Sau hành trình mải miết qua các huyện Xuân Trường, Trực Ninh rồi chuyển hướng tạo thành ranh giới tự nhiên giữa huyện Hải Hậu với huyện Nghĩa Hưng, sông Ninh Cơ (một phân lưu ở hạ nguồn sông Hồng) hòa với biển ở cửa Lạch Giang. Nơi cửa sông ào ạt sóng vỗ, một bên là các xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng), bên kia là Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), ngày ngày có hàng trăm người tảo tần mưu sinh bằng câu cáy, đánh lú bắt tôm, cá.
Cặm cụi câu cáy
Khoảng chục năm nay, bà Trần Thị Ngắn, năm nay 64 tuổi, ở đội 8, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) cùng nhiều phụ nữ ở đây có thêm nghề phụ là đi câu cáy đá xanh ở dọc các kè đá nơi cửa Lạch Giang. Cứ tầm 5 giờ sáng, bà Ngắn tay xách xô nhựa, tay cầm cần câu tất tả đi bộ sang gọi bà Thoại hàng xóm để đi câu cáy. Mùa câu cáy thường bắt đầu từ cuối tháng 2, đầu tháng 3 âm lịch, khi lúa đã cứng thân đến hết tháng 7. Cần câu đơn giản chỉ là một đoạn cành tre, cành rào dài khoảng 2,5-3m, buộc ở đầu một đoạn dây (thường là dây khâu các bao xi măng) cũng dài bằng cần câu. Câu cáy không cần lưỡi, buộc mồi trực tiếp vào dây, mồi câu thường là cá tươi hoặc con hà biển. Nếu câu bằng mồi cá tươi thì phải dùng dao thái nhỏ bằng nõn rạ; nếu dùng mồi hà thì phải xé nhỏ thành 2-3 phần. Câu cáy bằng mồi hà còn cần một miếng vải màn nhỏ để bọc mồi vì thịt con hà rất nhanh mủn khi ngâm nước. Đầu dây câu còn phải gắn thêm 1 cục chì nhỏ, rỗng giữa để điều chỉnh khoảng cách và giữ mồi không bị cuốn theo dòng nước chảy. Từ nhà ra đến bờ kè khoảng 30 phút thì trời cũng vừa hửng sáng, dọc bờ kè dài hàng cây số đã có người bắt đầu buổi câu. Cáy rất nhát, nhưng lại tham ăn nên muốn câu được chúng phải im lặng, nhẹ nhàng men theo bờ kè, thả mồi vào miệng hang, cáy bò từ trong hang ra quặp lấy mồi. Chỉ cần cáy cắp mồi là nhẹ nhàng nhấc lên, đồng thời tay đưa xô ra, lắc nhẹ cần để cáy buông càng rơi vào trong xô. Buổi câu cáy kéo dài khoảng 3 tiếng, đến tầm 8 rưỡi, nắng lên cáy không ăn mồi nữa thì về. Đấy là những tháng mùa hè, còn đầu mùa cáy, nhiệt độ còn thấp thì lại câu từ đầu giờ chiều đến tối vì khi ấy nắng lên, nước ấm, cáy mới bò ra kiếm ăn. Câu cáy lại phụ thuộc vào con nước (một tháng có 2 con nước, mỗi con nước kéo dài 12 ngày), những người câu “chuyên nghiệp” như bà Ngắn, bà Thoại thường đi câu cáy vào khoảng 10 ngày đầu con nước, nghỉ 2-3 ngày đợi con nước mới rồi lại câu. Cáy ở bờ kè cửa Lạch Giang thường gọi là cáy đá xanh, đào hang sinh sống trong các kẽ đá dọc bờ kè. Những con nước đầu mùa, cáy nhiều, một buổi bà Ngắn câu được từ 2,5 đến 3kg cáy đá; còn những ngày bình thường hoặc cuối con nước chỉ câu được từ 1-1,5kg. Với giá bán từ 45-50 nghìn đồng/kg, mỗi buổi câu cáy cũng mang lại thu nhập từ 80-120 nghìn đồng đủ để phụ giúp trang trải các chi phí phát sinh. Những ngày cuối con nước hoặc trở trời, không câu được cáy đá thì bà Ngắn lại chuyển sang câu cáy đỏ (cáy mật, dùng để làm mắm) ở các vệt đầm, ruộng cói nơi râm mát, có nhiều bóng cây. Cáy đỏ giá thấp hơn từ 25-30 nghìn đồng/kg.
