Thực hiện chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ, một số ngân hàng thương mại lớn của Nhà nước trên địa bàn tỉnh như Ngân hàng NN và PTNT (Agribank) Nam Định, Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) Nam Định, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Nam Định… đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế của tỉnh nói chung, các doanh nghiệp nói riêng có thêm nguồn lực để vượt qua những thách thức, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo số liệu từ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phải vay vốn từ các ngân hàng với lãi suất bình quân từ 8,5% đến 9,5%/năm. Mức lãi suất này đã khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong việc tiếp tục đầu tư để duy trì và mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, kinh doanh trong điều kiện kinh tế trong nước còn không ít khó khăn. Vì vậy ngay sau khi có chỉ đạo giảm lãi suất của Chính phủ vào cuối tháng 4 vừa qua, một số ngân hàng thương mại của Nhà nước như: Vietinbank Nam Định, BIDV Nam Định, Agribank Nam Định… đã từng bước điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn. Vietinbank Nam Định là đơn vị luôn đi tiên phong thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay các khoản vay cũ có lãi suất cao về các mức lãi suất thấp hơn theo lộ trình giảm lãi suất phù hợp với diễn biến lãi suất thực tế trên thị trường nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đến thời điểm 22-6-2016, Vietinbank Nam Định đang triển khai 15 chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp và cho vay theo 5 lĩnh vực kinh tế ưu tiên theo quy định NHNN, bao gồm: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng dư nợ là 2.213 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 73,3% tổng dư nợ. Hiện, Vietinbank Nam Định đang triển khai nhiều chương trình ưu đãi như: Đồng hành cùng doanh nghiệp, Kết nối khách hàng tiềm năng, Cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, Cho vay doanh nghiệp xuất khẩu, Hợp tác vươn xa cùng doanh nghiệp siêu vi mô, Tiếp sức thành công... đối với các đối tượng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng doanh nghiệp lớn với mức lãi suất cho vay VND từ 6-7%/năm, cho vay USD từ 2,5-4%/năm. Hiện hơn 95% dư nợ của Vietinbank Nam Định có mức lãi suất cho vay dưới 10%/năm tùy thời hạn vay của doanh nghiệp. Trong đó, lãi suất cho vay VND còn 4,5% đến dưới 7% với 2.021 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 66,9% tổng dư nợ; lãi suất cho vay bằng USD còn từ 2-4% với 199 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,5% tổng dư nợ... Từ ngày cuối tháng 4-2016, lãi suất VND cho vay trung, dài hạn được Vietcombank Nam Định kéo giảm về mức 10%/năm trong thời gian một năm. BIDV Nam Định cũng công bố giảm ngay 0,5% đối với lãi suất cho vay ngắn hạn và trung dài hạn. Cùng với các NHNN, khối ngân hàng cổ phần trong đợt giảm lãi suất lần này cũng có sự tham gia của một số ngân hàng. Chi nhánh Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt Nam Định đã tích cực triển khai Chương trình “Hành trình tiếp vốn” nhằm cho vay hỗ trợ các khách hàng cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ tại các làng nghề có nhu cầu về vốn vay trung và ngắn hạn, với lãi suất ưu đãi là 6,5%...
Các ngân hàng giảm lãi suất giúp Cty Sản xuất vật liệu xây dựng Hải Hậu (Hải Hậu) có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. |
Việc chủ động giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam trong thời gian vừa qua của các ngân hàng thương mại đã thể hiện sự chia sẻ và đồng hành của các ngân hàng đối với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc cắt giảm lãi suất mới diễn ra chủ yếu tại các ngân hàng thương mại Nhà nước mà chưa thực sự phổ biến ở tất cả các ngân hàng trên địa bàn. Theo các chuyên gia ngân hàng để có thể kéo giảm lãi suất cho vay, thông thường các ngân hàng thường kéo giảm lãi suất huy động hoặc thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất huy động bình quân và lãi suất cho vay bình quân. Trong bối cảnh hiện nay của nền kinh tế thì việc giảm lãi suất huy động là khó thực hiện, vì vậy các ngân hàng sẽ quan tâm tới việc thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất huy động bình quân và lãi suất cho vay bình quân. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải tính toán lại các chi phí, phải tiết kiệm và cắt giảm bớt chi phí vận hành, nhất là phải chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận của mình. Cùng với đó, là việc cơ cấu lại nợ và xử lý nợ xấu một cách triệt để, thực chất. Theo đại diện của Chi nhánh NHNN tỉnh cho biết: Các ngân hàng cần triển khai mạnh mẽ các chương trình ưu đãi lãi suất tới các doanh nghiệp vay vốn tại chi nhánh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng. Tiếp tục chủ động điều hành cơ chế chính sách kinh doanh hài hòa, linh hoạt, giải quyết nhu cầu vốn của các doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời. Tập trung đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ 5 nhóm ngành nghề kinh tế được ưu tiên theo quy định NHNN là: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, khi các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận vốn thì các doanh nghiệp cũng cần bảo đảm các điều kiện theo quy định về cho vay như: tài sản bảo đảm, kế hoạch, phương án kinh doanh tối ưu; báo cáo tài chính, kiểm toán rõ ràng, minh bạch…
Như vậy, với sự chỉ đạo và hỗ trợ từ các cơ quan điều hành, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã tiến hành giảm lãi suất cho vay. Động thái này giúp các doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận được nguồn vốn với chi phí vốn rẻ hơn, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên để được hưởng thụ tác động thực sự của chính sách điều hành tín dụng này cần sự nỗ lực hợp tác của cả ngân hàng và doanh nghiệp với phương châm đồng hành chia sẻ trách nhiệm và lợi ích vì sự phát triển của nền kinh tế./.
Bài và ảnh: Văn Đại