Với lợi thế có nhiều thùng đào, ao đấu lại gần biển, những năm qua, phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp của xã Hải Đông (Hải Hậu). Tuy nhiên, những năm trước đây, quy mô NTTS ở địa phương vẫn nhỏ lẻ, manh mún. Do đó, chính quyền địa phương và các hộ dân xác định việc mở rộng diện tích NTTS và liên kết sản xuất là “chìa khóa” giúp các hộ dân nâng cao thu nhập từ nghề này. Trong bối cảnh đó, Hội Nông dân (HND) xã Hải Đông đã đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương cho phép thành lập CLB NTTS để tập hợp những hội viên nông dân có cùng chí hướng, mục đích để phát triển kinh tế. CLB được thành lập từ tháng 5-2006 gồm có 30 hộ NTTS trong xã với tổng diện tích trên 10ha. Sau 10 năm thành lập, CLB NTTS xã Hải Đông đã phát triển thành 2 CLB với 72 thành viên, gồm CLB NTTS số 1 chuyên về nước ngọt với 15 thành viên và CLB NTTS số 2 chuyên về nước lợ có 57 thành viên, tổng diện tích nuôi trồng 47,2ha.
|
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi-măng của gia đình anh Nguyễn Văn Cường, thành viên CLB NTTS số 2 xã Hải Đông cho hiệu quả thu nhập cao. |
Vượt qua nhiều khó khăn do thiên tai, bão lụt và ảnh hưởng của sự biến động giá cả thị trường, với sự giúp đỡ của HND các cấp, các thành viên trong CLB đã không ngừng vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế, cùng hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi trồng và đã đạt nhiều hiệu quả tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng chí Đỗ Văn Kinh, nguyên Chủ tịch HND xã cho biết, với việc thành lập CLB NTTS tại xã bước đầu nâng cao sản lượng và giá trị NTTS cho các thành viên. Ngay sau khi thành lập và đi vào hoạt động, các thành viên CLB thực hiện phương châm đoàn kết, thống nhất, tự nguyện giúp đỡ nhau về giống, vốn, kỹ thuật NTTS, trao đổi kinh nghiệm sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác. CLB đã được HND tỉnh hỗ trợ cho vay 400 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, tạo điều kiện cho 13 hộ vay phát triển NTTS. Ngoài ra, HND tỉnh còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành viên CLB… Từ ngày đi vào hoạt động đến nay, CLB đã từng bước đáp ứng được nhu cầu của các thành viên tham gia và ngày một phát triển lớn mạnh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt được nhiều khởi sắc. Ngoài các loài cá truyền thống, các thành viên còn đưa các giống mới có giá trị kinh tế cao vào nuôi như tôm thẻ chân trắng, cá Vược, cá Diêu hồng… Nhờ đó các thành viên trong CLB đều sản xuất, kinh doanh có lãi, có nhiều hộ cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm như gia đình ông Đinh Văn Uẩn, Nguyễn Văn Khuynh, Nguyễn Văn Giang… Nhiều hộ nuôi sau khi trừ chi phí đạt mức thu nhập bình quân từ 350-400 triệu đồng/ha. Điển hình như mô hình NTTS của gia đình anh Nguyễn Văn Cường, thành viên CLB NTTS số 2. Đây là mô hình đầu tiên của xã Hải Đông về nuôi tôm thẻ chân trắng. Chia sẻ với chúng tôi, anh Cường cho biết, năm 2003, khi địa phương có chính sách chuyển đổi diện tích làm muối kém hiệu quả sang NTTS, anh đã đăng ký đầu tiên để thực hiện ý tưởng làm giàu của mình. Được sự tạo điều kiện của chính quyền và sự hỗ trợ của HND xã, anh đã mạnh dạn đấu thầu 1,2ha để đầu tư cải tạo đồng ruộng thành các ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Vài năm đầu, do kinh nghiệm nuôi chưa có, kiến thức còn thiếu, anh đã tham gia các lớp tập huấn do HND xã phối hợp tổ chức. Bên cạnh