Sau những năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt trên các chiến trường, nhiều người lính may mắn được trở về quê hương nhưng mang trên mình nhiều thương tật, khi “trái gió, trở trời” những vết thương lại tái phát, hành hạ. Những di chứng chiến tranh ấy tưởng chừng quật ngã họ nhưng với phẩm chất của người lính Cụ Hồ, luôn nhớ lời Bác dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”, họ đã cố gắng chiến thắng thương tật, vươn lên trong cuộc sống, trở thành những doanh nhân không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm hộ gia đình xung quanh, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
1. Khởi nghiệp từ chiếc mũ nan
Tháng 12-1972, khi vừa tròn 18 tuổi, chàng thanh niên Đào Hữu Xuyên, sinh năm 1954 ở thôn Tiến Thắng, xã Yên Đồng (Ý Yên) tạm biệt gia đình lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện, ông được biên chế vào Sư đoàn 2 bộ binh (Quân khu 5) tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Tháng 8-1974, trong một trận đánh ác liệt, ông Xuyên bị thương, được đưa về hậu phương chữa trị với tỷ lệ thương tật 48%. Năm 1976, ông xuất ngũ về địa phương với 4 mảnh đạn còn găm trong người (3 mảnh ở cánh tay trái, 1 mảnh ở ngực). Trở về với sức khỏe chỉ bằng một nửa người bình thường, ông phải đối mặt với muôn vàn khó khăn của cuộc sống đời thường. Với ý chí người lính, ông nhiều đêm trăn trở, nghiên cứu tìm lời giải thoát nghèo, cải thiện cuộc sống. Xã Yên Đồng quê ông vốn có nghề đan băng giang từ tre nứa xuất khẩu sang Tiệp Khắc (cũ). Quá trình sản xuất nguyên liệu thừa loại ra rất nhiều. Nhìn những bím tóc thiếu nữ, nhớ đến chiếc mũ rơm thời bom đạn, ông mới nảy ra ý tưởng tận dụng nguyên liệu thừa này để đan thành băng, dùng máy khâu máy lại thành mũ. Mỗi ngày, với chiếc máy khâu thủ công, ông chỉ máy được tầm 30-40 chiếc mũ. Làm ra sản phẩm rồi lại lo đến chuyện bán hàng. Vì vậy, cứ một ngày làm thì 2, 3 ngày sau ông đạp xe mang sản phẩm đến ký gửi ở các HTX mua bán trong vùng, trong huyện rồi rong ruổi sang cả huyện bạn và các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Hà Nam, Thanh Hóa. Những chiếc mũ nan do ông mày mò sản xuất vừa tiện lợi, giá rẻ nên đã nhanh chóng được tiêu thụ hết. Sau vài năm cặm cụi mò mẫm từ sản xuất đến tiêu thụ, nhận thấy cơ hội phát triển, ông vận động tập hợp được gần 20 hộ thuộc diện thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, thành lập tổ hợp sản xuất mũ nan. Ông đứng ra dạy nghề, cung ứng nguyên liệu và tìm đầu ra cho sản phẩm, công việc khá trôi chảy. Đến năm 1990, khi các loại mũ bằng nhiều chất liệu khác phát triển, nhu cầu tiêu thụ mũ nan giảm mạnh, ông bắt đầu tìm cách thay đổi mẫu mã sản phẩm và tự mày mò thiết kế, sản xuất thêm các sản phẩm từ băng giang như: hộp, khay, đệm... với nhiều màu sắc bắt mắt, phù hợp với thị trường. Để lo đầu ra cho sản phẩm, ông liên hệ với các Cty xuất nhập khẩu ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… gửi mẫu sản phẩm đi chào hàng. Năm 1994, lô hàng xuất khẩu đầu tiên sang Đài Loan với 35 nghìn sản phẩm (tương đương một công-ten-nơ loại 40 feet) thành công đã mở ra hướng đi mới cho cơ sở sản xuất của ông Xuyên. Ông tiếp tục mở rộng cơ sở sản xuất, thuê hàng trăm hộ trong xã sản xuất bằng phương thức cấp vốn, nguyên liệu, hướng dẫn cách làm cho các gia đình rồi thu gom sản phẩm lại để hoàn tất các công đoạn phối màu, phơi sấy, đóng gói để xuất bán sang các nước: Bra-xin, Mê-hi-cô, Nhật Bản… Hiện nay, cơ sở sản xuất của ông Xuyên có gần 20 chủng loại, mẫu mã sản phẩm từ băng giang như mũ, đệm chùi chân, giỏ, túi, hàng lưu niệm… Cơ sở hiện có gần 50 hộ nhận gia công sản phẩm (mỗi hộ từ 2-4 lao động), với sự trợ giúp đắc lực của các loại máy may công nghiệp, bình quân một ngày một lao động sản xuất được từ 150-160 sản phẩm, giá trị ngày công đạt khoảng 200 nghìn đồng/người/ngày. 6 tháng đầu năm 2016, cơ sở của ông đã xuất được trên 300 nghìn sản phẩm đệm chùi chân sang thị trường Bra-xin và trên 15 nghìn sản phẩm mũ nan sang thị trường Hàn Quốc.
