Nam Trực đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông

04:07, 09/07/2016

Những năm qua, huyện Nam Trực ưu tiên, tập trung tối đa các nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông. Đến nay, nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện được nâng cấp, cải tạo, hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

Để phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, cấp ủy, chính quyền huyện Nam Trực đã tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, tập trung huy động nhân dân chung sức xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ban Chỉ đạo Phát triển giao thông và Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn xác định công tác tuyên truyền là “khâu đột phá” để nâng cao trách nhiệm, nhận thức cho cán bộ và nhân dân, xác định được ý nghĩa của việc xây dựng hạ tầng giao thông phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời giao các phòng chuyên môn hướng dẫn UBND các xã, thị trấn lập dự toán, thiết kế và các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhất là đối với các dự án quy hoạch khu đất đấu giá quyền sử dụng đất để các địa phương có vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có làm đường GTNT và giao thông nội đồng (GTNĐ). Các tuyến đường khi triển khai xây dựng đảm bảo quy mô mặt đường theo quy định, việc tổ chức thi công đảm bảo nguồn vốn và thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản. UBND huyện và xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa thiết thực của làm đường giao thông trên bản tin, hệ thống đài phát thanh, truyền thanh của huyện, xã và các thôn, xóm để nhân dân biết, tham gia làm đường GTNT và GTNĐ. Thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và sử dụng”, cùng với những cơ chế hỗ trợ của tỉnh trong phát triển GTNT, GTNĐ đã có tác dụng “kích cầu” cho xã huy động khai thác các nguồn vốn khác để xây dựng các tuyến giao thông. Nhân dân đồng thuận, nhất trí cao, tham gia đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau: Từ tiền mặt, vật tư đến ngày công và hiến đất làm đường. Thực tế, tại xã Nam Thái, xác định tiêu chí giao thông có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân thấy được tầm quan trọng của công tác này là mang lại lợi ích cho nhân dân. Bên cạnh đó, việc huy động đóng góp từ nguồn xã hội hóa trong phong trào làm đường GTNT và GTNĐ được công khai, minh bạch; nhân dân được tham gia giám sát, kiểm tra trong quá trình thi công; từ đó, đồng lòng, hưởng ứng, tự nguyện đóng góp sức người, sức của, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường. Trong 5 năm qua, xã Nam Thái đã làm mới 2,3km đường liên xã Tiến - Thái với tổng kinh phí xấp xỉ 10 tỷ đồng; làm mới 6,9km đường trục xã, liên thôn (trong đó đường nhựa: 3,3km; đường bê tông liên thôn: 3,6km) với kinh phí 6,6 tỷ đồng. Cải tạo, nâng cấp và làm mới 29,5km đường bê tông dong xóm với tổng kinh phí 8,6 tỷ đồng. Hệ thống GTNT được cải tạo, nâng cấp đã góp phần thúc đẩy phát triển các hoạt động sản xuất, tăng giá trị thu nhập, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần cho bà con nhân dân.

Thi công đường giao thông tại địa phận xã Hồng Quang.
Thi công đường giao thông tại địa phận xã Hồng Quang.

Đối với xóm Hoa Sinh 6, xã Nam Hoa, từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã đã thực hiện nhiều biện pháp đẩy mạnh phong trào xây dựng đường GTNT, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội. Với nguồn lực chủ yếu dựa vào sức dân, xã Nam Hoa đã tuyên truyền đến từng người dân về ý nghĩa và mục đích xây dựng NTM, từ đó chủ động đóng góp tiền bạc, công sức vì mục đích chung. Cán bộ, nhân dân trong xã và con em quê hương đang làm ăn xa đã đóng góp bằng nhiều hình thức như: hiến đất, tiền mặt, ngày công, vật liệu... để hoàn thành việc nâng cấp hệ thống giao thông của xã. Đến nay, xóm Hoa Sinh 6 đã cải tạo, nâng cấp 1,1km đường trục thôn và 1,3km trục xóm với tổng kinh phí thực hiện 1 tỷ 450 triệu đồng, trong đó xã hỗ trợ 140 triệu đồng, còn lại do nhân dân và vận động con em xa quê đóng góp. Đến nay, toàn huyện đã có 3 xã được công nhận NTM năm 2016 và 7 xã dự kiến đạt NTM năm 2017 đã cơ bản đạt chuẩn hệ thống giao thông đường trục xã, giao thông các khu dân cư. Các xã còn lại đã và đang được tập trung nâng cấp, cải tạo, cứng hóa đường giao thông. Hệ thống giao thông nội đồng tại các xã, thị trấn đã cơ bản được quy hoạch, hình thành tuyến, đắp ấp trúc nền đường khi quy hoạch NTM và thực hiện dồn điền đổi thửa; nhiều nơi đã và đang được cứng hóa theo tiêu chí NTM, góp phần thúc đẩy việc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Những năm qua toàn huyện đã có 3/7 tuyến giao thông trục huyện đã được nâng cấp cải tạo, gồm: Quốc lộ 21, tỉnh lộ 490C, đường Vàng (huyện lộ) quy mô cấp II, cấp III, cấp IV đồng bằng. 3 tuyến đường S2 đoạn đường nối cầu Tân Phong, tỉnh lộ 488, 487 đang được đầu tư, cải tạo nâng cấp quy mô cấp III, cấp IV đồng bằng, dự kiến hoàn thành trong năm 2016, 2017. Tại 4 tuyến đường giao thông liên xã do huyện quản lý (chạy qua tối thiểu từ 3 xã trở lên), hiện đường Nam Ninh Hải đã cơ bản đảm bảo chất lượng quy mô cấp V đồng bằng; đường Hoa Lợi Hải đang được cải tạo, nâng cấp quy mô cấp V đồng bằng, dự kiến hoàn thành trong năm 2016, 2017.