đó, anh cũng tích cực tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng, tham quan các mô hình nuôi tôm thẻ đạt hiệu quả ở trong và ngoài tỉnh để chắt lọc và áp dụng vào mô hình của gia đình. Khi HND xã thành lập CLB NTTS, anh cũng là thành viên đầu tiên tham gia để trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên trong CLB. Với sự cần cù chịu khó, anh đã dần phát triển mở rộng quy mô trang trại. Đặc biệt, từ vụ nuôi tôm năm 2015 đến nay, anh đang ứng dụng công nghệ để nuôi tôm thẻ, tôm sú trên bể xi măng. Theo anh Cường, nuôi tôm trong bể có nhiều mặt thuận lợi, người nuôi quản lý được nguồn nước vào và ra trong bể, kiểm soát được dịch bệnh trên tôm, hạn chế tối đa bị các sinh vật ngoại lai gây ảnh hưởng. Chất lượng, năng suất cũng đạt cao hơn so với nuôi tôm trong ao với sản lượng bình quân đạt 40 tấn/ha, cao gấp 3-4 lần so với nuôi tôm theo phương pháp cũ. Tôm đạt tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo yêu cầu xuất khẩu. Hiện anh đang đầu tư nuôi 32 bể. Vụ tôm đầu năm vừa qua, anh đã thu hoạch được trên 30 tấn tôm, doanh thu trên 5 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Khuynh, là thành viên gắn bó với CLB NTTS số 1 từ những ngày đầu thành lập. Từ khi tham gia CLB và được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Khuynh đã có thêm kinh nghiệm NTTS nước ngọt. Đặc biệt là với sự hỗ trợ về nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, ông Khuynh đầu tư xây dựng ao riêng nuôi cá giống bố mẹ để sản xuất con giống vừa cung cấp cho trang trại của mình vừa bán cho các hộ dân địa phương. Hiện, trang trại của gia đình ông có 12 ao (4,4ha) chuyên nuôi cá vược, cá diêu hồng…, thu nhập từ việc nuôi thủy sản nước ngọt của ông Khuynh tăng gấp đôi so với trước, trừ chi phí còn 300 triệu đồng/năm trở lên, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập 3-4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài việc giúp nhau về kỹ thuật, con giống, kinh nghiệm sản xuất, xử lý dịch bệnh, CLB còn cử thành viên có năng lực tham gia tìm kiếm thị trường cho mình và các thành viên. Qua rà soát thị trường, ban chủ nhiệm CLB khuyến cáo các thành viên kịp thời chuyển hướng sản xuất các sản phẩm mà thị trường đang có giá, sức tiêu thụ lớn.
Việc hình thành CLB đã giúp các hộ NTTS theo quy trình khép kín, trong đó CLB tự cung cấp con giống, thực hiện các biện pháp kỹ thuật và xây dựng thương hiệu. Từ khi tham gia CLB, hầu hết các hộ nuôi thủy sản đều không tham gia bán lẻ mà chủ yếu xuất bán theo đợt, thu mua có địa chỉ. Để nâng cao khả năng cạnh tranh, trong thời gian tới, CLB NTTS xã Hải Đông tiếp tục kết nạp hội viên, tổ chức đa dạng hóa mô hình chăn nuôi và đăng ký xây dựng thương hiệu để quảng bá sản phẩm. Mặt khác, CLB cũng đang dự kiến tiến tới xây dựng quy trình bao tiêu sản phẩm khép kín để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của thành viên. CLB NTTS xã Hải Đông tiếp tục mở rộng cả về diện tích và năng suất, sản lượng; phấn đấu 100% các thành viên trong CLB sản xuất có lãi, trong đó khoảng 70-80% số hộ có lợi nhuận cao, thu nhập từ 500 đến 550 triệu đồng/năm trở lên. Bên cạnh đó, HND xã sẽ tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các hộ hội viên nông dân có gia trại, trang trại đưa ra xa khu dân cư để đảm bảo vệ sinh môi trường và tránh dịch bệnh. Thường xuyên tổ chức các buổi tham quan mô hình mới, hiệu quả để các thành viên trong CLB học tập./.
Bài và ảnh:
Hoàng Tuấn