Mỹ Tiến khai thác tiềm năng đất đai để phát triển sản xuất

07:07, 29/07/2016
Xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) xưa kia có nghề truyền thống sản xuất cân tiểu ly, quản bút, thước thợ… nên đời sống nhân dân sung túc. Trong thời kỳ kinh tế thị trường, những sản phẩm này không còn thịnh hành, làng nghề bị xóa bỏ, cuộc sống người dân lại trông chờ vào đồng đất quê hương. Tuy nhiên, đồng ruộng của xã Mỹ Tiến vốn cốt đất không đều, khó canh tác; trong đó có khoảng 50ha đất thùng đào thùng đấu canh tác không hiệu quả. Để giúp người dân phát triển sản xuất, Đảng ủy, UBND xã Mỹ Tiến đã tập trung quy hoạch lại ruộng đất, khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác để khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai.
Chăm bón cây bưởi da xanh tại trang trại của gia đình bác Trần Văn Ấp thôn La Chợ, xã Mỹ Tiến.
Chăm bón cây bưởi da xanh tại trang trại của gia đình bác Trần Văn Ấp thôn La Chợ, xã Mỹ Tiến.
Xã Mỹ Tiến đã tập trung dồn đổi ruộng đất, quy hoạch đồng ruộng thành từng vùng canh tác phù hợp để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Theo đó xã đã quy hoạch đất canh tác thành 3 vùng chính gồm vùng trồng rau màu, vùng canh tác lúa hàng hóa và vùng phát triển kinh tế trang trại. Trong đó vùng phát triển kinh tế trang trại được hình thành trên cơ sở dồn hết diện tích đất công ích, đất canh tác lúa kém hiệu quả vào một khu vực riêng, tách biệt với khu dân cư sinh sống để người dân đầu tư chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mà không lo ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt của người dân. Ở mỗi vùng sản xuất đều được đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi, đường giao thông nội đồng… đảm bảo tưới tiêu đồng bộ, thuận lợi cho ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản ngay tại chân ruộng. Năm 2015, xã tổ chức làm thủy lợi nội đồng với tổng khối lượng đào đắp là 3.550m 3 đất và xây đúc kênh mương với tổng trị giá gần 140 triệu đồng. Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, xã mở các lớp dạy nghề phổ biến kiến thức kỹ thuật nông nghiệp cho nhân dân để nâng cao trình độ thâm canh. Đồng thời phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện, Trạm khuyến nông và các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật tư nông nghiệp, cây con giống xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật để người dân tham quan, học tập và ứng dụng vào sản xuất. Trung bình mỗi năm, hàng nghìn lượt người dân được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật liên quan đến thế mạnh sản xuất của mình như: Canh tác lúa theo quy trình VietGAP, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi an toàn, sử dụng chế phẩm sinh học cho cây màu vụ đông… Qua đó người dân đã có điều kiện tiếp cận những kỹ thuật mới trong thâm canh, nuôi trồng để áp dụng vào thực tế sản xuất. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới đã được người dân áp dụng vào sản xuất đại trà ở địa phương như: sử dụng phân bón hữu cơ cho cây trồng, canh tác lúa theo phương pháp cải tiến, chăn nuôi an toàn sinh học. Trên cơ sở được tập huấn kỹ thuật, có mô hình sản xuất phù hợp, UBND xã tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn mở rộng sản xuất. Hiện tại trên địa bàn xã có 871 hộ dân được vay vốn từ các kênh Ngân hàng NN và PTNT và Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ vốn vay phát triển sản xuất đạt gần 33 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ, khuyến khích kịp thời của UBND xã, đến nay trên địa bàn xã đã hình