Hiệu quả tích cực của sản xuất lúa tái sinh

08:07, 05/07/2016
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, những năm qua, một số địa phương trong tỉnh đã xây dựng và từng bước nhân rộng mô hình sản xuất lúa tái sinh (lúa chét) tại các vùng trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa và tại các vùng chân ruộng trũng để sản xuất lúa - cá, nhằm luân canh tăng vụ, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Mô hình sản xuất lúa tái sinh tại xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng).
Mô hình sản xuất lúa tái sinh tại xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng).
Về Hải Tây (Hải Hậu) những ngày cuối tháng 6, trong khi nông dân các nơi đang tích cực chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa thì bà con nông dân nơi đây đang tập trung chăm sóc lúa tái sinh. Lúa tái sinh là cây lúa tận dụng mầm ngủ còn sống trên gốc rạ sau khi thu hoạch vụ trước gặp điều kiện thích hợp về nước, nhiệt độ, ánh sáng và chất dinh dưỡng, các mầm đó phát triển thành nhánh tái sinh rồi trỗ bông, chín cho thu hoạch thêm một vụ nữa. Dẫn chúng tôi thăm cánh đồng lúa xanh mơn mởn ở xóm 3, nhổ 1 khóm lúa lên và đếm, đồng chí Lê Tiến Phi, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Tây cho biết: Chỉ sau nửa tháng thu hoạch lúa xuân, một gốc rạ đã đẻ ra 45 nhánh lúa, mặc dù bông lúa tái sinh ngắn hơn so với bông lúa chính vụ nhưng số lượng bông nhiều hơn hẳn nên năng suất lúa tái sinh không thua kém so với lúa chính vụ. Năng suất lúa tái sinh của Hải Tây bình quân luôn đạt 150-160kg/sào, cá biệt có hộ đạt 180kg/sào. Xét về hiệu quả sản xuất, lúa tái sinh cao hơn nhiều do chi phí đầu tư chỉ bằng 60-70% so với lúa chính vụ do không phải bỏ giống, không phải làm đất, không mất công gieo cấy, ít công chăm sóc, ít phòng trừ sâu bệnh... Thấy rõ hiệu quả của mô hình sản xuất lúa tái sinh, các hộ nông dân ở Hải Tây đã nhân rộng mô hình ra địa bàn toàn xã. Đến nay, diện tích sản xuất lúa tái sinh tại Hải Tây đã lên tới trên 80ha, chiếm 30% tổng diện tích đất lúa của xã. Trước đó, từ năm 2014, Phòng NN và PTNT huyện đã phối hợp với UBND xã Hải Tây xây dựng mô hình sản xuất lúa tái sinh tại cánh đồng xóm 3 với quy mô 7,2ha bằng giống lúa BT7. Đây là giống lúa ngắn ngày, chất lượng gạo ngon, có khả năng tái sinh mạnh và có giá trị kinh tế cao. Khi lúa vụ xuân chín, các hộ nông dân thu hoạch lúa bằng phương pháp thủ công, cắt bông cách gốc rạ 3-5cm để tạo thuận lợi cho các chồi mới tái sinh mạnh hơn, tạo số lượng nhánh và mật độ bông nhiều cho năng suất cao nhất. Bón thúc lần một sau khi thu hoạch lúa xuân 3-4 ngày để nuôi mầm với tỷ lệ mỗi sào 25kg NPK và sau 5-7 ngày bón thúc lần hai 5-6kg urê + 3kg kali. Mực nước trong ruộng luôn được duy trì 1-3cm. Do thời gian sinh trưởng lúa tái sinh ngắn, lá của lúa tái sinh ngắn và dày nên mức độ nhiễm bệnh khô vằn, bạc lá thấp, vì vậy chỉ phải phun 2 lần thuốc trừ sâu đục thân khi lúa bắt đầu trỗ và sau khi trỗ xong. Ông Ngô Công Đối, xóm 3 cho biết: Tôi thấy mô hình lúa tái sinh rất dễ làm, chỉ cần khi thu hoạch lúa xuân, cắt lúa và bón phân đúng theo quy trình, đồng thời theo dõi quá trình phát triển là cơ bản xong. Gạo từ lúa chét rất ngon cơm, hạt chín sữa còn nhiều và không bị ảnh hưởng bởi thuốc BVTV như gạo chính vụ nên giá bán cao hơn 2.000-3.000 đồng/kg, rất dễ tiêu thụ. Sau khi trừ chi phí mỗi sào lúa tái sinh cũng cho lãi 1,3-1,5 triệu đồng. Bên cạnh hiệu quả kinh tế, thời gian sinh trưởng của lúa tái sinh ngắn, chỉ từ 70-75 