Hiệu quả các hoạt động dịch vụ của Hợp tác xã An Cư

07:08, 18/08/2016
Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp An Cư (HTX An Cư), xã Xuân Vinh (Xuân Trường) hiện đang triển khai 5 dịch vụ phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp cho các thành viên trên địa bàn. Trong đó, ngoài 3 dịch vụ thiết yếu bắt buộc, 2 dịch vụ thỏa thuận là gặt lúa bằng máy và phun thuốc trừ sâu bằng máy của HTX đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp cho các thành viên HTX yên tâm, tiết kiệm được công lao động, chi phí trong sản xuất.
Cán bộ HTX An Cư kiểm tra sâu bệnh trên lúa mùa.
Cán bộ HTX An Cư kiểm tra sâu bệnh trên lúa mùa.
Đồng chí Vũ Xuân Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) HTX An Cư cho biết, trước khi tổ chức đại hội thành viên và chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, HTX đã xây dựng kế hoạch, lập phương án sản xuất, kinh doanh và đưa ra bàn bạc trong đại hội. Được sự đồng thuận, nhất trí của các thành viên HTX, các cổ đông của HĐQT HTX đã tổ chức góp vốn để đầu tư mua máy gặt đập liên hợp và phát huy sáng kiến, chế tạo máy phun thuốc trừ sâu. Theo đồng chí Hạnh, hiện nay, phần lớn các bình phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đeo vai, vận hành bằng cách kéo tay hoặc có gắn động cơ đều phun những giọt thuốc về phía trước người phun. Do đó người phun luôn phải đi vào vùng ruộng đã được phun thuốc nên nguy cơ nhiễm độc rất cao. Với suy nghĩ làm sao để giảm công lao động, hỗ trợ nông dân trong việc phun thuốc trừ sâu, HTX đã chế tạo thành công 2 máy phun thuốc trừ sâu và đưa vào sử dụng từ vụ xuân năm 2015. Máy phun thuốc trừ sâu có giá trị đầu tư 22,5 triệu đồng được chế tạo bằng cách kết hợp các loại máy gồm: máy nổ Đông Phong, máy tạo áp và thùng phi loại 200 lít. Bình quân, máy phun thuốc trừ sâu của HTX có thể đạt công suất phun được trên 6ha/ngày, có thể phun trên cây lúa ở tất cả các giai đoạn từ mạ đến trỗ đòng. Sau khi đầu tư và chế tạo thành công, HTX thành lập Tổ BVTV trên cơ sở nhân lực của đội ngũ cán bộ thủy nông ở địa phương theo hướng tập trung và chuyên nghiệp và chia làm 2 đội. Mỗi đội có 1 đội trưởng và 3 thành viên. HTX ký kết nhận hợp đồng với các trưởng xóm kiêm đội trưởng sản xuất, thỏa thuận giá cả với các hộ nông dân là thành viên của HTX. Để mô hình hoạt động hiệu quả, HTX tổ chức tập huấn chuyên môn, tập huấn kỹ thuật phun và hướng dẫn sử dụng an toàn các loại hóa chất nông nghiệp cũng như thu gom, xử lý các loại bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng. Hiệu quả của việc phun thuốc bằng máy này là tiết giảm được thời gian phun thuốc cho các hộ nông dân, giảm được chi phí thuốc BVTV không cần thiết, phun thuốc đúng cách, đúng liều lượng, đúng thời điểm. Đối với dịch vụ thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, HTX phối hợp với các đội trưởng sản xuất để tổ chức cho các hộ nông dân đăng ký sử dụng dịch vụ. Trên cơ sở đó, HTX bố trí máy để thu hoạch lúa cho nông dân, đảm bảo tiết kiệm chi phí, thu hoạch gọn vùng, gọn thửa. Qua gần 2 năm hoạt động, 2 dịch vụ này đã mang lại hiệu quả thiết thực cho HTX. Bình quân mỗi vụ, máy gặt đập liên hợp của HTX đảm nhận được trên 37ha, chiếm 1/4 diện tích canh tác toàn xã, doanh thu đạt từ 140 đến 150 triệu đồng/vụ. Dịch vụ phun thuốc BVTV đáp ứng được gần 26ha, lợi nhuận đạt 17,5 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, HTX còn tổ chức cung ứng giống, thuốc BVTV cho các thành viên HTX. Với phương châm “lấy lợi ích phục vụ thành viên”, mỗi năm HTX đứng ra đáp ứng cho khoảng 50% diện tích canh tác toàn xã. Trong hoạt động này, HTX đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực sản xuất giống, thuốc BVTV để cung ứng cho nông dân. Khi cung ứng các sản phẩm giống, thuốc BVTV…, HTX đều tổ chức chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nông dân sử dụng đảm bảo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách). Với việc triển khai đồng bộ các dịch vụ, tổng doanh thu bình quân mỗi vụ của HTX đạt trên 450 triệu đồng. Tuy nhiên, để phát triển được dịch vụ phun thuốc trừ sâu bằng máy hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, do đặc thù của loại hình sản xuất nhỏ lẻ, thu nhập thấp, người nông dân có thói quen tự đảm nhiệm tất cả các khâu trong sản xuất để hạn chế tối đa chi phí bằng tiền (lấy công làm lãi), bởi vậy đã hạn chế khả năng phát triển dịch vụ phun thuốc BVTV bằng máy. Trong khi nhận thức, hiểu biết của người sử dụng còn hạn chế thì thuốc BVTV lại được bán rộng khắp đến tận thôn xóm qua các đại lý thuốc BVTV tư nhân. Vì lợi nhuận, người bán thuốc thường tư vấn để bán được nhiều thuốc, dẫn tới tình trạng pha chế thuốc không đúng nồng độ, lượng dung dịch thuốc phun không đảm bảo... Bên cạnh đó, trên cùng một cánh đồng không chỉ có một hộ mà rất nhiều hộ nên việc thu hoạch, phun thuốc không đồng đều, do đó việc áp dụng dịch vụ này đôi khi gặp khó khăn.
 
Để tiếp tục phát triển, mở rộng các dịch vụ, nâng cao chất lượng các dịch vụ hiện có, thời gian tới, HTX tiếp tục tuyên truyền cho các thành viên HTX và nông dân về hiệu quả các dịch vụ hiện có, thực hiện tốt các khâu dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2016, HTX được UBND xã giao đảm nhận việc cung ứng nước sạch cho các hộ dân trong xã. Theo đó, HTX đã triển khai tuyên truyền và lấy ý kiến nhân dân trong xã. Từ đó, xây dựng kế hoạch, thu vốn đóng góp của nhân dân trong việc lắp đặt, xây dựng đường ống dẫn nước sạch, đảm bảo có nước sạch trước Tết Nguyên đán 2017. Đây cũng là một dịch vụ sẽ góp phần mang lại hiệu quả kinh doanh cho HTX, nâng cao vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.
 
Bài và ảnh: Thanh Tuấn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com