thành 66 gia trại, 14 trang trại đạt các tiêu chí mới của Bộ NN và PTNT, bằng 1/2 tổng số trang trại toàn huyện Mỹ Lộc. Riêng tại vùng đất chuyển đổi đã hình thành 10 trang trại tổng hợp, trang trại trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó trang trại trồng trọt của gia đình bác Trần Văn Ấp, thôn Lang Xá có diện tích 10 mẫu trồng các giống cam Vinh, cam canh, bưởi diễn, bưởi da xanh, nhãn lồng Hưng Yên… Để trồng được những cây ăn quả đặc sản mang tính chất vùng miền này tại đồng đất Mỹ Tiến, bác Ấp đã dày công học hỏi kinh nghiệm từ chính quê hương của các giống đặc sản này. Qua quá trình tìm hiểu, vấn đề mấu chốt bác rút ra là: nếu hiểu đặc tính của từng giống cây, bổ sung đủ dinh dưỡng cho đất thì trồng ở nơi này hay nơi khác sản phẩm cũng đạt đến 80-90% chỉ tiêu chất lượng so với trồng ở vùng đất sinh ra nó. Với nhóm cây ăn quả có múi, đặc tính chung là cần nhiều nước tưới nhưng không để úng lụt và chất đất mùn tơi xốp, đủ lượng dưỡng chất là lân, kali, phân hữu cơ hoai mục để tạo quả chất lượng cao. Trong đó cây cam Vinh ưu tiên trồng ở môi trường nắng, có độ dốc cao hơn so với các cây trồng khác; cây cam canh cần nhiều dinh dưỡng từ đất hoai mục và cây bưởi da xanh thì ưu tiên đất có tầng canh tác dầy để cây hấp thu dưỡng chất từ đất… Từ những kiến thức cơ bản đó, bác Ấp đã áp dụng phương pháp nâng cao tầng đất canh tác cho toàn bộ vườn cây của mình, bố trí hệ thống tưới tiêu hợp lý cho từng khu vực trong vườn và trồng hàng cây bảo vệ bao bọc quanh vườn vừa đảm bảo an toàn, tránh gió tầng thấp. Trong quy trình bón phân, ngoài các kỹ thuật cơ bản, gia đình bác áp dụng công thức nghiền ngô, đỗ tương làm phân hữu cơ bón cho cây vào thời điểm cây ra hoa để giúp cây giữ hoa, tạo quả tốt. Đồng thời canh đến thời điểm quả nhỏ bằng hạt đỗ thì khoanh gốc để cây giữ quả và giành dưỡng chất tạo chất lượng quả… Với cách làm này, hàng chục nghìn gốc cam canh, bưởi diễn, bưởi da xanh của gia đình bác năm nào cũng sai trĩu quả. Thương lái từ khắp mọi nơi trong vùng tìm đến tận vườn để thu mua sản phẩm đặc trưng này. Thu nhập hằng năm của gia đình bác tăng đáng kể, cao hơn gấp nhiều lần so với cấy lúa và còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương. Nhiều người dân quanh vùng đã đến học hỏi kinh nghiệm mở rộng sản xuất từ mô hình trang trại trồng cây đặc sản đầu tiên này. Hiện, trên địa bàn xã Mỹ Tiến đã có thêm 3 hộ dân khác phát triển kinh tế theo mô hình trồng trọt này. Cùng với trang trại trồng trọt của gia đình bác Ấp, các trang trại nuôi trồng thủy sản khác như hộ gia đình bác Trần Ngọc Hiền, Trần Văn Mịch, thôn La Chợ, Trần Văn Nghĩa, thôn Lang Xá, Trần Văn Trung, thôn La Đồng cũng đạt hiệu quả kinh tế cao từ việc khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai và đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào nuôi cá đặc sản và sản xuất con giống. 
 
Khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, đến nay, bình quân thu nhập trên một ha đất canh tác của xã đạt trên 100 triệu đồng; trong đó có 30-40% đất canh tác đạt thu nhập bình quân 150 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã cũng được nâng lên đáng kể. Thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã Mỹ Tiến tiếp tục định hướng nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong các mô hình kinh tế trên địa bàn. Hỗ trợ người dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh việc hình thành mạng lưới cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trên địa bàn./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com