Nghề kết hạt cườm của phụ nữ xã Yên Phú

07:07, 30/07/2016

Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm về xóm Ba Trại, xã Yên Phú (Ý Yên), hỏi thăm nhà chị Phạm Thị Liên làm nghề kết hạt cườm gỗ đúng lúc chị đang giao hàng cho một bác cùng xóm mang về hoàn thiện sản phẩm. Vừa trông cậu con trai mới 9 tháng tuổi, chị Liên vừa thoăn thoắt xâu những hạt cườm gỗ thành từng tấm theo kích thước định sẵn và hướng dẫn con gái cùng làm. Dưới bàn tay khéo léo của chị, những hạt cườm gỗ vàng nâu màu cánh gián được xâu chuỗi bằng cước trắng dần gắn kết với nhau, tạo thành những chiếc đệm ngồi và “áo” bọc ghế ô tô đẹp mắt. Bác hàng xóm xởi lởi khoe, nhờ chị Liên mang nghề mới về mà các chị em trong xóm và những người già như chúng tôi vẫn có thể làm để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống hằng ngày. Trong câu chuyện, chị Liên kể về quá trình đi tìm nghề mới. Cách đây vài tháng, một người anh con bác của chị từ Phủ Lý (Hà Nam) xuống nhà chị chơi. Thấy chị mới sinh con vẫn ngồi cặm cụi xâu hạt cườm nhỏ li ti trang trí lên áo để có thêm tiền lo cho 2 con đang tuổi ăn học, anh liền giới thiệu cho chị nghề kết hạt cườm gỗ. Hai vợ chồng chị chở nhau đi lên Phủ Lý để học nghề.

Nghề kết hạt cườm gỗ thành áo bọc ghế ô tô giúp nhiều phụ nữ xã  Yên Phú có thêm thu nhập.
Nghề kết hạt cườm gỗ thành áo bọc ghế ô tô giúp nhiều phụ nữ xã Yên Phú có thêm thu nhập.

Hạt cườm gỗ được mua từ Bắc Ninh về và sản phẩm làm ra đã có người anh lo nên chị yên tâm làm nghề mới. Cũng như nhiều phụ nữ trong xã, chị em ở xóm Ba Trại của chị còn thiếu việc làm thêm lúc nông nhàn, nhất là những người không đủ sức khỏe đi làm ăn xa, phụ nữ có con nhỏ và đối tượng phụ nữ trung tuổi, cao tuổi. Ngày ngày, thấy chị ngồi xâu hạt cườm gỗ trước cửa nhà, các bà, các chị đi qua thấy hay liền ghé vào chơi, xem chị làm. Nhiều người thích, được chị dạy cho đã học thành nghề, tự mang hàng về nhà làm. Lúc cao điểm, có tới hàng chục các bà, các chị trong xóm và các xóm khác đến học cách làm. Nghề kết hạt cườm gỗ làm đệm ngồi và “áo” bọc ghế ô tô rất đơn giản, từ người già đến trẻ em đều có thể làm. Khó nhất là những chỗ quấn, chiết góc phải xiết chặt tay để “tấm áo” cân đối, các hạt cườm được kết đều tăm tắp, cho ra một sản phẩm hài lòng khách hàng. Người làm nhanh có thể làm tới 4 sản phẩm/ngày cho thu nhập gần 100 nghìn đồng, người làm chậm cũng được khoảng 40 nghìn đồng/ngày, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình. Bên cạnh nghề kết hạt cườm gỗ, nghề kết hạt cườm thành các sản phẩm trang trí trên áo để xuất khẩu thời gian qua cũng đã tạo việc làm phù hợp cho nhiều đối tượng phụ nữ trong xã bởi công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và chăm chỉ. Chị Nguyễn Thị Thảo ở xóm Phú Ninh cho biết: Từ đầu năm 2014, chị và nhiều phụ nữ khác trong huyện được tham gia lớp học nghề kết hạt cườm thành các hoa văn trang trí áo dài do Hội LHPN huyện tổ chức. Sau khi học nghề thành công, chị nhận các mẫu hàng về, bắt tay vào làm và dạy nghề cho nhiều chị em trong xã. Dưới bàn tay tần tảo của các chị, những hạt cườm nhỏ xíu được kết thành những dây hoa văn trang trí mang lại hình ảnh đẹp mắt, đường nét tinh tế, tạo điểm nhấn cho trang phục. Công việc kết hạt cườm hoa văn trang trí áo dài theo mẫu có sẵn học nhanh, lại dễ làm nên thu hút từ trẻ em, học sinh, sinh viên về quê nghỉ hè đến các bác, các bà là phụ nữ độ tuổi 60, 70. Lúc cao điểm nhất vào các năm 2014, 2015 có tới 150-200 người làm nghề. Trung bình mỗi ngày, một người làm được 1 dây cườm được trả 40 nghìn đồng tiền công. Mặc dù số tiền còn ít ỏi nhưng đã giúp nhiều phụ nữ có thêm thu nhập, giảm bớt gánh nặng chi tiêu trong gia đình. Đặc biệt, nghề này phù hợp với phụ nữ trung tuổi, cao tuổi vì vừa có thể nhận hàng về làm tại nhà, vừa tranh thủ trông cháu, cơm nước, làm việc vặt trong gia đình.

Xã Yên Phú là vùng quê thuần nông, nghề phụ ít phát triển nên những lúc nông nhàn, người dân nói chung, phụ nữ nói riêng vẫn phải bươn chải đi làm ăn xa. Ngoài bộ phận lao động trẻ đi làm tại các Cty, nhà máy ở các khu, CCN, vẫn còn không ít phụ nữ đang trong giai đoạn nuôi con nhỏ, phụ nữ cao tuổi, sức khỏe kém không có việc làm thêm phù hợp. Năm 2014, xã được cử một phụ nữ đi học nghề kết hạt cườm do Hội Phụ nữ huyện tổ chức, từ đó phát triển mở rộng nghề cho nhiều phụ nữ khác. Ngoài ra, một số chị em năng động cũng đã tìm thêm những nghề mới về địa phương. Thời gian tới, để thu hút, tập hợp hội viên phụ nữ, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện cho phụ nữ vay vốn, phát triển kinh tế gia đình, các cấp Hội Phụ nữ cần phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục tạo việc làm, đào tạo nghề phù hợp, giúp chị em có nguồn thu nhập ổn định, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com