2. Làm giàu từ sợi cói quê hương
Năm 1971, ông Vũ Xuân Túy, xóm 4, xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng) nhập ngũ được biên chế vào Trung đoàn 25, Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3), tham gia chiến đấu từ chiến trường Quảng Trị vào chiến trường Tây Nguyên. Trong một trận đánh tại Ba Tơ (Quảng Ngãi) ông bị thương ở ngực trái và cánh tay phải. Năm 1975, ông trở về địa phương, là thương binh 4/4, bệnh binh 2/3 với mảnh đạn vẫn nằm trong ngực. Sau khi lập gia đình, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 1980, ngoài nhận đan bao manh từ sợi cói lấy công, ông vay mượn của anh em, họ hàng được ít vốn, mở đại lý thu mua bao manh bán cho Cty CP Muối Nam Định. Đến những năm 1990, bao manh từ cói bị đuối trong cuộc cạnh tranh với các loại bao dứa làm bằng sợi PP, giá thành rẻ chỉ có 2.000 đồng/cái, trong khi bao manh giá 20 nghìn đồng/cái. Nghề đan bao manh từ cói của gia đình ông và hàng trăm hộ dân trong xã tê liệt. Không cam chịu, ông Túy đã lặn lội đi khắp các tỉnh có nghề truyền thống như: Ninh Bình, Hà Tây, Quảng Ninh, thậm chí sang tận Trung Quốc để học hỏi, tìm kiếm cơ hội làm ăn. Sau năm tháng lặn lội ở khắp các tỉnh trong và ngoài nước, phân tích kỹ tình hình, biết lao động quê mình đã quen thạo nghề đan cói ông bàn với gia đình quyết tâm gây dựng nghề đan cói truyền thống của địa phương bằng cách cải tiến mẫu mã mới, lạ, độc đáo…, gửi đi các Cty xuất nhập khẩu ở Thành phố Nam Định và các nơi để chào hàng. Nhận được đơn đặt hàng của một Cty xuất nhập khẩu ở Thành phố Nam Định, ông lựa chọn những người thợ giỏi trong làng, thành lập cơ sở sản xuất tập trung để thực hiện hợp đồng. Ngày 5-2-1990, chuyến hàng đầu tiên gồm 10 nghìn sản phẩm bị, ró (bì) đan từ cói được xuất khẩu sang Pháp. Thành công tiếp thêm sức mạnh, ông tiếp tục không ngừng nghiên cứu, thiết kế nhiều mẫu mã sản phẩm đa dạng để đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Năm 2005, sau gần 15 năm chuyên sản xuất gia công các sản phẩm xuất khẩu từ cói, ông quyết định thành lập doanh nghiệp để có tư cách pháp nhân thuận tiện cho việc nhận và thực hiện những hợp đồng lớn. Hiện nay, Doanh nghiệp Tư nhân Ánh Túy của thương binh Vũ Xuân Túy mỗi tháng xuất được từ 15-30 nghìn sản phẩm với trên 100 loại sản phẩm, đa dạng mẫu mã xuất khẩu sang các nước: Mỹ, EU, Nhật Bản…; bình quân doanh thu một năm đạt trên 20 tỷ đồng. Không chỉ vượt khó, vươn lên làm giàu cho bản thân và gia đình, doanh nghiệp của ông tạo việc làm cho hàng trăm lao động trong xã và các xã xung quanh như: Nghĩa Thắng, Nghĩa Sơn, Nghĩa Đồng… nhận gia công sản phẩm với thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài những sản phẩm đặt hàng theo mẫu, doanh nghiệp còn nhận bao tiêu nhiều loại sản phẩm thủ công do người dân tự đan theo kinh nghiệm truyền thống bởi ông biết khách hàng nước ngoài ưa thích các sản phẩm thân thiện với môi trường, mang đậm bản sắc, văn hóa truyền thống địa phương. Đơn cử như với sản phẩm bị cói tròn (đường kính 35cm, sâu 30cm) doanh nghiệp thu mua với giá từ 40-42 nghìn đồng/chiếc; với sản lượng từ 5-6 chiếc/người/ngày và chi phí nguyên liệu khoảng 5.000-6.000 đồng/chiếc, ngày công của người đan cói đạt từ 200 nghìn đồng trở lên.