Đánh lú tại khu vực bến phà Phú Lễ, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu). |
Đánh “lú” trên sông
Ngoài câu cáy, nơi cửa Lạch Giang còn có hàng trăm hộ không đủ điều kiện kinh tế để đóng thuyền đi biển, quanh năm mưu sinh bằng nghề đánh bắt tôm, cá ngay cửa sông. Anh Lê Văn Hưng, đội 7, xã Nghĩa Thắng đã 25 năm liên tục gắn bó với nghề đánh cá trên sông cho biết: Không phải chi phí nhiều về thuyền, máy, dụng cụ, nhân công như đi biển; đánh “lú” trên sông chỉ cần một chiếc thuyền nhỏ xi măng cốt thép hoặc thuyền nhựa composite có sức chở tối đa khoảng 800-900kg, chèo tay. Thuyền xi măng cốt thép chỉ khoảng 2 triệu đồng, sử dụng khéo thì được 1 năm; còn thuyền nhựa tổng hợp thì đắt hơn, từ 8-10 triệu đồng nhưng bền hơn, được khoảng 8-10 năm. Ngoài ra, mỗi thuyền phải trang bị từ 80-100 cái “lú” để thả trên cửa sông. “Lú” là loại lưới đánh cá chuyên dụng hình ống vuông, dài khoảng 11 mét, dùng khung bằng sắt gắn lưới dầy, khoảng cách 30cm/khung. Một đầu lú buộc chặt, gắn phao và gắn một cục đá nặng khoảng 1kg; đầu kia để trống cho cá, tôm, cua theo dòng nước vào và cũng gắn đá nhưng nặng hơn, khoảng 4-5kg. Đánh lú cũng phụ thuộc vào thủy triều, lúc triều lên thì thả lú, lúc triều rút thì vớt lú. Có hai thời điểm để thả lú: một là thả từ tầm 8-9 giờ sáng và khoảng 3-4 giờ đêm vớt; hai là thả từ tầm 3-5 giờ chiều và khoảng 7-8 giờ sáng vớt. Đánh lú cửa sông không có mùa, chỉ phải “trông” vào nước triều lên xuống, thả được quanh năm, nhưng mùa hè và mùa thu dễ đánh và bắt được nhiều tôm cá hơn mùa đông và mùa xuân. Trước đây, thường những ngày trở trời, biển động thì phải nghỉ nhưng từ ngày công trình âu thuyền tránh trú bão cửa Lạch Giang hoàn thành thì ngày nào cũng thả được lú. Ngày thường thả lú trên cửa sông, ngày động trời thả lú trong âu thuyền. Mỗi cái lú có giá khoảng 300 nghìn đồng/chiếc; khi thả lú phải có 2 người, một người chèo thuyền, một người thả. Đoạn sông đánh lú dài khoảng 3km, kéo dài từ bến đò Phú Lễ lên đến cửa Lạch Giang, hằng ngày có khoảng trên 100 thuyền của người dân các xã hai bên sông Nghĩa Phong, Nghĩa Thắng, Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) và Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) thường xuyên đánh bắt. Đánh bằng lú có thể khai thác được nhiều loại thủy, hải sản như: cá (bống, chép, rô phi…), cua (cua biển, rạm), tôm… Mỗi chuyến đánh lú bình quân thu được từ 7-10kg tôm, cá các loại; có hôm “trúng” thì nhiều hơn, từ 15-20kg và càng giá trị lớn nếu chuyến ấy được nhiều cua (giá từ 200 nghìn đồng/kg); tôm (từ 80-150 nghìn đồng/kg)…; bình quân mỗi chuyến đánh lú cho thu nhập từ 200-300 nghìn đồng.
Câu cáy hay đánh lú, nghề nào cũng phải tảo tần, vất vả. Câu cáy tuy không tốn nhiều chi phí đầu tư nhưng phải rất khéo léo, tỉ mỉ. Đánh lú thì ngại nhất mùa đông, mấy tiếng đồng hồ phơi mình trong tiết trời rét căm căm, trong người phải nêm nhiều áo ấm, bên ngoài khoác cả áo mưa, riêng đôi tay thì suốt buổi phải ngâm nước, hóng gió sông. Thả lú còn đỡ, khi vớt lú mới cực (nhất là những đêm mùa đông) vì lú ngâm nước và tôm, cá càng nặng thêm. Nặng nhọc, vất vả, tảo tần nhưng những sản vật của sông, của biển bên cửa Lạch Giang đã, đang là phương kế mưu sinh, góp phần cải thiện thu nhập của hàng trăm hộ dân sinh sống bên sông./.
Bài và ảnh: Thành Trung