Để đáp ứng nhu cầu giao thông đang tăng mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện đặt mục tiêu tập trung đầu tư cải tạo nâng cấp những tuyến đường huyện và xã quản lý đã xuống cấp, nhiều năm chưa được đầu tư cải tạo. Phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xây dựng hệ thống giao thông trục huyện quy mô cấp IV đồng bằng và các tuyến đường liên xã theo quy mô cấp V đồng bằng. Đầu tư cải tạo, nâng cấp đường trục xã, đường thôn xóm và tối thiểu 50% đường trục chính nội đồng đạt và cơ bản đạt tiêu chí NTM. Trong đó, ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường Trắng đạt quy mô đường cấp IV đồng bằng, có sự điều chỉnh tuyến đoạn qua khu vực làng Tây Lạc, xã Đồng Sơn cho phù hợp, chuyển tuyến cũ thành đường giao thông nội bộ xã. Đây là đường trục ngang huyện đi qua các khu vực tập trung đông dân cư, kết nối các tuyến đường quan trọng: Quốc lộ 21, tỉnh lộ 490C, tỉnh lộ 488 và 2 đường liên xã Nam Ninh Hải, đường Hoa Lợi Hải qua địa phận 4 xã Nam Hồng, Nam Hoa, Bình Minh, Đồng Sơn. Giai đoạn 2016-2020, phấn đấu cơ bản hoàn thành đầu tư, nâng cấp các tuyến đường liên xã theo quy mô cấp V đồng bằng, gồm các đường: An Thắng, Bình Sơn, Hoa Lợi Hải. Đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng các tuyến đường trục xã, đường giao thông thôn xóm, đường nội đồng ở các xã, thị trấn đạt tiêu chí NTM theo Đề án và quy hoạch xây dựng NTM của xã, thị trấn. Để đạt mục tiêu đề ra, hiện nay huyện đang tập trung rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch hệ thống giao thông của địa phương trên cơ sở quy hoạch hệ thống giao thông của tỉnh, quy hoạch kinh tế - xã hội của huyện đã được phê duyệt gắn với Quy hoạch xây dựng NTM, đảm bảo yêu cầu phát triển ở địa phương và sự đồng bộ, kết nối giữa các tuyến giao thông của xã, thị trấn với hệ thống giao thông chung của huyện, tỉnh qua địa bàn. Hoàn thiện và công khai quy định về phân cấp quản lý đầu tư, phân bổ nguồn vốn các tuyến giao thông thuộc địa phương quản lý, để đề cao trách nhiệm, tạo sự chủ động, tích cực của chính quyền các cấp, cộng đồng dân cư ở các thôn, xóm trong đầu tư xây dựng giao thông, theo hướng: Đường huyện lộ, đường liên xã được đầu tư bằng nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh theo chương trình mục tiêu và ngân sách huyện để xây dựng phần nền đường, mặt đường, các công trình ngang tuyến; các xã, thị trấn chịu trách nhiệm công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư hệ thống rãnh thoát nước dọc theo cơ chế xây dựng NTM. Đường trục xã, đường liên thôn được đầu tư bằng nguồn vốn từ chương trình - mục tiêu của ngân sách cấp trên (nếu có), ngân sách xã và huy động đóng góp của nhân dân để xây dựng. Tùy theo tình hình và yêu cầu cụ thể về nguồn vốn, huyện sẽ hỗ trợ đối với từng dự án và công tác duy tu các tuyến đường nối 2 xã có kết nối với Quốc lộ, tỉnh lộ như: Đường Tiến Thái, đường Mỹ Điền, đường An Quang, đường Thanh Khê... Đường giao thông các khu dân cư, đường nội đồng do các thôn, xóm huy động các nguồn đóng góp, xã hội hoá theo quy chế dân chủ cơ sở là chủ yếu. Ngân sách xã có thể hỗ trợ theo yêu cầu, khả năng thực tế, vốn chương trình xây dựng NTM và kinh phí hỗ trợ đất trồng lúa theo Nghị định 35/2015 của Chính phủ. Nguồn vốn đầu tư của xã và huyện sau khi đã phân bổ cho việc nâng cấp cơ sở trường lớp theo Quy định của tỉnh, của huyện được ưu tiên trước hết cho đầu tư hệ thống giao thông theo phân cấp đầu tư đảm bảo phù hợp với kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng chung của địa phương, phấn đấu mỗi năm dành ngân sách tiết kiệm chi thường xuyên của huyện, mức tối thiểu bằng 50% dự phòng ngân sách để chi đầu tư giao thông, đồng thời tích cực khai thác các nguồn vốn phục vụ cho đầu tư hệ thống giao thông./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com