Phát triển kinh tế biển ở Hải Lý

08:07, 04/07/2016
Cũng như nhiều địa phương ven biển, xã Hải Lý (Hải Hậu) phát triển tốt các hoạt động kinh tế biển như khai thác đánh bắt thủy, hải sản và phát triển nuôi đa dạng các đối tượng thủy sản như tôm, cua, ngao, vạng…
 
Xã Hải Lý có 33ha diện tích nuôi thủy sản với sản lượng nuôi trung bình hằng năm là 180 tấn, giá trị thu nhập từ việc nuôi thủy sản lên đến 28,8 tỷ đồng. Được sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của chính quyền địa phương nên các chủ đầm, hồ nuôi thủy sản thường xuyên được dự các lớp tập huấn kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm; mạnh dạn đầu tư cho việc cải tạo đầm hồ, mua sắm trang thiết bị phục vụ nuôi thủy sản. Gần đây, xã được Trung tâm Dạy nghề và Chuyển giao công nghệ Vacvina đầu tư cho 5 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGap, là các hộ ông: Trần Văn Giáp, xóm Văn Lý; Hoàng Văn Tuấn, xóm A; Phạm Văn Ngọc, Vũ Văn Tĩnh và bà Nguyền Thị Trang, xóm Lê Lợi. Các hộ được chọn phải đảm bảo có diện tích nuôi từ 4.000m 2 trở lên và có đầy đủ các trang thiết bị để phục vụ việc nuôi thủy sản. Những chủ ao, đầm đạt tiêu chuẩn được Trung tâm Dạy nghề và Chuyển giao công nghệ Vacvina đầu tư 40 triệu đồng/hộ mua thức ăn và con giống thủy sản. Gia đình ông Hoàng Văn Tuấn được đánh giá là có tỷ lệ đậu tôm theo tiêu chuẩn VietGap cao nhất. Chia sẻ về bí quyết của bản thân, ông Tuấn cho biết: “Tôm giống khi mang về được nuôi, chăm sóc cẩn thận trong ao đầm. Sau đó, tôi chọn những con tôm có kích thước lớn sang ao khác để tránh trường hợp những con tôm lớn làm hại tôm bé. Như vậy, tỷ lệ tôm đậu sẽ cao hơn”. Với diện tích 2ha, mỗi năm gia đình ông Tuấn thu lãi 1 tỷ đồng từ tôm thẻ chân trắng. Bà Nguyễn Thị Trang cũng nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình VietGap. Để có được trang thiết bị đầy đủ như hiện tại, bà Trang đã không ngần ngại bỏ ra hơn 2 tỷ đồng để đầu tư. Được các cán bộ thủy sản trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật nên đàn tôm của bà hiện đang phát triển rất khỏe mạnh. Ngoài nuôi tôm thẻ chân trắng, sản xuất ngao giống và nuôi ngao thương phẩm cũng là thế mạnh của xã. Ông Trần Văn Tuân, xóm Văn Lý là người có thâm niên trong việc sản xuất ngao giống cung cấp cho nhu cầu nuôi của bà con trong xã và các địa phương lân cận. Trung bình mỗi năm trừ chi phí ông thu 500 triệu đồng từ ngao giống. Các loại cá nước ngọt truyền thống cũng là đối tượng được nhiều người dân xã Hải Lý chọn nuôi. Đối tượng này không đòi hỏi người nuôi phải chăm sóc cầu kỳ như tôm, ngao, dễ nuôi và cũng cho thu nhập ổn định. Anh Bùi Thanh Toàn, xóm Lê Lợi, nuôi cả tôm thẻ chân trắng và cá nước ngọt với diện tích 7ha. Vừa nuôi đối tượng nước mặn, vừa nuôi nước ngọt nên anh Toàn đầu tư hệ thống giếng khoan sâu 120-130m để có nguồn nước ngọt trong lành nuôi cá. Hệ thống giếng lọc này không còn xa lạ đối với những cơ sở nuôi thủy sản nên được nhiều người lựa chọn. Hiện nay, xã Hải Lý đang tiến hành quy hoạch 53ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi các loại cá trắm, cá chép, cá trôi… Dự án đang được trình Sở NN và PTNT nhằm tìm nguồn hỗ trợ phương tiện kỹ thuật và máy móc cho bà con yên tâm nuôi thủy sản. Bên cạnh nghề nuôi thủy sản thì nghề khai thác hải sản của nhân dân địa phương cũng rất phát triển. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với các chính sách về hỗ trợ đóng tàu khai thác và tàu dịch vụ cho ngư dân bám biển, Hải Lý được đóng mới 1 tàu khai thác xa bờ. Ngoài ra, Hiệp hội nghề cá của xã cũng làm tốt công tác phối hợp với các ngành chức năng tích cực tuyên truyền cho ngư dân sản xuất phải đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, phối hợp giúp đỡ nhau trong sản xuất và phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong khi khai thác dài ngày trên biển, nhất là thời điểm mùa mưa bão. Tổng sản lượng khai thác thủy sản của xã trung bình hằng năm là 2.100 tấn. Trong đó, sản lượng tôm, cá các loại khoảng 1.550 tấn, sứa khoảng 200 tấn, nhuyễn thể (ngao, sò…) đạt 350 tấn. Tổng giá trị sản phẩm ước đạt 75 tỷ đồng. 
 
Khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh ta nói chung và trên địa bàn xã Hải Lý nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn do ngư trường biến động thất thường, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt nên nghề khai thác xa bờ gặp nhiều khó khăn, chi phí lớn. Nguồn nước nuôi thủy sản còn sử dụng chung với sản xuất muối, không chủ động kiểm soát được chất lượng nước, do vậy năng suất nuôi chưa cao, chưa thực sự đạt hiệu quả kinh tế tương xứng. Để khắc phục những hạn chế và tiếp tục tạo bước phát triển cho kinh tế biển của địa phương, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục khuyến khích bà con đầu tư, cải tạo ao đầm, mua sắm phương tiện kỹ thuật nuôi thủy sản, đặc biệt là chú trọng việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc nuôi và phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, tạo giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho các hộ gia đình, tạo sự yên tâm, phấn khởi cho người lao động. Đối với nghề đánh bắt hải sản, xã khuyến khích ngư dân tích cực vươn khơi bám biển, tìm kiếm ngư trường mới để khai thác có hiệu quả, thu hút thêm nhiều lao động trên biển; kết hợp với các ngành chức năng mở các lớp đào tạo lao động có kỹ thuật, khuyến khích ngư dân cải tiến ngư lưới cụ, trang bị máy móc phù hợp với ngư trường để khai thác có hiệu quả. Tiếp tục đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư hỗ trợ đóng mới tàu sắt để ngư dân khai thác xa bờ đạt hiệu quả cao hơn./.
 
Thanh Hoa


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com