Dọc bãi biển huyện Hải Hậu, từ các xã Hải Triều, Hải Hòa cho đến Thị trấn Thịnh Long (dài khoảng 10km) từ lâu đã có thêm nghề phụ ngoài sản xuất nông nghiệp, diêm nghiệp là đi “nạo”, đi “te” ven bờ biển. Tuy không cần nhiều chi phí đầu tư trang thiết bị đánh bắt hải sản nhưng những người mưu sinh ven bờ lại tốn nhiều công sức, lao động nhọc nhằn, vất vả vì phải dầm nước cả buổi, thậm chí từ sáng đến chiều.
Dầm nước “nạo” ngao
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Bùi Văn Khang, tổ dân phố số 3, Thị trấn Thịnh Long năm nay bước sang tuổi 61 với gần 50 năm đi te xúc tép cho biết: hàng trăm năm nay, nhiều hộ dân nghèo, không có vốn đầu tư lớn để đóng thuyền, thuê “bạn” (lao động) đi đánh bắt hải sản ngoài khơi đã bám biển mưu sinh bằng “nghề dầm nước” từ sớm tinh sương ngoài bờ biển. Đàn ông trai tráng thì đẩy “te”, đi cà kheo xúc tép; phụ nữ yếu đuối nhưng dẻo dai, khéo léo hơn thì đi “nạo”, cào ngao. Để nạo ngao, người dân phải sử dụng loại công cụ tự chế đơn giản gồm một đoạn tre dài khoảng 2,5m, phần gốc chẻ đôi dài khoảng 30cm, dang ra 2 bên để gắn cố định 1 vòng sắt khoảng 30-40cm gọi là lưỡi nạo. Từ mép nước đi ra đến khi ngập ngang bụng là bắt đầu cắm cào vào cát, sao cho lưỡi cào ngập trong cát từ 10-15cm. Hai tay cầm chắc cán cào, người cào ngao đi giật lùi, kéo cào về phía mình. Để giảm sức cản của nước, đỡ phần vất vả, người ta chế thêm một đai lưng làm bằng vải, lưới đeo ngang lưng, có dây buộc vào ngang sào để kết hợp sức của đôi tay và cả thân người khi nạo ngao. Khi nào chạm ngao, cào mắc lại thì dùng chân day xuống vị trí mắc, móc ngao lên bỏ vào túi. Nếu nạo được ngao to thì phải cúi xuống dùng tay hoặc phải ngụp (lặn) xuống, dùng tay bới cát móc ngao lên. Ngao biển có 2 loại là ngao vạng và ngao nứa. Ngao vạng là loại ngao nhỏ, chỉ to bằng ngón tay cái đến chôn chén uống nước và thường có vào mùa hè. Ngao nứa to hơn, thường to bằng miệng chén uống nước trở lên nhưng lại chỉ có khi có gió heo may, trời chuyển rét (tầm tháng 9, tháng 10 trở đi). Ngao có nhiều theo con nước, chỉ những hôm nước ròng (nước cạn) mới nạo được. Vì thế, mỗi tháng những người nạo ngao chỉ được đi biển từ 10-12 buổi, lặn lội dầm nước ngoài biển cả buổi từ sớm tinh sương (có hôm từ 3 giờ sáng) đến khi mặt trời dựng sào đứng bóng (tầm 9-10 giờ) mới lên bờ. Hôm nạo được ít, ngao nhỏ thì mang về nấu canh; hôm được nhiều từ 3-5kg thì lại tất tả mang ra chợ bán cho kịp giờ làm cơm trưa. Ngao vạng có giá khoảng 30 nghìn đồng/kg; ngao nứa thì đắt hơn, từ 55-60 nghìn đồng/kg. Mỗi buổi nạo ngao, với sản lượng bình quân từ 2-3kg, hôm nào nhiều mới được 5-6kg, ngày công của người nạo ngao chỉ khoảng 50-80 nghìn đồng. Tuy nhẹ nhàng hơn xúc tép nhưng không phải nghề cào ngao không vất vả, nặng nhọc. Không chỉ dầm nước cả buổi 4-5 tiếng liên tục, những động tác kéo lưỡi nạo, dùng chân day cát cắp ngao hoặc lặn ngụp móc ngao… đều là những việc vất vả, nặng nhọc mà nếu không có thiên tính nhẫn nại, tỉ mỉ của nữ giới thì không thể đảm đương được. Mùa hè có nắng còn đỡ, mùa đông nước biển lạnh tê người. Nhiều khi cơn buồn ngủ ập đến, hai mắt díu lại vẫn phải hì hục cào cả tiếng, mỏi rã rời chân tay mà chỉ được vài con ngao. Những người cào ngao thường mắc những bệnh mãn tính như: đau nhức xương khớp, tay chân bị cứa đầy sẹo vì nhiều khi dưới lớp cát không phải là con ngao mà các loại vỏ sò, mảnh chai vỡ… Tuy thu nhập chẳng đáng là bao, công việc lại vất vả, nặng nhọc nhưng nhiều người vẫn cố gắng bòn, nhặt để góp thêm một khoản thu nhập trang trải cuộc sống.
