các doanh nghiệp trên địa bàn xã đã tích cực thu mua muối cho diêm dân. Hiện, trên địa bàn xã có 3 doanh nghiệp và 20 đại lý thu mua muối với năng suất tiêu thụ và chế biến bình quân 25-30 nghìn tấn/năm. Trong đó, điển hình là Doanh nghiệp tư nhân Thanh Đạm do anh Phạm Văn Cương làm chủ.
Diêm dân xã Bạch Long sản xuất muối. |
Sinh năm 1987 ở vùng quê muối Bạch Long, tốt nghiệp ngành Quản trị doanh nghiệp (Đại học Kinh tế quốc dân - Hà Nội), không cố bám trụ ở các thành phố lớn như số đông bạn bè, Cương đã trở về địa phương, phụ giúp gia đình trong việc thu mua và chế biến muối. Cương tâm sự, Bạch Long được đánh giá là nơi có lợi thế cho nghề muối. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do chất lượng muối chưa được đảm bảo bởi phương thức sản xuất chủ yếu vẫn là thủ công; khâu bảo quản sau khi mua dự trữ còn nhiều khó khăn do có độ hao hụt cao, kho bãi nhanh xuống cấp bởi sự ăn mòn của muối… Vì vậy, hằng năm, có hàng trăm nghìn tấn muối không tiêu thụ được, ảnh hưởng lớn đến kinh tế của người dân ven biển. Trung bình mỗi tháng, người dân chỉ thu được 400-600 nghìn đồng/người từ làm muối. Tuy thu nhập thấp, người dân ở đây vẫn chọn muối là nghề chính bởi đây là nghề truyền thống đã tồn tại từ hàng trăm năm ở vùng đất này. Cầm trên tay tấm bằng cử nhân, bất lực nhìn những cánh đồng muối còn nhiều phương thức sản xuất thủ công, Cương đã cháy lên quyết tâm phải thay đổi. Trước thực tế đó, anh đã bàn với gia đình, quyết định đầu tư sản xuất muối sạch, vừa tăng thu nhập vừa tạo việc làm cho người dân, hỗ trợ diêm dân của địa phương tiêu thụ muối với giá cả hợp lý. Nghĩ là làm, được sự ủng hộ của gia đình, anh đã tìm hiểu và được gặp gỡ Thạc sĩ Bùi Sơn Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ muối biển, người đi đầu trong phát triển mô hình sản xuất muối sạch. Sau thời gian học hỏi, anh quyết định ứng dụng mô hình này trên mảnh đất quê hương. Có máy móc, có công nghệ nhưng để triển khai được phải xây dựng nhà xưởng, khu chế biến muối sạch gần vùng nguyên liệu và đảm bảo môi trường. Có đất làm dự án thì Cương lại phải lo thêm chi phí xây dựng cầu, đường. Suy đi tính lại, anh liều thuê một khu đất ngoài bờ sông đang bị ngập trong nước, mua cát về để san lấp tạo nền đất, cứng hóa mặt nền xây dựng cơ sở hạ tầng. Hơn một năm sau, anh mới xây xong xưởng, các thiết bị kỹ thuật mua ở chi nhánh thực nghiệm và chuyển giao công nghệ muối biển ở Hà Nội cũng được kết hợp lắp đặt. Tháng 8-2013, cơ sở sản xuất muối sạch của anh bắt đầu đi vào hoạt động.
Vượt qua khó khăn ban đầu, đến nay, anh đã có một xưởng chế biến muối tinh với dây chuyền sản xuất giá trị đầu tư 6,4 tỷ đồng, với công suất 22 nghìn tấn muối sạch và một xưởng chế biến muối tinh sấy công suất 10 nghìn tấn một năm. Giá sản phẩm muối sạch cao gấp 1,4 lần so với muối thường. Mỗi năm xưởng sản xuất của gia đình anh đã thu mua trên 4.000 tấn, góp phần tiêu thụ muối cho diêm dân tại 3 huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Riêng những tháng đầu năm 2016, doanh nghiệp đã thu mua trên 1.000 tấn muối thô của diêm dân địa phương, phục vụ cho chế biến muối tinh. Để mở rộng quy mô và phát triển sản xuất muối sạch, hiện anh đang liên kết thành lập Cty TNHH Muối và thương mại Nam Hải.
Với sự đầu tư đúng hướng, có trọng tâm, hiệu quả, doanh nghiệp của gia đình Phạm Văn Cương đã có doanh thu từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng một năm, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động địa phương. Năm 2014, Doanh nghiệp tư nhân Thanh Đạm được Bộ trưởng Bộ Công thương tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn