Qua 5 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, nguồn vốn vay hàng chục nghìn tỷ đồng từ hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), ngân hàng đã trở thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy chương trình xây dựng NTM của các xã, thị trấn trong tỉnh phát triển, góp phần nâng cao đời sống người dân và làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn của các địa phương. Tuy vậy vẫn còn không ít những việc cần làm để nguồn vốn tín dụng ngân hàng thực sự trở thành động lực thúc đẩy chương trình xây dựng NTM phát triển bền vững.
Tại buổi làm việc mới đây của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với UBND tỉnh về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 của tỉnh, một trong những vấn đề được Đoàn công tác đánh giá cao là ngành Ngân hàng tỉnh đã tích cực chỉ đạo các ngân hàng thương mại, TCTD trên địa bàn tỉnh tích cực cho vay hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nguồn vốn tín dụng hàng chục nghìn tỷ đồng đã tiếp thêm nguồn lực để các xã, thị trấn trong tỉnh hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM của mình... Có thể khẳng định, giai đoạn 2010-2015, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai và đạt được những kết quả đáng kể. Đó là cơ sở để tỉnh ta phấn đấu trở thành tỉnh NTM vào năm 2020 như mục tiêu
Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20-4-2016 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 đã đề ra. Bám sát chủ trương quan trọng và định hướng chiến lược này, các TCTD, ngân hàng trên địa bàn đã tích cực triển khai cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM. Chi nhánh NHNN tỉnh đã tổ chức đánh giá, phân tích tình hình thực hiện chính sách tín dụng tại các xã, thị trấn xây dựng NTM, trên cơ sở xây dựng kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng, TCTD phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội trên địa bàn triển khai thực hiện bảo đảm sát thực tế và hiệu quả. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các TCTD trên địa bàn đa dạng hóa các hình thức huy động mọi nguồn vốn trong dân cư và tranh thủ nguồn vốn điều hòa của các hội sở chính ở Trung ương để tạo nguồn; đồng thời chủ động điều hành cơ cấu tín dụng phù hợp để ưu tiên nguồn vốn cho vay phát triển “tam nông”. Chú trọng đầu tư cho vay phát triển sản xuất CN-TTCN tại các làng nghề, các hộ làm kinh tế trang trại, gia trại, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cung ứng, chế biến các loại sản phẩm nông, thủy sản; mở rộng các đối tượng cho vay và đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, áp dụng linh hoạt các biện pháp bảo đảm tiền vay. Chủ động thực hiện việc giảm lãi suất tiền vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… Do vậy, tăng trưởng tín dụng cho vay nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 bình quân mỗi năm tăng trưởng 19,9%. Tính đến hết năm 2015, tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn ước đạt 15.816 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52,2% tổng dư nợ cho vay. Tại 209 xã, thị trấn có sản xuất nông nghiệp của tỉnh đều có mức độ sử dụng vốn tín dụng ngày một tăng, tính đến cuối năm 2015 bình quân mỗi xã, thị trấn có dư nợ tín dụng khoảng 64 tỷ đồng. Riêng tại 96 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 có tổng dư nợ 7.470 tỷ đồng, chiếm 49,7% dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Dư nợ bình quân mỗi xã, thị trấn là 77,8 tỷ đồng, với 98.622 hộ dân và 467 doanh nghiệp đang được vay vốn; trong đó huyện Ý Yên có dư nợ bình quân cao nhất 98,6 tỷ đồng. Nguồn vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh chiếm 66,2%; số còn lại là phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường… Tiên phong cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, NTM là các ngân hàng thương mại, với thị phần chiếm 78,3% tổng nguồn vốn cho vay, trong đó 2 chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT tỉnh có dư nợ cho vay 4.122 tỷ đồng, chiếm hơn 55% tổng dư nợ cho vay. Theo đánh giá của các ngân hàng, TCTD, nhìn chung khách hàng vay vốn xây dựng NTM sử dụng vốn vay đúng mục đích, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, do đó chất lượng tín dụng khu vực nông thôn bảo đảm mức độ tốt, tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn ở mức thấp, nợ bị tổn thất không đáng kể. Nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng đã hỗ trợ đắc lực cho nhiều địa phương có đầu tư chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển và từng bước mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo; số hộ khá, giàu tăng lên, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của các xã, thị trấn xây dựng NTM chuyển dịch theo hướng tích cực, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới theo hướng văn minh, hiện đại.
|
Nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng giúp xã Hiển Khánh (Vụ Bản) có thêm nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông đạt tiêu chí NTM. |
Những kết quả thực hiện chương trình cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM trong 5 năm qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách tín dụng cho “tam nông” cũng còn không ít những vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết. Mặc dù Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 và nay là Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với những quy định khá thông thoáng, nhiều ưu tiên cho lĩnh vực này nhưng các ngân hàng vẫn có lý do để từ chối các khoản vay của nông dân. Là tỉnh nông nghiệp, nên Tỉnh ủy đã có Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế trang trại, gia trại nhằm tạo động lực để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất canh tác. Trước những diễn biến khó lường của thị trường và khí hậu hiện nay, các chủ trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm, nuôi trồng thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, điều đó đòi hỏi các trang trại phải đầu tư vốn lớn để đổi mới công nghệ, kỹ thuật, thức ăn, thuốc thú y phòng, chống bệnh cho vật nuôi... nhưng việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng lại không hề dễ dàng đối với những chủ trang trại này. Ông Trần Văn Công, chủ trang trại ở xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) cho biết: Tôi đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng chuồng trại, rồi mua các loại con giống phát triển chăn nuôi hơn hai chục năm nay nhưng việc làm thủ tục vay vốn từ các ngân hàng thương mại gặp rất nhiều khó khăn. Tài sản của người nông dân như tôi là lợn, gà, tôm, cá… nhưng không thể mang đi thế chấp để vay vốn vì ngân hàng không chấp nhận. Trên thực tế có người phải treo ao, treo chuồng, sang nhượng trang trại, thậm chí phá sản vì không được tiếp vốn kịp thời. Trao đổi về điều này, các ngân hàng thương mại, TCTD cho rằng bản thân họ cũng là doanh nghiệp nên họ cũng phải lo bảo đảm an toàn vốn. Cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn ẩn chứa nhiều rủi ro. Ở một khía cạnh khác, do trình độ hạn chế lại chưa có thói quen sử dụng các dịch vụ tư vấn nên việc hoàn thiện hồ sơ, lập dự án của các chủ trang trại còn kém, việc chứng minh tính khả thi thiếu thuyết phục người cấp vốn. Ngoài ra khả năng huy động vốn tại chỗ của các ngân hàng, TCTD còn hạn chế, chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu vốn vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM, vẫn phải phụ thuộc phần vốn điều hòa từ hội sở chính. Điều đó khiến các ngân hàng, TCTD không chủ động về lượng vốn và thời gian cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh của khách hàng; cũng như chưa thể chủ động thực hiện việc khoanh nợ, giãn nợ cho khách hàng khi gặp rủi ro khách quan… Ngoài ra, công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn tín dụng cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn ở một vài địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức nên còn để lãng phí và phát sinh tiêu cực.
Sớm khắc phục tháo gỡ những tồn tại, hạn chế trên sẽ giúp khơi thông dòng vốn tín dụng cho nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM, thực sự tạo nguồn lực quan trọng thúc đẩy các vùng nông thôn đổi mới./.
Bài và ảnh:
Văn Đại