Nằm giáp sông Đào, từ năm 2010 trở về trước, Đại Thắng (Vụ Bản) là xã thuần nông, kinh tế chủ đạo phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân, Đảng ủy, UBND xã Đại Thắng chủ trương tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư, khuyến khích các hộ dân đẩy mạnh phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn.
|
Sản xuất áo giắc két xuất khẩu tại Nhà máy May Đại Thắng, Cty CP May IV (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định). |
Để đạt mục tiêu trên, xã đã tổ chức quán triệt sâu rộng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện đồng bộ các biện pháp. Xã kêu gọi, khuyến khích con em quê hương đang sinh sống, làm việc thành đạt ở ngoài địa phương tích cực quảng bá, giới thiệu các doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư về địa phương. Bên cạnh đó, để thu hút được doanh nghiệp đầu tư về địa phương trong điều kiện không có ưu thế về vị trí địa lý, ngoài tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, hỗ trợ tiếp cận với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, xã đã tận dụng cơ sở vật chất của các HTXNN Thiện Linh, Nhất Trí… để cho doanh nghiệp mượn làm nhà xưởng sản xuất ban đầu. Đầu năm 2010, Cty CP May 4 (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định) là đơn vị đầu tiên đầu tư xây dựng Nhà máy May Đại Thắng. Bước đầu, khi đầu tư về nông thôn, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn từ cơ sở vật chất đến nguồn nhân lực nhưng được địa phương cho mượn hội trường của HTXNN Thiện Linh làm nhà xưởng, nhà máy đã lắp đặt 1 dây chuyền và đi vào sản xuất ngay tạo việc làm cho 30 lao động. Đến tháng 9-2010, nhà máy đã có 3 dây chuyền đi vào sản xuất, tạo việc làm cho gần 100 lao động. Song song với quá trình sản xuất, năm 2012, Cty đã đầu tư gần chục tỷ đồng xây dựng xưởng sản xuất rộng gần 2.500m2 đủ chỗ cho 7-10 dây chuyền may. Hiện nay Nhà máy May Đại Thắng đã có 4 dây chuyền may hoạt động, tạo việc làm cho 160 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 4,5 triệu đồng/người/tháng. Tương tự như vậy là Cty TNHH May Đồng Tâm được xã tạo điều kiện cho mượn hội trường, hệ thống kho và các công trình phụ trợ của HTXNN Nhất Trí làm nhà xưởng sản xuất. Với sự hỗ trợ tích cực của xã, chỉ sau một thời gian ngắn, Cty đã nhanh chóng ổn định sản xuất, tạo việc làm cho trên 100 lao động địa phương với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng. Xã đã thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa đúng chủ trương, kế hoạch của huyện, tỉnh để quy hoạch gọn vùng đất công, đất bãi ven sông; tạo quỹ đất dành cho phát triển sản xuất CN-TTCN. Qua đó, xã đã tạo được mặt bằng khoảng 5ha ở thôn Thiện An cho Cty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Vạn Xuân đầu tư xây dựng 2 dây chuyền sản xuất theo công nghệ lò tuy-nen và hệ thống sân phơi, kho bãi. Hiện nay, Cty đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 300 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh công tác thu hút đầu tư, xã Đại Thắng còn chú trọng đào tạo nghề, nhân cấy nghề mới để đa dạng ngành nghề, nâng cao thu nhập của nhân dân. Xã đã tổ chức có hiệu quả hàng chục lớp đào tạo miễn phí các nghề: may công nghiệp, móc sợi, đan bẹ chuối, đan cót cho nông dân từ các nguồn được hỗ trợ kinh phí như: khuyến công, Đề án 1956… Nhờ đó, trên địa bàn xã hiện nay, ngoài hai nghề chính là may công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng còn phát triển thêm được một số ngành nghề khác như: chế biến gỗ, xây dựng dân dụng; cơ khí, đan gối mây, dệt len xuất khẩu… Toàn xã hiện có 20 tổ đội xây dựng bình quân từ 10-20 lao động/tổ, thường xuyên nhận được các hợp đồng thi công công trình trong xã, trong huyện. Ngoài ra, tổ thợ của các ông Đoàn Văn Lạng, thôn Thanh Ý; Nguyễn Văn Hiền, thôn Bái với quy mô từ 30-50 lao động thường xuyên nhận được nhiều hợp đồng thi công các công trình trong tỉnh và các tỉnh, thành phố như: Thái Bình, Hà Nội, Bắc Giang…
Không có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý nhưng bằng những biện pháp đồng bộ, quyết liệt để thu hút đầu tư, phát triển ngành nghề sản xuất CN-TTCN, xã Đại Thắng đã cơ bản xóa được thế thuần nông; cơ cấu kinh tế, lao động và thu nhập của nhân dân đã được cải thiện tích cực. 6 tháng đầu năm 2016, ước tính thu nhập từ sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn của xã đạt trên 108 tỷ đồng. Toàn xã hiện có 4.676 người trực tiếp tham gia sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn, trong đó có gần 2.100 lao động làm việc trong các doanh nghiệp dệt may, chế biến gỗ tại KCN Bảo Minh và gần 1.000 lao động làm việc tại xã và trên 1.000 lao động tham gia sản xuất các ngành nghề phụ… Năm 2016, xã Đại Thắng đang phấn đấu đưa tỷ trọng sản xuất CN-TTCN và thương mại, dịch vụ chiếm trên 70% cơ cấu kinh tế, bình quân thu nhập đầu người đạt trên 30 triệu đồng để thực hiện và hoàn thành 17 tiêu chí NTM theo chuẩn quốc gia, 2 tiêu chí cơ bản đạt để đề nghị UBND tỉnh công nhận là xã NTM./.
Bài và ảnh:
Thành Trung