|
Thương binh Đào Hữu Xuyên, thôn Tiến Thắng, xã Yên Đồng (Ý Yên) với sản phẩm mũ nan. Ảnh: Thành Trung |
3. Và chuyện của cựu lính tăng thiết giáp
Sinh năm 1954 tại xã Xuân Thượng (Xuân Trường), năm 1972 như bao thanh niên thời chiến, chàng trai Vũ Thành Đô nhập ngũ, được đi học lái xe và theo đơn vị vào chiến trường Quảng Trị ác liệt. Từ đó cho đến ngày giải phóng miền Nam, ông là chiến sĩ lái xe tăng tham gia cánh quân giải phóng Buôn Mê Thuột và tiến đánh Bộ Tổng tham mưu ngụy. Đất nước được hoàn toàn giải phóng, nhưng biên giới chưa yên. Tháng 10-1977, ông lại tái ngũ, cùng đơn vị sang chiến trường Căm-pu-chia, tham gia giải phóng đất nước Chùa Tháp khỏi họa diệt chủng Pôn-pốt. Đôi chân người lính vẫn chưa được nghỉ, năm 1979, ông tham gia chiến đấu tại mặt trận biên giới phía Bắc. Đến tận năm 1981 ông mới rời quân ngũ về quê hương với thương tật 1/4; sau này ông được hưởng chế độ nhiễm chất độc da cam do chiến đấu lâu dài trong vùng có chất độc. Gần 10 năm lăn lộn hết chiến trường này đến chiến trường khác, nhiều lần ông được tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng, Dũng sĩ diệt Mỹ, hai lần được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba…
Trở về với đời thường trong điều kiện kinh tế đất nước còn hết sức khó khăn, hai vợ chồng trẻ phải lăn lộn với gánh nặng cơm áo, bắt tay vào làm kinh tế khi ngoài “tay nghề” kỹ thuật lái xe tăng (!) đánh trận, ý chí sắt thép của người lính tăng thiết giáp, ông không có vốn, kinh nghiệm thương trường là số không. Chật vật làm thuê khắp nơi, đủ nghề từ đốt vôi, lên tận Hà Bắc đóng gạch… mà cuộc sống vẫn rất khó khăn. Ông kể “Mỗi thợ kéo vôi thuê phải đội những bao vôi nặng đến 90kg từ bờ đê ra đến bến sông, rồi cho lên bè kéo qua cửa sông; mỗi ngày kéo đến 8-9 tấn vôi. Đến cuối ngày mệt lử, chân tay như rụng rời ra mà tiền công cũng chỉ tương đương 1 thúng khoai”. Rồi ông trở về quê hương, phát huy tay nghề kiến thức kỹ thuật máy móc chuyển sang sửa, làm ắc quy, sửa chữa máy nông nghiệp HTX. Hơn chục năm xoay xở, cuộc sống tuy bớt khó nhọc hơn nhưng ông vẫn đau đáu, trăn trở phải làm gì để kinh tế gia đình ổn định, vững chắc hơn. Vất vả là thế nhưng ông không thôi cái thú đọc sách báo và nhờ niềm say mê ấy đã cho ông “chìa khóa” trong lần tình cờ đọc được cuốn tiểu thuyết
“Trả giá” của nhà văn quân đội Triệu Xuân, giúp ông định hướng, có cái nhìn mới về phương thức làm kinh tế: muốn tồn tại và phát triển phải nhập guồng trong vòng quay kinh tế, phải nỗ lực, chủ động đầu tư vốn lớn, phục vụ, cung ứng sản phẩm theo nhu cầu và phục vụ cùng lúc cho số đông người tiêu dùng trên thị trường. Ông nghiên cứu, xác định ngành nghề có cơ hội đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cơ chế kinh tế đổi mới, kinh tế tư nhân được “cởi trói”, người dân ào ào làm kinh tế. Cũng từ đó nhu cầu đi lại, giao thương tăng chóng mặt trong khi vận tải Nhà nước không đáp ứng kịp. Biết lái xe, lại thêm kinh nghiệm từ những năm bôn ba đi làm thuê kiếm sống am hiểu nhiều cung đường, năm 1991, ông gom toàn bộ tài sản trong nhà, đi vay từ ổ lợn con, bao thóc, đàn gà… và cùng với 4 người bạn thân thiết bỏ vốn mua chung 1 chiếc ô tô khách chạy từ Xuân Trường đi Hà Nội. Nhớ lại những ngày đầu tiên “chinh chiến” trên thương trường, ông kể: xe mới, khách chưa quen, ông còn phải lặn lội vào tận những điểm đông dân để chào mời, giới thiệu. Có khách không thạo đường, ông phải dắt đi bộ từ ô Chợ Dừa ra bến Giáp Bát. “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, những ngày cuốc bộ, đi đến mòn vẹt đôi “tông Lào” để đón khách rồi cũng được đền đáp, xe có thương hiệu, khách đông dần. Khách quen xe đến nỗi có hôm xe hỏng, khách trọ luôn tại nhà