Phát triển nghề dệt truyền thống ở Trực Chính

04:07, 09/07/2016

Xã Trực Chính (Trực Ninh) gồm 2 thôn là Dịch Diệp và An Lãng; trong đó thôn An Lãng gồm 8 xóm đều bắt đầu bằng chữ An gồm: Bình, Thành, Thịnh, Khánh, Định, Ninh, Vinh, Trạch. Ngoài sản xuất nông nghiệp, xã Trực Chính nổi tiếng vì có nghề dệt truyền thống với lịch sử hình thành và phát triển gần 100 năm.

Trăm năm nghề dệt cửi

Theo lịch sử Đảng bộ xã Trực Chính, nghề dệt truyền thống của xã đã có trên 9 thập kỷ. Người đưa nghề dệt về địa phương là cụ Phạm Hữu Điếm, thôn Dịch Diệp sau một thời gian dài học nghề tại Hà Nội, năm 1925 về quê mở xưởng chuyên dệt vải, dệt khăn. Ông Phạm Cao Ngưỡng, năm nay vừa tròn 85 tuổi, cháu nội cụ Điếm, kể: Cụ Điếm có 5 người con, 3 trai, 2 gái thì có 4 người được cụ cho theo nghề dệt. Trong đó, ông Phạm Hữu San, con trai thứ hai chuyên đóng và sửa chữa các khung dệt; ông Phạm Hữu Hói, con trai thứ 3 mở xưởng dệt với gần chục khung dệt. Hai bà con gái sau thì phụ việc như: giáo sợi, quay ống, mắc cửi… Xưởng dệt của gia đình thường xuyên phải thuê thêm hàng chục người làm; từ sáng tới tận tối mịt lúc nào cũng rộn rã tiếng thoi đưa lách cách và tiếng cười, tiếng nói. Năm 12-13 tuổi, cậu bé Ngưỡng đã theo ông chú ruột (ông Phạm Hữu Hói) học nghề canh cửi với những công việc “vỡ lòng” như: quay ống, mắc cửi, mắc go… Nguyên liệu để làm nghề (chủ yếu là sợi) được cung ứng từ Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định nên nghề dệt càng có điều kiện để phát triển và mở rộng. Từ “hạt nhân” là nghề dệt cửi và xưởng dệt của gia đình cụ Điếm, nghề dệt cửi nhanh chóng được nhân rộng ra nhiều hộ của thôn Dịch Diệp và cả các xóm của thôn An Lãng. Với bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó chỉ sau một thời gian ngắn vừa làm vừa rút kinh nghiệm, những người nông dân Dịch Diệp, An Lãng vốn bao đời chỉ gắn bó với cây lúa, củ khoai, con trâu, cái cày đã nhanh chóng hiểu nghề, nắm chắc những tinh hoa, bí quyết nghề dệt cửi. Các sản phẩm vải, khăn dưới bàn tay tài hoa của người thợ dệt lành nghề đã nức tiếng khắp nơi, tạo nên thương hiệu cho làng nghề. Những năm kháng chiến chống Pháp, làng nghề dệt cửi của xã vinh dự nhận được thư động viên của Bác Hồ từ Chiến khu Việt Bắc vì đã có công dệt áo trấn thủ, khăn mặt tặng bộ đội chống rét. Bước vào thời kỳ sản xuất tập thể, các HTX: Dệt Trần Phú (sau này là HTX Dệt Dịch Diệp); Dệt An Lãng… liên tục được tặng cờ thi đua xuất sắc, là các đơn vị lá cờ đầu của ngành dệt thủ công toàn miền Bắc. Yêu nghề, giỏi nghề nên từ thực tế sản xuất, người thợ dệt Trực Chính đã mày mò, sáng tạo để nhiều lần cải tiến công cụ sản xuất truyền thống là khung cửi để nâng cao năng xuất lao động, chất lượng sản phẩm. Từ chỗ chỉ sản xuất được các loại khăn, vải khổ rộng tối đa 30cm, dài 40cm, sau nhiều lần cải tiến, thợ dệt Trực Chính đã sản xuất được các loại khăn, vải khổ rộng đến 40cm, dài 70cm. Sản phẩm cũng đa dạng hơn với các loại khăn tẩy trắng; khăn in hoa. Sản phẩm của làng nghề không chỉ được tiêu thụ trong cả nước mà còn được xuất khẩu sang các nước Liên Xô (cũ) và Đông Âu với sản lượng mỗi năm từ 3.000-5.000 chiếc. Thời điểm cực thịnh, cả xã có trên 1.000 khung dệt hoạt động liên tục, từ đầu làng đến khắp các dong ngõ, xóm không lúc nào thưa tiếng thoi lách cách.

Sản xuất khăn bằng máy dệt kiếm tự động tại cơ sở của anh Mai Văn Giang, xóm An Bình, thôn An Lãng, xã Trực Chính.
Sản xuất khăn bằng máy dệt kiếm tự động tại cơ sở của anh Mai Văn Giang, xóm An Bình, thôn An Lãng, xã Trực Chính.

