Trung Đông phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

07:07, 21/07/2016

Nằm ở gần trung tâm huyện Trực Ninh, xã Trung Đông có hệ thống giao thông thuận lợi, đồng bộ, gồm: Quốc lộ 21, các tỉnh lộ 488B, 487; có lực lượng lao động trong độ tuổi đông trong tổng số trên 15 nghìn dân… Đây là những tiềm năng, lợi thế để xã Trung Đông tập trung phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề. 

 Ngoài sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn xã Trung Đông còn có các nghề truyền thống như: nghề thêu ren xuất khẩu ở các xóm 7, 8, 9 thôn Trung Lao; nghề mây tre đan mỹ nghệ ở thôn An Mỹ. Để phát triển ngành nghề bền vững, xã đã lập đề án quy hoạch và phát triển làng nghề truyền thống theo quy định của Bộ NN và PTNT. Năm 2012, xã có 2 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận là các làng nghề: thêu ren thôn Trung Lao và mây tre đan thôn An Mỹ. Những năm gần đây, tuy sản phẩm của các làng nghề bị cạnh tranh khốc liệt bởi các loại vật liệu khác và bị thu hẹp thị trường tiêu thụ nhưng nhiều hộ trong làng nghề vẫn ổn định, phát triển sản xuất. Bên cạnh 2 nghề truyền thống, từ năm 2010 đến nay, xã Trung Đông đã tập trung thực hiện các biện pháp đồng bộ để phát triển sản xuất CN-TTCN. Xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, tạo điều kiện về thủ tục hành chính, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, mặt bằng, đào tạo nghề miễn phí cho lao động nông thôn từ các nguồn: Khuyến công, Đề án 1956… để các hộ dân phát triển nghề chế biến gỗ. Nhờ đó, trên 100 hộ (mỗi hộ có từ 3-5 lao động thường xuyên) tại các thôn Trung Lao, Đông Thượng đã tham gia phát triển nghề chế biến gỗ. Không chỉ sản xuất các sản phẩm gia dụng phổ thông, nhiều cơ sở sản xuất trong xã đã đầu tư hàng tỷ đồng trang bị các loại máy móc hiện đại như máy xẻ CD và máy chạm khắc gỗ CNC để nâng cao năng suất, chất lượng, sản xuất các sản phẩm đạt độ tinh xảo, giá trị thẩm mỹ cao như sập gụ, tủ chè, tủ thờ… Sản phẩm mộc mỹ nghệ của xã ngoài thị trường nội tỉnh, đã được mở rộng tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Nhờ đó, nhiều cơ sở sản xuất thường xuyên có từ 10-15 lao động đã thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng mỗi năm như hộ các ông: Trần Tất Hiền, Trần Văn Vy (thôn Trung Lao), Nguyễn Văn Thung (thôn Đông Thượng)… Nghề mộc ở các thôn Đông Thượng, Trung Lao đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động trong xã với mức thu nhập từ 180 nghìn đồng/ngày (đối với thợ chính) và từ 100-120 nghìn đồng/ngày đối với lao động phụ (gia công sản phẩm). Bên cạnh việc phát triển ngành nghề địa phương, xã còn quy hoạch diện tích đất công ở thôn Đông Thượng, sát Quốc lộ 21 để tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển đa dạng các ngành nghề sản xuất CN-TTCN giải quyết việc làm cho người lao động. Đến nay, khu đất công này đã thu hút được 3 dự án đầu tư gồm: Dự án nhà máy may công nghiệp xuất khẩu của Cty TNHH Shin Myung Fist Vina (Hàn Quốc); Dự án xưởng sản xuất các sản phẩm dệt len, dệt kim của Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nam Huy và Dự án xưởng sản xuất các sản phẩm cơ khí của HTX Cơ khí Thu Phương. Tháng 4-2014, Cty TNHH Shin Myung First Vina (Hàn Quốc) đã đầu tư 1 triệu USD xây dựng nhà máy may công nghiệp xuất khẩu tại xóm 6 trên diện tích gần 1ha, quy mô 9 chuyền may, chuyên gia công các loại trang phục xuất khẩu theo hợp đồng của Hàn Quốc. Đến nay, dự án đã hoạt động ổn định, tạo việc làm cho 620 lao động (trong đó có trên 300 lao động địa phương) với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Phát triển từ một tổ hợp sản xuất nhỏ với 8 máy dệt len bán tự động, được sự tạo điều kiện của xã, năm 2014, Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nam Huy đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, trang bị gần 50 máy dệt len (trong đó có 3 máy dệt len tự động trị giá gần 300 triệu đồng/chiếc) để phát triển sản xuất các sản phẩm trang phục. Hiện nay, Cty có trên 100 lao động thường xuyên (chủ yếu là người địa phương) với mức thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng. Cty sản xuất được từ 5.000-7.000 sản phẩm cung ứng cho thị trường các tỉnh phía Bắc. Chính thức sản xuất từ tháng 6-2015 trên diện tích 5.700m2, HTX Cơ khí Thu Phương chuyên nhận gia công các mặt hàng cơ khí như: khung nhà thép, nội thất xây dựng (cầu thang, lan can, cửa…), chi tiết máy nông nghiệp, máy công nghiệp. Mỗi tháng, HTX tiêu thụ từ 15-20 tấn nguyên liệu các loại, tạo việc làm cho 12 lao động với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Với hệ thống nhà xưởng, máy móc hiện đại, đồng bộ (tổng mức đầu tư trên 4 tỷ đồng), HTX đã nhận và hoàn thành nhiều hợp đồng giá trị lớn như: gia công phụ kiện dàn giáo xây dựng của Cty TNHH Phục Hưng (Hà Nội) trên 2 tỷ đồng; gia công lò chân không ủ tôn, thép của Cty TNHH Cơ khí đúc Thắng Lợi (CCN An Xá) trên 300 triệu đồng; chi tiết máy làm đất của Cty TNHH Việt Hùng (xã Trực Chính) gần 1 tỷ đồng.  

 
Tập trung phát triển các ngành nghề truyền thống và nỗ lực thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh đã thực sự trở thành động lực, là mũi nhọn phát triển kinh tế của xã Trung Đông. Năm 2015, giá trị sản xuất CN-TTCN của xã đạt 197,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46% cơ cấu kinh tế của xã. Năm 2016 và các năm tiếp theo, xã Trung Đông tiếp tục duy trì các ngành nghề truyền thống, đồng thời tiếp tục thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh để nâng tỷ trọng sản xuất CN-TTCN chiếm trên 50% cơ cấu kinh tế của xã./.
 
Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com