ngày nên tạo điều kiện để nông dân mở rộng diện tích sản xuất cây vụ đông trên đất 2 lúa, đặc biệt là tại vùng có truyền thống thâm canh cây màu như Hải Tây. Tại huyện Ý Yên, Trạm Khuyến nông huyện xây dựng mô hình sản xuất lúa tái sinh trong mô hình sản xuất tổng hợp lúa - cá tại chân ruộng trũng của gia đình anh Hoàng Trung Thông, xã Yên Thành với quy mô 2ha. Anh Thông cho biết, anh đã sử dụng các giống lúa Việt Hương Chiếm, Nếp 97 và Nhị ưu 838. Khi lúa tái sinh bắt đầu đứng cái, làm đòng anh mở cửa cống cho cá từ ao vào ruộng ăn bèo hoa dâu, bèo tấm; ngoài ra cá trắm có thể ăn lá ở chân lúa tái sinh. Cá sinh sống trong ruộng thường xuyên sục nước cũng góp phần tăng ô-xy giúp lúa sinh trưởng tốt hơn. Năng suất lúa chét bình quân ở ruộng của anh Thông đạt 120kg/sào. Thu hoạch xong anh tiếp tục bón phân để mầm gốc tái sinh tiếp tục tận dụng cả thóc và lá lúa làm thức ăn cho cá. Hiệu quả kinh tế cao gấp 3-5 lần so với cấy 2 vụ lúa. Hiện mô hình này đang được nhân rộng tại các xã Yên Hồng, Yên Hưng, Yên Phương (Ý Yên)  và ở một số chân ruộng trũng của các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh.
 
Có thể thấy các mô hình sản xuất lúa tái sinh bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người nông dân. Ưu điểm lớn nhất của mô hình là thời gian thu hoạch ngắn hơn từ 1-2 tháng so với sản xuất vụ lúa mùa đại trà, tạo quỹ đất và thời gian để sản xuất những cây vụ đông khắt khe về thời vụ như: cây ngô, cây dưa chuột bao tử… hoặc đẩy sớm hẳn thời vụ trồng cà chua, bí xanh, bắp cải… lên gần như trái vụ nên giá bán sản phẩm cây vụ đông có thể cao gấp 2-3 lần so với chính vụ. Mô hình sản xuất lúa tái sinh cũng rất phù hợp với những chân ruộng trũng để áp dụng phương thức sản xuất lúa - cá, đem lại hiệu quả cao hơn mô hình cá luồn lúa thông thường. Tuy nhiên, đến nay mô hình sản xuất lúa tái sinh vẫn còn một số tồn tại: năng suất lúa, các vùng chênh lệch khá cao từ 60-180 kg/sào tùy theo công thức gặt lúa xuân và mức độ thâm canh. Bên cạnh đó, nếu không quy hoạch gọn vùng thì việc điều tiết nước, công tác bảo vệ sản xuất cho lúa tái sinh gặp nhiều khó khăn… Hơn nữa, nếu không kiểm soát tốt tình hình sâu bệnh thì vụ lúa tái sinh sẽ là cầu nối sâu bệnh cho vụ sau. Vụ lúa tái sinh dễ gặp mưa bão nên năng suất không ổn định. Theo đồng chí Đào Viết Tâm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, để mô hình sản xuất lúa tái sinh đạt hiệu quả cao nhất, các địa phương cần phải quy hoạch vùng sản xuất quy mô từ 10ha trở lên, tạo thuận lợi cho việc điều tiết nước và công tác bảo vệ sản xuất. Chọn những giống có khả năng đẻ nhánh khỏe, tái sinh mạnh như các giống lúa: BT7, BC15, Nếp 87, Nếp 97 và các giống lúa lai… Lúa xuân cần được chăm sóc, bón phân cân đối để hạn chế bệnh khô vằn, đạo ôn, rầy nâu và lúa không bị đổ, gãy để hạn chế tồn dư sâu bệnh chuyển sang gây hại cho lúa chét. Khi thu hoạch, lúa xuân cần được cắt bằng tay, cắt phẳng gốc rạ vuông góc với mặt ruộng sẽ tạo số lượng nhánh nhiều, độ đồng đều cao, trỗ tập trung. Tùy theo điều kiện canh tác, cắt lúa theo công thức cách gốc rạ 4-5cm, thời gian sinh trưởng kéo dài khoảng 70 ngày cho năng suất 150 kg/sào; còn nếu cắt cách gốc 20-30cm thời gian sinh trưởng ngắn hơn 40-50 ngày, năng suất 80-100 kg/sào. Ruộng cần phải được duy trì mực nước nông 2-3cm trong suốt chu kỳ sinh trưởng của lúa tái sinh. Chú ý phun thuốc trừ sâu cuốn lá, sâu đục thân khi lúa tái sinh trỗ theo thông báo, hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com