Quyết liệt chỉ đạo xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công

08:07, 19/07/2016
Mặc dù tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đặc biệt là Sở Xây dựng tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý cho các chủ cơ sở, lò gạch, đồng thời hỗ trợ công tác thẩm định, thường xuyên đôn đốc các địa phương khẩn trương xóa bỏ lò gạch thủ công nhưng tiến độ vẫn chậm trễ, chưa đảm bảo mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn vào cuối năm 2015 theo Quyết định số 13/2014/QĐ-UBND. Trong đó, chậm tiến độ và còn tồn tại nhiều lò gạch thủ công nhất là 2 huyện Ý Yên và Trực Ninh. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm tiến độ do trong quá trình thực hiện việc xóa bỏ các lò gạch thủ công và các chính sách hỗ trợ đã phát sinh tình trạng các lò gạch thủ công không có tên trong Quyết định 13/2014 vì các địa phương chưa thống kê đầy đủ hoặc các chủ hộ không khai báo. Trong năm 2015, qua rà soát thực tế, các cơ quan chuyên môn thống kê có tổng cộng 84 lò gạch phát sinh. Trong đó, huyện Trực Ninh phát sinh 23 lò; Vụ Bản thêm 30 lò; Ý Yên thêm 14 lò; Hải Hậu thêm 13 lò; Nam Trực thêm 1 lò; Nghĩa Hưng thêm 3 lò. Ngoài ra, có sự chênh lệch giữa công suất thực tế và công suất được phê duyệt dẫn đến kinh phí hỗ trợ có thể tăng hoặc giảm so với mức hỗ trợ tại Quyết định số 13/2014 của UBND tỉnh. Đặc biệt, việc thiếu trách nhiệm của một số địa phương trong công tác kiểm tra, rà soát, thống kê chưa đầy đủ các lò gạch dẫn đến việc phải rà soát, thống kê, báo cáo lại đã kéo dài lộ trình xóa bỏ lò gạch. Các chủ hộ khai báo không đầy đủ về số lượng, công suất lò, có lò đã dừng hoạt động nhưng chưa hoàn trả mặt bằng, các chủ cơ sở cũng không kê khai. Một số lò đã dừng sản xuất nhưng chủ lò không có mặt ở địa phương nên công tác cưỡng chế tháo dỡ gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương chưa quyết liệt, còn “nương tay” trong công tác xóa bỏ lò gạch thủ công. Theo Phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng), việc triển khai các quyết định, chỉ thị của tỉnh và các kế hoạch đã được sở, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND xã, thị trấn triển khai kịp thời tới tận các chủ lò. Các chủ lò cũng đã ký cam kết dừng hoạt động nhưng vẫn tiếp tục kiến nghị gia hạn thêm thời gian hoạt động của các lò gạch thủ công như tận dụng vỏ lò để làm chuồng chăn nuôi gia súc, tận dụng vỏ lò làm kho chứa hàng hóa, xin thêm kinh phí hỗ trợ hoặc đã tự giác tháo dỡ nhưng không làm hồ sơ nghiệm thu do quy mô quá nhỏ; xin gia hạn thời gian để tiến hành sản xuất thu hồi vốn; sản xuất hết đất nguyên liệu đã thu mua… 
Nhiều lò gạch thủ công dọc triền sông Ninh Cơ, xã Hải An (Hải Hậu) không còn hoạt động chờ dỡ bỏ.
