Tính hết tháng 6-2016, sản lượng khai thác của tỉnh ta đạt 24.650 tấn; trong đó khai thác mặn lợ đạt 23.493 tấn; khai thác nội địa đạt 1.157 tấn. Tuy nhiên, theo thống kê của tỉnh, tổn thất thủy sản sau thu hoạch có thể lên tới 20-30% tổng sản lượng khai thác. Nguyên nhân do tàu khai thác và đánh bắt trên biển chủ yếu có công suất nhỏ hơn 20CV với tổng số 1.311 chiếc, chiếm 65,7% tổng số lượng tàu khai thác trên toàn tỉnh; tàu công suất 20CV đến nhỏ hơn 50CV có 201 chiếc, chiếm 10,1%; tàu công suất 50CV đến nhỏ hơn 90CV có 97 chiếc, chiếm 4,8%. Trong khi đó, số tàu công suất lớn trên 90CV trở lên mới có 385 chiếc, chỉ chiếm 19,4%. Các tàu có công suất nhỏ nên các thiết bị bảo quản sản phẩm chưa được đầy đủ. Bên cạnh việc không đủ điều kiện để đầu tư trang thiết bị hiện đại, phục vụ cho công việc khai thác, nhận thức của ngư dân về công nghệ bảo quản thủy sản sau khai thác còn thấp, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm “cha truyền con nối” để tiến hành bảo quản sản phẩm.
Thu hoạch cá sau chuyến khai thác xa bờ của tàu anh Nguyễn Văn Ngọc, xã Hải Xuân (Hải Hậu). |
Hiện nay, các sản phẩm thủy sản khi thu hoạch về thường được bảo quản bằng phương pháp truyền thống là ướp đá lạnh và muối. Phương pháp này khá phổ thông, nhanh, gọn. Tuy nhiên, điểm hạn chế của phương pháp bảo quản bằng ướp đá tại các tàu công suất nhỏ là dụng cụ hầm bảo quản chủ yếu làm bằng xốp, không giữ được độ lạnh ở mức cần thiết, chất lượng đá lưu trữ để bảo quản cá không được đảm bảo vệ sinh, nên vô hình chung đã đưa vi khuẩn gây ô nhiễm, làm thối rữa các sản phẩm thủy sản. Đối với những tàu đánh bắt xa bờ trong khoảng thời gian 1, 2 tháng thì phương pháp này chưa đáp ứng được yêu cầu do nước đá chảy làm tăng nhiệt độ trong hầm bảo quản, dẫn đến thủy sản bị phân hủy, đến khi tàu vào tới bờ thì thủy sản đã giảm chất lượng. Tàu của anh Nguyễn Văn Ngọc, xã Hải Xuân (Hải Hậu) có công suất 1.250CV. Mỗi chuyến ra khơi tàu của anh đi ít nhất là 10 ngày, có chuyến kéo dài tới 1, 2 tháng. Hầm lạnh bảo quản cá trên tàu của anh chỉ chứa được 10-20 tấn đá, không đủ điều kiện để đảm bảo cho toàn bộ lượng thủy sản khai thác được trong thời gian dài như vậy. Anh cho biết, chuyến vừa rồi tàu của anh đi hơn một tháng, sản phẩm khai thác chủ yếu là cá thu. Sản lượng cá khai thác được là rất lớn nhưng tình trạng có những con cá đã bị phân hủy, thối rữa là không thể tránh khỏi. Trong lĩnh vực nuôi thủy sản, tình trạng nuôi tự phát, nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch là nguyên nhân dẫn đến việc bảo quản sau thu hoạch gặp nhiều hạn chế. Các dụng cụ bảo quản chưa thực sự đảm bảo vệ sinh, cách thức bảo quản không đúng, thiết bị vận chuyển không đáp ứng nhu cầu bảo đảm nhiệt độ dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, không thể sử dụng cho chế biến xuất khẩu. Điều này cũng gây thiệt hại không nhỏ cho ngành chế biến thủy sản. Ngoài ra, trong lĩnh vực chế biến thủy sản, dù đã có nhiều cơ sở, hộ dân được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm như Cty TNHH một thành viên Hùng Vương, Cty Lenger Việt Nam… nhưng các sản phẩm chế biến còn đơn điệu, chủ yếu là xuất khẩu nguyên liệu thô; máy móc, trang thiết bị chế biến cũ kỹ, lạc hậu; giá thành sản phẩm cao làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường.