Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở sản xuất tấm lợp phi-brô xi măng với tổng công suất thiết kế hơn 8 triệu m
2/năm là Cty CP Bạch Đằng tại xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) và cơ sở 2 của Nhà máy tấm lợp Thái Nguyên tại Thị trấn Gôi (Vụ Bản); cơ sở sản xuất Quang Mão tại xã Hải Bắc (Hải Hậu). Mặc dù bị cạnh tranh gay gắt với các loại vật liệu lợp mới hiện đại, tấm lợp phi-brô xi măng vẫn có vị thế riêng trên thị trường vật liệu bởi những ưu thế bền, giá rẻ và tiện lợi, được sử dụng phổ biến ở nhiều công trình phụ trợ vùng nông thôn. Đặc biệt khi cần khắc phục hậu quả thiên tai bão lụt, các thảm họa thiên nhiên hoặc các tình huống khẩn cấp thì tấm lợp phi-brô xi măng là mặt hàng dễ huy động, chi phí thấp và có những đặc tính phù hợp với khí hậu ven biển có độ mặn cao, giúp nhanh chóng tạo ra chỗ ở tạm tránh mưa, nắng, giữ ấm cho người, chỗ trú ngụ cho gia súc, gia cầm, kho chứa nông sản... Hiện tại, tấm lợp phi-brô xi măng chiếm khoảng 30% thị phần tấm lợp trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, do đặc thù sử dụng nguyên liệu chính là a-mi-ăng trắng để sản xuất tấm lợp, công nhân thường xuyên tiếp xúc với sợi a-mi-ăng, bụi, tiếng ồn, độ rung ảnh hưởng đến sức khỏe. Đây là loại vật liệu tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn cho sức khỏe con người nên các bộ, ngành chức năng đã ban hành nhiều quy định nghiêm ngặt về chế độ làm việc cũng như quy trình sản xuất loại vật liệu này; yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp phi-brô xi măng phải đầu tư đổi mới công nghệ, tăng cường đảm bảo an toàn lao động vệ sinh môi trường trong quá trình sản xuất.
|
Vận hành xe nâng vận chuyển tấm lợp tại cơ sở 2 của Nhà máy tấm lợp Thái Nguyên ở Thị trấn Gôi (Vụ Bản). |
Ông Phạm Văn Tiến, Phó Giám đốc Nhà máy tấm lợp Thái Nguyên cho biết: “Từ năm 1996 đến nay, đơn vị đã chủ động đầu tư máy móc, công nghệ để nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất, đồng thời không ngừng đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, bảo vệ sức khỏe của người lao động”. Hiện tại, công suất của nhà máy đạt khoảng 3 triệu m
2/năm, bình quân mỗi tháng nhà máy xuất bán ra thị trường khoảng 180-220 nghìn m
2 phục vụ các thị trường Hà Nội, Hòa Bình, Quảng Bình… Năm 2015, nhà máy đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để nâng cấp tự động hóa các khâu sản xuất như quấy trộn, xeo tấm, cắt; hệ thống máy nghiền hiện đại, hạn chế tối đa khối lượng bụi độc hại khi nghiền các chất định hình tấm lợp a-mi-ăng; đầu tư hệ thống tự động tuần hoàn, tái sử dụng nước thải, giảm lượng nước sử dụng, không xả nước thải có tồn dư hóa chất ra môi trường. Hệ thống thoát nước của nhà máy được thiết kế chảy qua bể lắng đọng, xử lý an toàn trước khi chảy vào hệ thống thoát nước chung của khu vực. Đơn vị thực hiện đo kiểm tra môi trường lao động định kỳ 1 lần/năm và đánh giá quan trắc môi trường 4 lần/năm. Kết quả khảo sát, đo đạc lấy mẫu và phân tích; chất lượng môi trường không khí xung quanh tại đơn vị mới đây nhất đạt quy chuẩn QCVN 05:2013/BTNMT quy định được các cơ quan chuyên môn đánh giá hoạt động sản xuất tấm lợp phi-brô xi măng không gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh; chất lượng môi trường không khí khu sản xuất tấm lợp đạt tiêu chuẩn TC3733/2002/BYT-QĐ. Đồng thời với đổi mới công nghệ, thiết bị, đơn vị cũng tập trung chăm lo đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Trong vòng 2 năm trở lại đây, đơn vị đều phối hợp với Bệnh viện Bộ Xây dựng tiến hành chụp X-quang khám tầm soát bệnh nghề nghiệp cho toàn bộ lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên nhà máy. Đồng thời, duy trì chế độ khám sức khỏe định kỳ 1 năm/lần đối với người lao động và các chế độ BHXH, bảo hiểm nghề nghiệp khác. Tại Cty CP Bạch Đằng, từ năm 2007 đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng để hoàn thiện dây chuyền sản xuất với công nghệ cơ giới hóa, tự động hóa cao, hạn chế tối đa sự tham gia trực tiếp của người lao động. Toàn bộ khuôn viên mặt bằng nhà xưởng, kho của Cty rộng hơn 8.500m
