Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, đông trùng hạ thảo là loại nấm dược liệu vô cùng quý hiếm, chỉ sống được trên các vùng núi cao ở dãy Himalaya thuộc Tây Tạng, Vân Nam, Cam Túc (Trung Quốc), Nepal…, có khả năng bồi bổ và tăng cường sức khỏe, khả năng miễn dịch và hầu như không có tác dụng phụ đối với cơ thể người sử dụng bởi nấm có sự cân bằng tuyệt vời giữa âm và dương. Tuy nhiên, đông trùng hạ thảo tự nhiên có giá thành rất cao (khoảng từ 1-1,8 tỷ đồng/kg khô) khiến người tiêu dùng khó có cơ hội sử dụng. Trên thị trường Việt Nam có bán nhiều loại nấm đông trùng hạ thảo được nhập ngoại, không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng với giá bán quá cao, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng. Xác định rõ tầm quan trọng của nấm đông trùng hạ thảo và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng nhiều của người dân, một số ít cơ sở nghiên cứu ở Việt Nam đã triển khai nghiên cứu thành công công nghệ nhân giống và nuôi thương phẩm nấm đông trùng hạ thảo nhân tạo. Tuy nhiên, điều kiện, quy trình để làm ra sản phẩm này khá phức tạp, đòi hỏi phải có sự đầu tư kỹ lưỡng về công nghệ.
|
Cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN kiểm tra chất lượng nấm đông trùng hạ thảo nuôi cấy nhân tạo. |
Được tiếp nhận công nghệ do Viện Công nghệ di truyền học (Bộ NN và PTNT) chuyển giao, cuối năm 2015, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN) đã ứng dụng và nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo nhân tạo trong điều kiện thực tế tại địa phương. Bắt tay vào nghiên cứu sản xuất thử nghiệm, nấm đông trùng hạ thảo nhân tạo được trồng cấy trên nguyên liệu chính là nhộng tằm, gạo, ngô và dinh dưỡng hữu cơ bổ sung. Nhộng tằm dùng để sản xuất nấm đông trùng hạ thảo nhân tạo phải còn sống, tiêu chuẩn tốt mới đáp ứng được yêu cầu. Sau khi mua về cắt vỏ kén lấy nhộng rồi nghiền nhộng pha với nước sau đó đổ vào các lọ có chứa một ít gạo lứt, ngô rồi mang đi hấp khử trùng ở nhiệt độ 121 độ C trong vòng 30 phút. Bước tiếp theo là cấy giống nấm vào lọ rồi chuyển vào phòng nuôi cấy. Các yếu tố không khí, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, trong phòng nuôi đều được điều khiển hoàn toàn bằng hệ thống tự động khép kín theo chương trình đã được cài đặt sẵn sao cho gần nhất với môi trường tự nhiên như ở Tây Tạng (khoảng -2 độ C). Nhân viên theo dõi, chăm sóc ra vào nhà trồng nấm theo đúng quy trình để đảm bảo tiệt trùng tuyệt đối. Sau 60-70 ngày nuôi dưỡng, nấm đông trùng hạ thảo nhân tạo sẽ cho thu hoạch. Với cách làm nghiêm túc và đầu tư bài bản, ngay trong lần thử nghiệm đầu tiên, nấm đông trùng hạ thảo nhân tạo đã cho thu hoạch. Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo nhân tạo phát triển đều, đẹp, có màu vàng sậm, kích thước chiều dài đạt 6-10cm. Sản phẩm gửi đi kiểm nghiệm tại Cty CP Nam Dược đạt chất lượng, hàm lượng dược chất tương đương với các sản phẩm hiện có trên thị trường. Trong đó hai dược chất cơ bản là Cordycepin (phòng chống u xơ, tiền ung thư) và Adenosin (điều trị tim mạch) cùng 17 axit amin quý hiếm khác đều đạt tỷ lệ cao. Hiện tại sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo nhân tạo dự kiến đưa ra thị trường với giá bán rẻ hơn 10 lần so với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản (giá nấm đông trùng hạ thảo nhân tạo nhập khẩu khoảng 1-1,2 tỷ đồng/kg) trong khi giá trị dược liệu là tương đương nhau.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN cho biết: Là một đơn vị sự nghiệp có thu, hiện Trung tâm đang nỗ lực thương mại hóa sản phẩm, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp có đủ năng lực để tiếp tục tối ưu hóa quy trình công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất và đa dạng hóa các sản phẩm được chế biến từ nấm đông trùng hạ thảo nhân tạo để tăng hiệu quả và tính năng sử dụng. Bên cạnh đó Trung tâm sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để mở rộng sản xuất, cung ứng sản phẩm ở mức giá hợp lý nhất và giúp người tiêu dùng có thêm cơ hội sử dụng dược liệu quý giá này, đáp ứng mục tiêu nâng cao sức khoẻ cộng đồng.
Việc nghiên cứu thành công quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo nhân tạo có ý nghĩa quan trọng cho việc áp dụng công nghệ sinh học trong việc nuôi trồng nấm, tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao. Đồng thời mở ra một hướng sản xuất mới, tạo việc làm, thu nhập cho người dân ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Tuy nhiên để sản xuất thành công nấm đông trùng hạ thảo nhân tạo trên diện rộng, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN rất cần sự hỗ trợ của Sở KH và CN, các ngành chức năng trong việc tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân; hỗ trợ kinh phí để người dân đầu tư cơ sở vật chất phục vụ sản xuất và tìm kiếm đầu mối tiêu thụ, ổn định thị trường khi sản phẩm được sản xuất ra với khối lượng lớn./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Hương