Nhiều lò gạch thủ công dọc triền sông Ninh Cơ, xã Hải An (Hải Hậu) không còn hoạt động chờ dỡ bỏ.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Quyết định số 13/2014. Trong đó, các cơ sở lò gạch thủ công không có tên trong danh sách tại các huyện Nghĩa Hưng, Nam Trực, Hải Hậu, Vụ Bản, Trực Ninh, Ý Yên, kiên quyết không hỗ trợ kinh phí xóa bỏ cho các chủ hộ; đồng thời yêu cầu các hộ phải tự dỡ bỏ lò, hoàn trả mặt bằng ban đầu. Các lò gạch thủ công đã có tên trong danh sách nhưng quá ngày 31-12-2015 chưa thực hiện xóa bỏ theo đúng lộ trình đề ra cũng không được hỗ trợ kinh phí; các hộ vẫn phải xóa bỏ lò gạch theo đúng cam kết. Trong trường hợp các chủ cơ sở không tự xóa bỏ, đề nghị UBND các huyện có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện cưỡng chế tháo dỡ theo quy định tại Quyết định số 13/2014. Các huyện khẩn trương rà soát, thẩm định, nghiệm thu công tác xóa bỏ lò gạch ở các địa phương, tổng hợp gửi về Sở Xây dựng để thẩm định, chuyển Sở Tài chính cấp kinh phí hỗ trợ theo quy định. Theo kết quả thẩm định kết quả hỗ trợ xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn huyện Trực Ninh lần II tại Văn bản số 139/SXD-KT&VLXD của Sở Xây dựng, đã có nhiều chuyển biến trong công tác xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn huyện trong đó đã có đến 15 hộ không thực hiện đúng lộ trình và không có tên trong Quyết định 13 đã tự giác tháo dỡ lò gạch, hoàn trả mặt bằng ban đầu. Anh Trần Văn Bảy, ở xã Trực Nội cho biết, được tuyên truyền, vận động từ chính quyền xã, mặc dù không có tên trong danh sách được hỗ trợ xóa bỏ lò gạch thủ công theo Quyết định 13 nhưng gia đình chúng tôi đã tự tháo dỡ lò gạch thủ công công suất hơn 7,1 vạn viên/lựa để phá bỏ và hoàn trả mặt bằng ban đầu. Tương tự, anh Vũ Ngọc Bình, ở xã Trực Đạo cũng tự giác bỏ kinh phí tháo dỡ lò gạch công suất 4 vạn viên/lựa thực hiện theo đúng chủ trương của tỉnh. Tính đến 13-7-2016, huyện Vụ Bản đã hoàn thành xóa bỏ 58 lò, 28/30 lò gạch phát sinh. Hải Hậu đã xóa bỏ được 41/47 lò gạch, 12/13 lò gạch phát sinh. Nghĩa Hưng đã xóa bỏ được 90/96 lò; chưa xóa bỏ được lò gạch phát sinh nào. Giao Thủy đã xóa bỏ được 9/12 lò. Nam Trực đã xóa bỏ 29/35 lò gạch. Mỹ Lộc đã xóa bỏ được 32/35 lò gạch. Trực Ninh đã xóa bỏ được 78/108 lò, 14/23 lò gạch phát sinh. Ý Yên đã xóa bỏ được 74/99 lò; 13/14 lò gạch phát sinh. Sở Xây dựng đã tiến hành thẩm định hỗ trợ xóa bỏ lò gạch thủ công cho 453 lò, trong đó có 337 lò đúng lộ trình và 116 lò không đúng lộ trình, không có tên trong Quyết định 13/2014.
 
Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn 96 lò gạch thủ công còn lại trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, các địa phương cần tăng cường đối thoại, tuyên truyền, vận động các chủ hộ cùng bàn bạc, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Khuyến khích các hộ không có tên trong danh sách hoặc không đảm bảo theo lộ trình của Quyết định 13 tự giác tháo dỡ lò gạch thủ công. Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Sở Tài chính tiến hành kiểm tra, thẩm định các hồ sơ đảm bảo cấp kinh phí hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng và báo cáo với UBND tỉnh để có hướng dẫn, phương án xử lý kịp thời kiên quyết đối với các trường hợp chủ hộ chây ỳ, bất hợp tác. Các địa phương cần thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ, thường xuyên tổ chức họp bàn giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện./.
 
Bài và ảnh: Đức Toàn
 


gạch thẻ inax gạch inax Khám phá các mẫu gạch lát nền giá rẻMẫu gạch lát sân vườn đẹp Khung kèo thép siêu nhẹ chất lượng cao TOP 1

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com