ông, ăn cơm cùng gia đình, thậm chí gặt hộ lúa nhà ông để đợi xe sửa xong mới đi. Từ chỗ vốn chỉ có 1/4 chiếc xe, ông gom vốn hùn để sở hữu 1/3, 1/2 rồi có được 1 chiếc xe. Cứ như thế, số lượng xe do ông sở hữu tăng dần. Nhờ đã xây dựng được thương hiệu, uy tín và tạo được mối quan hệ chân tình, tin tưởng của nhiều khách hàng thân thiết, những người chạy xe khách trên địa bàn cũng xin gia nhập thành Nghiệp đoàn vận tải. Năm 1997, huyện Xuân Thủy chia tách, thành hai huyện Xuân Trường và Giao Thủy, ông vận động thành lập HTX vận tải, tạo điều kiện cho anh em trong ngành tại địa phương được hoạt động hợp pháp, theo đúng quy định của Nhà nước. Đến nay, mặc dù thị trường vận tải khách cạnh tranh gay gắt song HTX vận tải Xuân Trường đã trở thành đơn vị kinh doanh vận tải khách lớn nhất huyện Xuân Trường, có uy tín, thương hiệu không chỉ trên địa bàn tỉnh mà còn có đông đảo lượng khách hàng thân thiết ở các địa phương đơn vị tham gia dịch vụ vận tải đối lưu. HTX đã nhận được nhiều Bằng khen của UBND tỉnh về hoàn thành công tác vận tải; được Công an tỉnh tặng Bằng khen về thành tích 5 năm hoàn thành tốt công tác bảo đảm trật tự ATGT. Năm 2015, trên cương vị Chủ nhiệm HTX Vận tải đường bộ Xuân Trường, ông được Trung ương Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào - Căm-pu-chia trao chứng nhận là Nhà Quản lý tiêu biểu 30 năm đổi mới.
Trò chuyện với chúng tôi, ông không giấu nổi niềm hãnh diện, tự hào vì có một gia đình ấm áp, có người vợ tần tảo cùng ông đương đầu, sẻ chia bao khó nhọc, vui buồn từ những ngày tháng gian nan khởi nghiệp. Hai người con trai cả của ông đã lập gia đình; cậu con trai út đang theo học trong ngành an ninh; ông đã đông đúc cháu nội nhưng cả gia đình ba thế hệ vẫn quây quần chung sống, sinh hoạt trong một mái nhà. Ông Đô chia sẻ, để có được mái nhà yên ấm và sự thành công trên thương trường như ngày hôm nay là nhờ những ngày tháng trong quân ngũ đã tôi luyện, giúp ông có chí kiên trường đối mặt với khó khăn. Phần thưởng lớn nhất ông nhận trong những năm tháng chiến tranh là được sống giữa những người đồng đội không chỉ cùng chung chí hướng mà còn biết cùng nhau sẻ chia, xoa dịu mọi gian khó, thiếu thốn; cùng động viên, khích lệ, bồi đắp, tôi luyện cho nhau ý chí can trường, sống, chết không nề hà hiểm nguy, dám xả thân đấu tranh vì đất nước độc lập thống nhất, non sông vẹn toàn. Đặc biệt, với cuộc sống đời thường ông luôn giữ tư tưởng sống và cư xử, đối đãi với người thân, đối tác làm ăn một cách chân thành, biết sẻ chia như trước đây ông và những người đồng đội đã sống. Quan điểm sống ấy cho ông nhiều điều may song cũng không ít thiệt thòi trên thương trường trước những chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh. Song ông vẫn không thay đổi bởi “chất lính đã ngấm vào máu”! Nói về hoạt động kinh doanh xe khách trong tình hình thị trường hiện nay, ông Đô cho biết: Chất lượng phục vụ tốt, xe tốt, đảm bảo trật tự ATGT sẽ giữ chân khách; HTX luôn quán triệt các lái xe, phụ xe phải nâng cao đạo đức người lái xe, bảo đảm ATGT, vì đây chính là nền tảng quan trọng để xây dựng uy tín, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, đảm bảo vị thế của doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh gay gắt. Cũng nhờ đó, từ người thân, đối tác làm ăn, khách hàng đều quý trọng cách sống và luôn yêu mến, tin tưởng, sẵn sàng hợp tác làm ăn, sử dụng dịch vụ do ông cung cấp.
Trở về sau chiến tranh, những người lính Cụ Hồ năm xưa lại vững vàng trên mặt trận phát triển kinh tế, tiếp tục là những tấm gương tiêu biểu về nghị lực vượt khó vươn lên quyết chiến thắng đói nghèo, lạc hậu cho các thế hệ con cháu học tập và noi theo./.
Thành Trung
và
Thanh Thúy