Nam Định có 72km bờ biển bị chia cắt bởi 4 cửa sông lớn là cửa Ba Lạt (sông Hồng), cửa Đáy (sông Đáy), cửa Lạch Giang (sông Ninh Cơ) và cửa Hà Lạn (sông Sò). Nhờ vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển nên kinh tế biển đã chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên trong quá trình đó môi trường biển của tỉnh đã và đang phải chịu nhiều tác động gây ô nhiễm.
Các hoạt động dân sinh và việc sử dụng hoá chất trong sản xuất nông nghiệp đang phát thải các chất độc hại vào tầng nước mặt theo sông đổ ra biển là một nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước biển. Các nguồn gây ô nhiễm trực tiếp như: chất thải từ hoạt động nuôi trồng thuỷ sản từ nguồn thức ăn dư thừa, phân, dư lượng chất kháng sinh, dược phẩm, thuốc trị liệu và kích thích tố hoà tan trong nước; các hoạt động sản xuất cơ khí và đóng tàu dọc các tuyến sông phát sinh nhiều chất thải độc hại như dầu mỡ, chất thải rắn (đặc biệt là mạt rỉ sắt), dung môi sơn, các chất thải sinh hoạt chưa được thu gom, quản lý chặt chẽ gây ô nhiễm nước biển. Hoạt động giao thông đường thuỷ, đường biển gây phát sinh dầu mỡ khoáng và các loại chất thải, rác thải khác từ hoạt động sinh hoạt trên phương tiện thuỷ. Sự nhiễm bẩn dầu chủ yếu phát sinh tại các cảng, bến bãi và dọc theo luồng tuyến giao thông. Lượng dầu rò rỉ và chất thải rắn phát sinh từ phương tiện thuỷ ngày càng nhiều và lượng dầu tràn do các sự cố đắm tàu cũng đang gia tăng mức độ ô nhiễm nước biển. Số lượng khách du lịch tập trung tại các khu vực bãi tắm và Vườn quốc gia Xuân Thuỷ ngày càng đông, tuy nhiên công tác xử lý chất thải rắn của địa phương cũng như ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) của khách du lịch chưa cao cũng góp phần làm ô nhiễm cục bộ nước biển tại các khu vực này. Bên cạnh đó, do nằm ở hạ nguồn sông Hồng, là con sông lớn nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ, bắt nguồn từ Trung Quốc nên tỉnh ta đã và đang ngày càng phải hứng chịu rất nhiều nguồn ô nhiễm từ thượng nguồn theo hệ thống sông đổ về, gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, đất và hệ sinh thái, nhất là khu vực ven bờ. Theo kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước biển qua các năm gần đây cho thấy nước biển tại khu vực các bãi tắm trên địa bàn tỉnh có hiện tượng bị ô nhiễm cục bộ, một số thông số vượt giới hạn cho phép dao động từ 1 đến 3,02 lần (theo QCVN 10:2008) như: hàm lượng chất rắn lơ lửng, hàm lượng sắt và Amoni; đặc biệt trong nước biển khu vực này phát hiện thấy dầu mỡ. Tại khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy qua quan trắc cho thấy nước biển ven bờ đã có dấu hiệu bị ô nhiễm cục bộ. Trong đó, theo QCVN10:2008 nhiều thông số vượt giới hạn cho phép từ 1,42 đến 2,84 lần, như: hàm lượng SS, hàm lượng Amoni, hàm lượng Sunfua, hàm lượng sắt. Đặc biệt đối với thông số dầu mỡ, quy chuẩn quy định không có nhưng hiện nay kết quả quan trắc hằng năm đều phát hiện thấy dầu mỡ trong nước biển ven bờ. Tại các khu vực nuôi trồng thủy sản, qua kết quả phân tích chất lượng môi trường nước biển cho thấy có sự xuất hiện của dầu mỡ, ngoài ra một số thông số khác như amoni, coliform, chất rắn lơ lửng có hàm lượng cao hơn ngưỡng cho phép.
|
Rác thải ngập ứ, gây ô nhiễm môi trường biển Thịnh Long (Hải Hậu). |
Để tránh giảm ô nhiễm môi trường biển, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế, tỉnh ta đã áp dụng biện pháp tăng cường kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường biển. Các ngành chức năng và các địa phương có biển tập trung tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật BVMT, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Luật Tài nguyên nước… Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) đã thường xuyên phối hợp với các ngành, các địa phương liên quan nắm tình hình, làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, phối hợp với các cơ quan chức năng chủ động phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật BVMT biển. Tham mưu cho các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp kịp thời khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước về môi trường biển và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật BVMT biển cho các tầng lớp nhân dân. Sở TN và MT đã tập trung xây dựng và thực hiện các quy hoạch về BVMT, Quy hoạch sử dụng tài nguyên nước đã được phê duyệt. Xây dựng và thực hiện các quy hoạch, chiến lược khai thác sử dụng tài nguyên môi trường biển. Tăng cường hệ thống quan trắc nước mặt (trên các sông, ao, hồ), nước ngầm (nhất là khu vực ven biển có túi nước ngầm), nước thải ít nhất 2 đợt/năm. Thực hiện nghiêm các quy định về đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển; tiến hành kiểm tra thẩm định đạt yêu cầu về môi trường trước khi cho phép đi vào hoạt động; tăng cường công tác hậu kiểm; từ đó thống kê, lập danh mục các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên ảnh hưởng xấu đến môi trường biển. Thời gian tới, UBND các cấp sẽ tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển, tập trung kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ làng nghề, KCN, CCN, hoạt động giao thông đường thủy, đường biển, kinh doanh dịch vụ du lịch… Đặc biệt, tập trung ngăn chặn, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, cố tình vi phạm Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015 hoặc gây ô nhiễm môi trường khu vực ven biển. Đối với các vi phạm cấu thành dấu hiệu tội phạm, kiên quyết chuyển cơ quan điều tra khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, tỉnh ta sẽ tăng cường phối hợp trao đổi thông tin giữa các tỉnh, địa phương trong khu vực khi xuất hiện các hiện tượng bất thường về môi trường, sinh vật, hệ sinh thái biển để đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy