Giải pháp tạo đột phá phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Xuân Trường

08:08, 22/08/2016
Trong giai đoạn 2010-2015 và những tháng đầu năm 2016, sản xuất CN-TTCN của huyện Xuân Trường đã cơ bản thực hiện đúng quy hoạch phát triển đã được duyệt. Các loại hình doanh nghiệp tăng cả về số lượng, quy mô và năng lực sản xuất; máy móc, thiết bị, nhà xưởng, công nghệ mới và nguồn nhân lực chất lượng cao được quan tâm đầu tư. Các ngành công nghiệp chủ lực như: dệt may, cơ khí chế tạo máy phát triển ổn định, ngành cơ khí đóng tàu đã từng bước được phục hồi. Các CCN tập trung đã được lấp đầy, khai thác có hiệu quả; một số làng nghề truyền thống được duy trì và phát triển như các làng nghề: cơ khí, chế biến lương thực, thực phẩm ở xã Xuân Tiến; chế biến gỗ ở các xã Xuân Bắc, Xuân Phương; thêu ren truyền thống ở các xã: Xuân Phương, Xuân Ngọc; dệt chiếu cói ở xã Xuân Ninh…
 
Sản xuất CN-TTCN phát triển đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tiến bộ, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình sản xuất CN-TTCN của huyện trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại: Tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện, phát triển chưa đồng đều ở các xã, thị trấn; tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm, tỷ lệ lao động công nghiệp vẫn còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp trong giai đoạn CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn; quy mô, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, sức cạnh tranh còn hạn chế, thiếu sự liên doanh liên kết, chuyên môn hóa sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Sản xuất CN-TTCN ở một số làng nghề, ở một số xã, thị trấn mới phát triển theo chiều rộng, chưa có chiều sâu để nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu độc quyền; việc phát triển ngành nghề mới còn hạn chế. Một số doanh nghiệp trong các CCN chưa thực hiện đúng quy hoạch, chưa khai thác hết hiệu quả sử dụng đất; còn tình trạng cạnh tranh lao động không lành mạnh, nhất là lao động có tay nghề cao; chưa tích cực đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ. Hạ tầng kỹ thuật các CCN chưa đồng bộ, có nơi chưa phù hợp với thực tế, chưa được quản lý, sử dụng hiệu quả. Công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng ở một vài địa phương còn khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến kêu gọi và thu hút đầu tư về huyện. Đa số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN chưa quan tâm đúng mức việc thực hiện quyền lợi chính đáng của người lao động và công tác an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường sinh thái…
Sản xuất máy ép gạch thủy lực tại Cty TNHH Thanh Bằng, CCN Xuân Tiến.
Sản xuất máy ép gạch thủy lực tại Cty TNHH Thanh Bằng, CCN Xuân Tiến.
Để thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân trong giai đoạn 2016-2020, huyện Xuân Trường chủ trương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng từ huyện đến cơ sở; tập trung phát triển sản xuất CN-TTCN trở thành khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Từ đó, tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển CN-TTCN nhanh, hiệu quả và bền vững, với những định hướng chủ yếu: Phát triển CN-TTCN phải phù hợp với các quy hoạch của huyện và của tỉnh. Sản xuất CN-TTCN phải góp phần thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng NTM. Giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân và người lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững. Khuyến khích tạo điều kiện bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế phát triển; vừa chú trọng phát triển các ngành nghề có lợi thế cạnh tranh như dệt may, cơ khí chế tạo, sửa chữa, đóng mới phương tiện vận tải thủy, các ngành đầu tư ít vốn, giải quyết nhiều lao động; vừa từng bước ưu tiên thu hút những ngành nghề có hàm lượng trí tuệ cao, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao nhằm từng bước nâng cao chất lượng tăng trưởng. Duy trì, phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển đa dạng các ngành nghề mới phù hợp với thị trường và đặc điểm của từng địa phương. Tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất trong khu dân cư tại các làng nghề gây ô nhiễm môi trường di dời ra CCN tập trung. Gắn phát triển làng nghề với du lịch, dịch vụ nhằm quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường và đẩy mạnh tiêu thụ tại chỗ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của huyện. Quản lý chặt chẽ, khai thác hiệu quả các CCN hiện có; mở rộng các CCN Trung tâm huyện và CCN Xuân Tiến; đề nghị UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch CCN dịch vụ thương mại tổng hợp ở khu vực chân cầu Lạc Quần; nghiên cứu đề xuất quy hoạch một số CCN ven tỉnh lộ 489C từ Lạc Quần đi Sa Cao và các xã: Xuân Trung, Xuân Tân, Xuân Phú; xây dựng các điểm công nghiệp tại các xã có khả năng phát triển CN-TTCN, làng nghề với quy mô từ 0,5-2ha. 
 
Để thực hiện các mục tiêu trên, thời gian tới huyện Xuân Trường sẽ tập trung thực hiện 7 nhóm giải pháp chủ yếu, trong đó có một số giải pháp quan trọng là: Tăng cường quản lý Nhà nước đối với xây dựng, quản lý và thực hiện quy hoạch, định kỳ hằng năm rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển CN-TTCN đã được duyệt. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với phát triển CN-TTCN, các làng nghề, các CCN tập trung. Vận dụng, tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách khuyến khích của Trung ương, của tỉnh; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích của huyện, tạo môi trường, hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng để kêu gọi thu hút đầu tư phát triển CN-TTCN. Khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ; các doanh nghiệp sản xuất cùng một loại sản phẩm, hàng hóa liên doanh, liên kết để phân công, chuyên môn hóa sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, hàng hóa. Tạo điều kiện để các làng nghề, các CCN tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực cho công tác đào tạo, dạy nghề trong huyện. Triển khai hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung vào các nghề may, cơ khí chế tạo, chế biến nông, lâm, thủy sản, đồ uống…; tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tự truyền nghề, đào tạo nghề tại chỗ cho người lao động. Quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của ngành công nghiệp, nhất là trình độ quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật và quản lý doanh nghiệp. Khuyến khích, tạo điều kiện cho con em Xuân Trường có trình độ tay nghề, kinh nghiệm đang làm việc sinh sống ở tỉnh ngoài về lập nghiệp, làm ăn tại quê hương. Huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển CN-TTCN theo hướng đa dạng hóa: sở hữu, sản phẩm - hàng hóa; thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Khuyến khích, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao, đổi mới công nghệ cho một số ngành nghề ưu tiên. Công nhận và đề nghị công nhận làng nghề, nghệ nhân, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, làng nghề được thụ hưởng các chính sách khuyến khích phát triển./. 
 
Bài và ảnh: Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com