Phát triển nuôi thủy sản nước ngọt

05:07, 23/07/2016
Trên địa bàn tỉnh hiện có 9.500ha diện tích mặt nước được đưa vào nuôi thủy sản nước ngọt. Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản, từ đầu năm đến nay, nuôi thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển mạnh.

Tổng sản lượng thủy sản nước ngọt 6 tháng đầu năm thu được là 17.858 tấn. Các đối tượng cá truyền thống như trắm đen, trắm cỏ, chép, trôi, mè… vẫn là những đối tượng phát triển tốt tại các vùng nuôi nội đồng vì ít gặp rủi ro. Ông Ngô Văn Mạnh, xã Tân Khánh (Vụ Bản) nuôi cá trắm đen thu hoạch từ 10 đến 15 tấn/năm với giá trung bình là 100 nghìn đồng/kg. Thức ăn của cá được tận dụng từ ốc, cám công nghiệp… Do chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ nên từ đầu năm đến nay đàn cá của ông phát triển tốt, không có dấu hiệu bị dịch bệnh. Hộ ông Bùi Văn Khoa, xã Giao Hải (Giao Thủy) cũng nuôi các đối tượng cá truyền thống nhưng mỗi năm ông tiến hành nuôi 2 vụ. Thời gian này, ông đang bắt tay vào thu hoạch vụ 1, cá được xuất bán có trọng lượng từ 1,5 đến 2kg/con. Đến nay, ông Khoa đã thu hoạch được 3 tấn cá. Ngoài các loại cá truyền thống, năm 2016 các loại thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá diêu hồng, cá lóc bông… cũng được người dân đưa vào nuôi thả nhiều. Năng suất nuôi cá diêu hồng trên địa bàn tỉnh đạt trung bình 5 tấn/ha.

Nông dân xã Giao Hải (Giao Thủy) đang chăm sóc đàn cá truyền thống.
Nông dân xã Giao Hải (Giao Thủy) đang chăm sóc đàn cá truyền thống.

Đặc biệt, CLB cá diêu hồng xã Hải Châu (Hải Hậu) có nhiều hộ nuôi đạt năng suất cao, lên đến 10 tấn/ha/năm. Việc liên kết giữa các thành viên trong CLB đã góp phần giảm chi phí sản xuất, hạn chế dịch bệnh, từ đó tăng lợi nhuận cho các thành viên trong CLB. Cá lóc bông được nuôi tập trung tại các xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi, Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng). Tại xã Hải Ninh (Hải Hậu) phát triển mạnh mô hình nuôi ếch của hộ ông Nguyễn Văn Tân và ông Nguyễn Văn Cường cho thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Thời gian này, ông Cường đang chuẩn bị cho thu hoạch vụ 1 với số lượng 5 vạn con ếch. Đàn ếch đạt trọng lượng đồng đều từ 200g đến 250g/con. Bên cạnh nuôi thủy sản thì việc sản xuất giống thủy sản nước ngọt cũng đã đi vào ổn định. Trên địa bàn tỉnh có 22 trại giống nước ngọt đã đáp ứng được 100% nhu cầu con giống của các hộ nuôi trong tỉnh, ngoài ra còn đáp ứng được một phần nhu cầu con giống của các tỉnh lân cận. Tổng sản lượng con giống nước ngọt trên địa bàn tỉnh đã sản xuất được trong 6 tháng đầu năm là 1.313 triệu con. Trung tâm Giống thủy đặc sản tỉnh đã sản xuất đối tượng nuôi mới là cá ngạnh, loài cá có tốc độ sinh trưởng nhanh, thịt cá thơm ngon, hiện đang được thị trường ưa chuộng và có giá trị kinh tế cao, đồng thời phục hồi giống cá trôi ta, cá trê ta thành công, giúp đa dạng hóa các đối tượng nuôi vùng nội đồng, hứa hẹn sự phát triển kinh tế cho các hộ dân nuôi thủy sản nước ngọt. Cty CP cá giống Nam Trực vẫn tiếp tục phát triển mạnh các đối tượng truyền thống như cá chép, cá trắm cỏ, cá mè hoa, cá trôi Ấn Độ, cá Trường Giang… với hơn 2 vạn cặp cá bố mẹ các loại.

Tuy nhiên, việc nuôi thủy sản nước ngọt của tỉnh ta vẫn còn tồn tại một số hạn chế như người dân chưa đầu tư, triển khai nuôi ở quy mô lớn. Bà Nguyễn Thị Bích, xã Giao Hải (Giao Thủy) cho biết: “Nuôi cái gì cũng vậy, nuôi càng dễ, bán ra càng khó, vì dễ thì ai cũng có thể nuôi được. Nuôi cá truyền thống rất đơn giản, cá ăn tạp, dịch bệnh ít nhưng mà giá bán lại thất thường, lúc lên lúc xuống; chưa kể đến thị trường tiêu thụ bấp bênh, nhỏ lẻ. Nhu cầu của người mua cá truyền thống nước ngọt không nhiều nên nuôi ít thì còn có thể mang ra chợ bán chứ nuôi nhiều chúng tôi không biết tiêu thụ đi đâu cho hết”. Một số đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao được đưa vào nuôi trên địa bàn chưa có sức lan tỏa, chưa được người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Cụ thể là mô hình nuôi cá lăng chấm trong ao đất của anh Lê Thế Nhật, xã Xuân Hòa (Xuân Trường), năm 2015 cho thu lãi 2 tỷ đồng; mô hình nuôi và sản xuất giống cá chạch đồng của anh Nguyễn Văn Khuyến, ở Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) cho thu nhập trên 600 triệu đồng/năm…; các mô hình này được đánh giá là rất thành công, đạt hiệu quả kinh tế cao nhưng có rất ít người học hỏi và đầu tư đưa vào nuôi. Nguyên nhân do tâm lý người nuôi sợ mạo hiểm, sợ tổn thất, mất thời gian tìm hiểu; mặt khác khi bắt tay vào nuôi một đối tượng mới, người dân phải mở rộng thêm diện tích và đầu tư cơ sở hạ tầng rất tốn kém. Để có những giải pháp tháo gỡ những bất cập này, bên cạnh sự nỗ lực của người dân thì cần phải có sự trợ sức của các cấp, các ngành chức năng trong việc tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng NN và PTNT, mở rộng diện tích, đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển những đối tượng nuôi mới có tiềm năng; phấn đấu thành lập các mô hình liên kết giữa các HTX, hội nghề cá… để hình thành các vùng nuôi và sản xuất tập trung, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và tìm đầu mối tiêu thụ. Bên cạnh đó cần có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến thu mua, bao tiêu sản phẩm… để người dân yên tâm đầu tư nuôi và định hướng phát triển lâu dài, bền vững./.
 
Bài và ảnh:  Thanh Hoa


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com