2 được cách ly với môi trường xung quanh bởi ao, hồ và cây cối. Nhà máy vận hành 3 dây chuyền sản xuất được trang bị hệ thống tự động hoá cao bằng các thiết bị tương đối tiên tiến hiện đại nhập từ Nga, Đức, Bỉ và một số nước Tây Âu khác. Toàn bộ nguyên liệu thô a-mi-ăng trắng được cách ly trong phòng kín. Khâu phối trộn nguyên liệu a-mi-ăng được định lượng tự động hoàn toàn và nghiền trong phòng kín, rồi được bơm tự động sang bộ phận trộn xi măng. Hiện tại, dây chuyền sản xuất tấm lợp phi-brô xi măng của Cty chỉ bố trí 5 lao động điều khiển, vận hành dây chuyền ở cả 3 khâu: xeo cán ướt tạo tấm phẳng, tạo sóng và dỡ tấm. Hệ thống nước sản xuất tấm lợp bố trí theo quy trình tuần hoàn nên trong quá trình sản xuất không có nước thải, bụi cơ học được xử lý triệt để nên môi trường làm việc luôn bảo đảm an toàn. Toàn bộ quá trình sản xuất được giám sát nghiêm ngặt bởi hệ thống camera tự động, đảm bảo đúng quy trình, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp của người lao động với các nguyên liệu độc hại. Sản phẩm của Cty đã được đăng ký bản quyền nhãn hiệu VinaHanoi và được chứng nhận sản phẩm hợp quy. Hằng năm, các cơ quan chức năng (cảnh sát môi trường, thanh tra môi trường, quan trắc môi trường, y tế) định kỳ và đột xuất kiểm tra các chỉ số về môi trường, y tế, sức khỏe của người lao động. Kết quả, các thông số đều đảm bảo dưới quy định cho phép. Toàn bộ công nhân được trang bị bảo hộ đầy đủ, được đảm bảo các quyền lợi về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, được tổ chức khám sức khỏe định kỳ hằng năm. Hiện tại, Cty đang tiến hành kiểm tra, rà soát lại các quy trình, tiến hành đo đạc thí nghiệm đảm bảo nồng độ sợi a-mi-ăng trắng trong khu vực sản xuất không vượt quá 0,1 sợi/ml không khí tính trung bình 8 giờ và không vượt quá 0,5 sợi/ml không khí tính trung bình 1 giờ; tiến hành tổ chức quan trắc, giám sát môi trường nước và môi trường không khí trong cơ sở sản xuất.
Có thể nói, các đơn vị sản xuất tấm lợp phi-brô xi măng trên địa bàn tỉnh ta đã nâng cao ý thức chủ động bảo đảm an toàn các khâu sản xuất, vừa giảm lao động trực tiếp, đồng thời hạn chế tối đa các chất thải (khí, nước và rắn) ra môi trường, tuân thủ đúng theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, an toàn lao động, an toàn sản xuất. Để tăng cường quản lý việc sử dụng a-mi-ăng trắng trên địa bàn, ngày 14-7-2016, Sở Xây dựng tiếp tục có Công văn số 580/SXD-KT&VLXD hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị triển khai thực hiện Điều 32 của Nghị định 24a/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ về sử dụng về sử dụng a-mi-ăng trắng nhóm serpentine trong sản xuất vật liệu xây dựng; UBND các huyện, thành phố đang tập trung phổ biến các quy định về sử dụng a-mi-ăng trắng trong sản xuất tấm lợp và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định này ở các đơn vị sản xuất, kinh doanh vật liệu từ a-mi-ăng trắng trên địa bàn quản lý. Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các sở: TN và MT, KH và CN, LĐ-TB và XH, UBND các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh để đảm bảo môi trường sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng từ a-mi-ăng trắng đạt tiêu chí bền vững, an toàn đối với người lao động và người sử dụng./.
Bài và ảnh:
Đức Toàn