Ông Bùi Văn Khang, tổ dân phố số 3, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) chuẩn bị đồ nghề cho buổi mưu sinh trên bãi biển. |
Đi kheo xúc tép
“Nạo ngao là việc của phụ nữ, còn đàn ông nếu không đi “bạn” theo thuyền cưỡi sóng lộng khơi thì thường đi đánh te xúc tép”. Đó là nhận định của anh Vũ Văn Nhuận, năm nay 39 tuổi ở tổ dân phố số 1, Thị trấn Thịnh Long, đã có gần 25 năm gắn bó với đôi cà kheo, cặp te và những luồng tép “rầy” (nhiều), “thưa” (ít) ở biển. Theo anh Nhuận, tép biển có quanh năm nhưng “rầy” nhất là vào mùa hè, từ tháng 5 đến tháng 8; mùa đông cũng có nhưng thưa hơn và rét nên ít người chịu được. Nhiều thế hệ mưu sinh đã đúc kết kinh nghiệm, cứ những hôm nào trở trời, biển động hoặc đêm có mưa giông, sấm chớp thì hôm sau tép sẽ “rầy”. Những hôm ấy, biển đông như trẩy hội với hàng trăm tay te tràn ra đánh tép từ lúc trời chưa sáng. Những ngày như thế, hàng trăm người như ông Khang, anh Nhuận thường phải chuẩn bị từ chiều hôm trước. Đồ nghề để đi te đơn giản, giá thành chỉ khoảng trên dưới 1 triệu đồng, bằng khoảng một phần 40 của chiếc “mủng” nên hầu như nhà nào cũng có một hai bộ gồm: đôi cà kheo, cặp te, cái “lủng”… Nghe thì tưởng đơn giản nhưng tận thấy mới nể. Te là cặp tre đực thẳng, dài khoảng 2,8-3m, to bằng cổ tay, thường được ví là hai cánh tay nối dài. Te được mắc tấm lưới dệt dầy dài khoảng 3,5m, rộng khoảng 3m. Hai đầu te được cố định bằng một thanh tre dài khoảng 2,5m gọi là cái “đập”. Một bộ phận quan trọng nữa là cặp cà kheo cũng làm từ tre đực, dài từ 6 đến 12 gang tay người lớn (khoảng 1,2 đến 2,5m), phía trên có gắn cố định miếng gỗ để làm chỗ đặt chân. Còn cái “lổng” là dụng cụ để đựng tép bằng lưới dầy, buộc túm 1 đầu, gắn thêm 1 cái phao bằng xốp (to bằng quả dưa hấu) để đựng tép. “Lổng” được kéo theo phía sau người bằng một sợi dây thắt ngang lưng, phao có tác dụng giữ “lổng” lơ lửng không chạm mặt cát để giảm độ nặng khi đẩy te. Người đánh te thường bắt đầu công việc từ 4-5 giờ sáng, ra đến biển, lắp kheo vào và lội đến khi nước ngập ngang bụng bắt đầu dang hai tay te cắm xuống nước đẩy. Cứ thế đẩy được khoảng 30-40m thì nhấc te cho tép trong lưới dồn xuống phía bụng, bỏ vào “lổng” sau lưng và tiếp tục hành trình. Những hôm “rầy” tép, chỉ đẩy khoảng 1 tiếng đã được một mẻ 60-70kg, phải lên bờ để trút tép ra và xuống biển đánh tiếp. Những hôm ấy, người có kinh nghiệm lâu năm như ông Khang, anh Nhuận phải đánh được từ 2-3 tạ tép; người nhà phải mang cơm ra tận chân đê, xong 2-3 mẻ tép tranh thủ dằn bụng lưng cơm nóng cho lại sức, uống hớp nước vối rồi lại xuống dầm nước. Còn những hôm thưa tép, có khi đẩy đi đẩy lại dọc bãi biển từ 4-5 tiếng mới được 30-40kg, chưa kể đến việc không thuận nước, không đẩy ngược về bãi được mà phải lên đê (cách bãi 5-7 thậm chí 10km) rồi gọi vợ con mang xe máy hoặc gánh tép về. Tép đánh dưới bãi lên được bán ngay cho các cơ sở chế biến nước mắm, mắm tôm trong vùng với giá chỉ khoảng 5-6 nghìn đồng/kg. Nếu hôm tép “rầy”, các cơ sở không mua hết thì phải mang ra chợ bán lẻ hoặc phơi làm tép khô. Nếu tép to thì cứ 10 cân tươi được 2-2,5kg khô; nếu tép nhỏ thì hao hơn, 10kg tươi chỉ được 1,5-2kg tép khô. Vì thế, tép khô có giá dao động từ 40-50 nghìn đồng/kg.
Chưa có thống kê cụ thể có tổng số bao nhiêu người ở vùng biển Thịnh Long, Hải Hòa, Hải Triều… thường mưu sinh bên bờ biển bằng nghề đi te, đi nạo. Khác với những nghề khác, đi te, đi nạo là nghề phụ, người làm có thể là nông dân, diêm dân hoặc cả ngư dân trong những hôm thuyền, mủng nằm bãi. Từ bao đời nay, những người dầm nước mưu sinh bằng nghề đi nạo, đánh te ở bờ biển rất vất vả, cực nhọc, đổi bát mồ hôi lấy những sản vật của biển vừa làm phương kế sinh nhai vừa góp phần tạo nên nét đặc trưng riêng có của vùng biển này./.
Bài và ảnh: Thành Trung