Tính đến hết tháng 6-2016, tổng dư nợ cho vay các chương trình của Ngân hàng CSXH tỉnh đạt 2.282,3 tỷ đồng, tăng 62,7 tỷ đồng so với đầu năm, tăng 137,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước và đạt 99,8% kế hoạch dư nợ năm. Hiện có 105 nghìn 435 hộ gia đình đang còn vay vốn. Tuy nhiên, số nợ quá hạn trong toàn tỉnh là gần 4 tỷ 228 triệu đồng, chiếm 0,19% tổng dư nợ, so với đầu năm tăng 296,4 triệu đồng (tỷ lệ tăng 7,78%). Mặc dù tỷ lệ nợ quá hạn vẫn ở mức cho phép song đang có xu hướng gia tăng ở một số địa bàn như: Thành phố Nam Định tăng 91,2 triệu đồng, huyện Giao Thủy tăng 94,4 triệu đồng, Vụ Bản tăng 66,4 triệu đồng, Hải Hậu tăng 55 triệu đồng, Nam Trực tăng 45 triệu đồng… Trong 9 chương trình Ngân hàng CSXH tỉnh đang triển khai cho vay thì cho vay học sinh, sinh viên là một trong những chương trình có dư nợ lớn, sinh viên ra trường ngày càng nhiều và đã đến thời điểm thu hồi nợ, song nhiều em chưa tìm được việc làm, không có thu nhập, trong khi gia đình khó khăn, nhất là những gia đình vay vốn cho nhiều sinh viên đi học, món vay lớn không có khả năng trả nợ, lãi tồn đọng cao. Đối với các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, mức vay cao nên khi chuyển nợ quá hạn thường là món vay lớn.
|
Cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu đối chiếu dư nợ của các hộ vay để đôn đốc, nhắc nhở các hộ vay thực hiện trả tiền gốc, tiền lãi đúng thời hạn quy định. |
Trước thực trạng trên, Ban Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố tập trung nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; thành lập Ban chỉ đạo nâng cao chất lượng tín dụng và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách, cùng Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố xử lý nợ quá hạn và báo cáo Ban Giám đốc trong kỳ giao ban hằng tháng. Theo đó, các xã, thị trấn có tỷ lệ nợ quá hạn trên 1% phải xây dựng phương án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; giám đốc Ngân hàng CSXH các huyện phải chủ động xây dựng phương án đối với các xã, thị trấn có chất lượng tín dụng chính sách xu hướng giảm thấp, lãi tồn đọng cao. Tổ chức rà soát các xã, thị trấn có tỷ lệ nợ quá hạn từ 0,5% trở lên, phân tích nguyên nhân nợ quá hạn đối với từng món nợ quá hạn, đánh giá khả năng thu hồi và phân loại theo nhóm, theo thời gian để có biện pháp xử lý phù hợp. Bên cạnh việc xử lý món nợ quá hạn mới phát sinh, tập trung rà soát lại toàn bộ các món vay nợ quá hạn lâu ngày. Đối với các hộ vay có điều kiện trả nợ nhưng cố tình chây ỳ không trả, Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố tiến hành rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Cùng với các biện pháp chỉ đạo nội ngành, Ngân hàng CSXH tỉnh cũng có văn bản gửi các hội, đoàn thể nhận ủy thác phối hợp với Ban chỉ đạo nâng cao chất lượng tín dụng của Ngân hàng CSXH tỉnh thành lập đoàn xử lý nợ theo danh sách các món vay. Đối với các hộ vay có dư nợ lớn, Ngân hàng CSXH tỉnh cùng với các hội, đoàn thể vận động hộ vay thực hiện tốt trả nợ phân kỳ và trong thời gian gia hạn động viên hộ vay trả dần hằng tháng. Hằng tháng tổ chức phân tích nguyên nhân nợ quá hạn đối với từng món vay của từng địa phương, danh sách các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) có tỷ lệ nợ quá hạn trên 2% chuyển cho các hội, đoàn thể để phối hợp chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở. Tại hội nghị giao ban định kỳ, Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố và hội, đoàn thể nhận ủy thác cùng phối hợp đánh giá kết quả thực hiện từng nhiệm vụ, trao đổi, phản ánh những hạn chế yếu kém, tồn tại sai sót phát hiện qua quá trình kiểm tra, từ đó bàn giải pháp khắc phục, chỉnh sửa kịp thời. Sau hội nghị, ngoài thông báo kết quả họp, các hội, đoàn thể phải có văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh đến hội, đoàn thể cơ sở. Ngân hàng CSXH các huyện thực hiện thông báo nợ đến hạn sớm cho hộ vay để hộ vay có kế hoạch trả nợ khi đến hạn; phối hợp với hội, đoàn thể chỉ đạo hội, đoàn thể cấp xã tích cực tham gia vào hoạt động giao dịch tại điểm giao dịch xã theo hợp đồng ủy thác đã ký để qua đó hội, đoàn thể nắm bắt được hoạt động của các tổ TK và VV, tình hình trả nợ gốc, lãi của hộ vay ngay tại buổi giao dịch để đôn đốc, xử lý kịp thời. Thường xuyên củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ TK và VV; tổ chức rà soát các tổ TK và VV có số thành viên thấp, thực hiện chấm điểm, đánh giá chất lượng hoạt động của tổ TK và VV; hằng tháng có phương án củng cố các tổ yếu, trung bình gửi tới hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp huyện, xã và UBND các xã, phường, thị trấn để phối hợp chỉ đạo. Xây dựng kế hoạch củng cố, kiện toàn nhằm nâng cao năng lực hoạt động cho tổ TK và VV. Trong 6 tháng đầu năm 2016 toàn tỉnh đã thực hiện sáp nhập, kiện toàn được 30 tổ TK và VV có số thành viên thấp, củng cố 11 tổ yếu, 22 tổ trung bình.
Phát động phong trào thi đua xã, phường, thị trấn, các hội, đoàn thể, cán bộ tín dụng không có nợ quá hạn. Ngoài ra, Ngân hàng CSXH tỉnh cũng chỉ đạo các Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố phân công cán bộ tham gia sinh hoạt cùng tổ TK và VV để tuyên truyền đến tổ viên các chủ trương, chính sách tín dụng mới của Đảng, Chính phủ cũng như các chế độ, quyền lợi và trách nhiệm của tổ viên nhằm nâng cao ý thức của tổ viên trong việc vay vốn, sử dụng vốn bảo đảm đúng mục đích xin vay và trả nợ gốc, lãi đầy đủ, đúng hạn; phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, tổ TK và VV rà soát các hộ vay vốn bỏ đi khỏi nơi cư trú, thu thập thông tin để liên hệ đôn đốc hộ vay trả nợ. Thường xuyên động viên các hộ vay tham gia gửi tiền tiết kiệm hằng tháng nhằm không chỉ tạo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách có thói quen tiết kiệm, tạo lập nguồn vốn tự có mà còn góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách và hoạt động của tổ TK và VV.
Hy vọng rằng, với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trên, chất lượng tín dụng chính sách sẽ tiếp tục có sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới, góp phần giúp các đối tượng được thụ hưởng nguồn vay vốn ưu đãi sẽ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, đồng thời bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước./.
Bài và ảnh:
Văn Đại