Gian nan giữ nghề

Khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, nghề dệt truyền thống ở Trực Chính có thời gian lâm vào trầm lắng và phải đến những năm 2000 trở lại đây mới từng bước phục hồi và phát triển trở lại. Bước đột phá để nghề dệt truyền thống phát triển là các hộ làm nghề đã đổi mới quy trình sản xuất, đầu tư máy dệt theo cải tiến sử dụng điện; thay thế khung dệt cũ khổ hẹp sang khung khổ rộng với tốc độ dệt nhanh, tăng năng suất từ 6kg lên 20kg sợi/ngày/máy, bảo đảm chất lượng sản phẩm đều, đẹp. Chị Phạm Thị Giao, thôn Dịch Diệp, người có thâm niên trên 40 năm gắn bó với nghề dệt cho biết: máy dệt cải tiến có gắn mô tơ chạy bằng điện, khổ rộng đến 1 mét và không hạn chế độ dài. Nhờ đó, mỗi ngày một khung dệt dùng điện có thể sản xuất được từ 600-700 sản phẩm khăn các loại với đa dạng mẫu mã như: khăn trơn, khăn cải hoa, khăn kẻ ô... Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã, toàn xã hiện có 528 khung dệt; trong đó thôn Dịch Diệp có 125 khung, số khung còn lại nằm rải rác ở 8 xóm của thôn An Lãng và nhiều nhất là ở các xóm An Thành, An Thịnh. Toàn xã có 4 HTX dệt gồm: Vạn Diệp, Bình Định, Hoàng Anh và Đức Ân với trên 300 thành viên, hàng trăm hộ làm nghề, thu hút khoảng 600 lao động trực tiếp. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề là các loại khăn mặt, khăn tắm phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Nhiều cơ sở sản xuất, hộ gia đình ký hợp đồng với Tổng Cty CP Dệt may Nam Định; Cty CP Dệt may Sơn Nam (TP Nam Định); Cty CP Thúy Đạt (KCN Hòa Xá) gia công khăn bông, màn, gạc phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hoặc liên kết với các Cty TNHH: Lương Anh; Vĩnh Giang (Thị trấn Cổ Lễ) để thu gom, bao tiêu sản phẩm cho làng nghề. Bên cạnh các HTX tập trung, xã Trực Chính còn có cơ sở sản xuất Trường Giang của anh Mai Văn Giang, xóm An Bình đã đầu tư trên 3 tỷ đồng trang bị 10 máy dệt kiếm tự động, lắp đặt riêng 1 trạm biến áp 250kVA để sản xuất các loại khăn ăn, khăn mặt, khăn phục vụ thi đấu thể thao cho các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội. Máy dệt kiếm của cơ sở có khổ rộng tối đa 2,3m; năng suất từ 8 tạ đến 1 tấn sản phẩm/máy/tháng. Cơ sở hiện có 10 lao động trực tiếp và 15 hộ nhận gia công sản phẩm tại nhà với mức lương bình quân từ 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ước tính nghề dệt truyền thống ở Trực Chính tạo việc làm cho gần 600 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 60-80 nghìn đồng/ngày; khoảng 2-2,5 triệu đồng/tháng.

Mặc dù đã vượt qua thời kỳ sa sút nhưng so với thời điểm cực thịnh, nghề dệt truyền thống của xã Trực Chính chỉ còn chưa được một nửa, cả về số lượng khung dệt, sản lượng sản phẩm và số lao động trực tiếp tham gia các điều kiện để bảo đảm phát triển nghề bền vững còn nhiều bất cập. Đầu tiên là vấn đề nguồn lao động kế cận. Hầu hết lao động hiện tại trong các làng nghề là nữ, đã bước sang tuổi trung niên hoặc lao động “tận dụng”. Vì nhiều lý do, ngày công của lao động nghề dệt ngày càng thấp, ngày công của thợ dệt trước đây gấp đôi công lao động phổ thông thì nay chỉ bằng một nửa. Bên cạnh đó, dù đã được cải tiến nhiều về công nghệ sản xuất, song cơ bản công nghệ và thiết bị vẫn lạc hậu, cũ, nên không tránh được các yếu điểm như: tiếng ồn, bụi bông… khiến lao động trẻ không mặn mà. Làng nghề chủ yếu vẫn là gia công sản phẩm thô cho các doanh nghiệp lớn nên không chỉ giá trị ngày công lao động thấp, mức độ đầu tư cho công nghệ, thiết bị cũng rất hạn chế, tiết kiệm tối đa. Phần lớn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề hình thành nhằm tạo một đầu mối trung gian trong quan hệ giữa doanh nghiệp lớn với các hộ sản xuất cá thể nên các khâu đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh hay cải tiến, đổi mới tổ chức sản xuất để nâng cao hiệu quả, giá trị lao động còn rất yếu. Vì mất nhiều chi phí khâu trung gian nên ngày công lao động không thể nâng lên. Để giữ gìn và phát huy giá trị thương hiệu nghề dệt truyền thống, xã Trực Chính đang cần có những quyết sách, hướng đi căn bản, chiều sâu hơn như phát triển đội ngũ doanh nghiệp sản xuất tất cả các khâu, có khả năng xuất khẩu trực tiếp sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng... Để làm được điều này cần có sự hỗ trợ của tỉnh, của huyện giúp xã và các doanh nghiệp, cơ sở và hộ sản xuất địa phương nắm bắt và tranh thủ được chủ trương phát triển công nghiệp phụ trợ, ngành dệt may của tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm. Phát huy hiệu quả các chương trình, hoạt động hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp địa phương như hoạt động khuyến công tạo đòn bẩy thúc đẩy người dân đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc bảo đảm vệ sinh công nghiệp, tăng giá trị ngày công thu hút lao động trẻ. Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp quảng bá, tiếp cận thị trường, phát huy tính năng động trên thị trường./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com