Giờ đây, mỗi khi nhắc đến mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của gia đình anh Phạm Văn Thịnh ở xóm 7, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) người dân địa phương vẫn thầm khâm phục ý chí, nghị lực cùng sự quyết tâm, nỗ lực của anh khi biết vượt qua những khó khăn, vất vả để làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp đã mang lại doanh thu mỗi năm từ 600-800 triệu đồng cho gia đình anh Phạm Văn Thịnh, xóm 7, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng). |
Chúng tôi tìm đến trang trại của anh Thịnh ở ven sông Đáy đúng lúc anh đang xuất bán gần hai chục con lợn thịt siêu nạc cho các thương lái trong vùng. Không khí mua bán rộn rã, người bán, người mua đều phấn khởi bởi lợn lớn nhanh lại được giá, người nuôi có lãi còn thương lái cũng kiếm được. Để có được thành quả ngày hôm nay, anh Thịnh đã phải trải qua biết bao khó khăn, vất vả, mà có lúc tưởng như muốn buông xuôi tất cả. Trong câu chuyện anh Thịnh cho chúng tôi biết, anh sinh ra trong một gia đình đông con, kinh tế chẳng mấy khá giả. Năm 1982, anh lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự của một thanh niên đối với Tổ quốc. Hết 3 năm quân ngũ, anh phục viên trở về quê. Không biết làm gì để tạo dựng cơ nghiệp, anh đành theo mấy người thanh niên trong làng lên Hà Nội, ra Hải Phòng, rồi vào Sài Gòn để tìm việc làm. Vốn bản tính cần cù, chịu khó, anh Thịnh chẳng nề hà bất kỳ công việc nào, từ phụ hồ, xe ôm đến gò hàn, bán hàng rồi lái xe taxi thuê… với mong muốn có nguồn thu nhập ổn định để cuộc sống bớt khổ và có chút dôi dư phụ giúp bố mẹ và gia đình. Hơn chục năm long đong khắp chốn thị thành, không ngừng nỗ lực nhưng kinh tế tích cóp được chẳng đáng kể. Năm 1996, anh quyết định trở về gắn bó với đồng đất quê hương để tìm kế phát triển kinh tế gia đình. Năm 2000, nhận thấy vùng đất bồi ven sông Đáy rộng tới hơn chục ha, vốn là vùng bãi của Xí nghiệp gạch ngói Nghĩa Đồng 2 đang bị bỏ hoang, anh bàn với gia đình nhận khoán với UBND xã, đồng thời vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển nghề làm gạch thủ công. Nghĩ là làm, anh vay vốn để đầu tư xây dựng 3 lò gạch thủ công. Mất hơn hai năm đầu tư xây dựng và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác anh mới đưa được 3 lò gạch thủ công vào hoạt động. Nhưng vừa đi vào sản xuất thì tỉnh có chủ trương cấm các lò gạch thủ công hoạt động vì gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bao công sức, tiền của, tâm huyết của anh và gia đình bỏ ra suốt mấy năm qua bỗng trở thành vô hiệu... Không đành lòng để mặc vợ con, gia đình gánh số tiền nợ ngân hàng còn bản thân phải cam chịu đời sống vất vưởng, không công ăn, việc làm nên anh Thịnh đã gắng gượng vượt lên những khó khăn, mất mát, tiếp tục trăn trở, tìm hướng mới để phát triển kinh tế. Gắn bó đến thân thuộc nên anh quyết tâm khai thác vùng bãi bồi nơi mình sinh sống. Anh dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu những mô hình kinh tế mà người dân trong vùng đã triển khai thành công. Anh nhận thấy có thể tập trung đầu tư xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, với con lợn là con nuôi chủ lực, bên cạnh đó là nuôi vịt đẻ, vịt thịt, bò; dưới ao tập trung nuôi các loại cá truyền thống. Quyết tâm chuyển đổi mô hình kinh tế của anh đã nhận được sự ủng hộ của chính quyền cùng các, ngành ở địa phương. Với mô hình đầu tư phát triển kinh tế trang trại tổng hợp khả thi, anh đã được Ngân hàng NN và PTNT huyện Nghĩa Hưng cho vay 800 triệu đồng. Có vốn, anh tập trung đầu tư cải tạo lại khu nhà xưởng thành chuồng nuôi lợn, nuôi bò, quy hoạch khu vực ao nuôi cá. Để bảo đảm thành công, ngoài việc chủ động tìm tòi nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi từ sách, báo, ti vi, học hỏi thêm từ những người đã có kinh nghiệm tại địa phương và các vùng lân cận để có thể áp dụng các kiến thức, kỹ năng đã thu nhận vào việc chăn nuôi của mình. Bên cạnh đó, anh còn chú trọng đầu tư mua giống lợn, vịt và cá từ những trung tâm giống có uy tín, bảo đảm chất lượng về nuôi. Nhờ đó, việc chăn nuôi của anh diễn ra khá thuận lợi. Hiện nay, trang trại của anh đang nuôi từ 100 đến 120 con lợn thịt mỗi lứa, 12 con lợn nái để tạo nguồn giống tại chỗ, 300 con vịt đẻ, 3.000 con vịt thịt, 4 con bò sinh sản và hơn 7 mẫu ao nuôi các loại cá truyền thống. Chăn nuôi với số lượng lớn nên hằng ngày anh phải theo dõi sát sao để bảo đảm đủ nguồn nước sạch, nguồn thức ăn đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt phải giữ gìn vệ sinh chuồng trại luôn thông thoáng, sạch sẽ để hạn chế các loại dịch bệnh phát sinh. Nguồn thức ăn dành cho vịt chủ yếu là thóc, cám viên; còn bò và cá chủ yếu chăn nuôi theo phương pháp bán công nghiệp, vừa cho ăn thức ăn công nghiệp, vừa tận dụng cho ăn thêm các loại rau, cỏ… sẵn có. Nhờ sự nỗ lực không ngừng của bản thân cùng với cách làm phù hợp, mỗi năm trang trại đã mang lại cho anh Thịnh và gia đình doanh thu từ 600 đến 800 triệu đồng. Không chỉ giúp cho gia đình từng bước ổn định kinh tế và có tích lũy, vào lúc đông vụ, trang trại của anh còn tạo việc làm và thu nhập cho 3-5 lao động địa phương.
Với quyết tâm dám nghĩ, dám làm và năng động trong tư duy đã giúp anh Thịnh vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Mô hình trang trại của anh đang ngày càng lớn mạnh, trở thành địa chỉ tin cậy để người dân trong vùng đến tìm hiểu, làm theo./.
Bài và ảnh: Văn Đại