Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, năm 2016, Sở Xây dựng tiếp tục bám sát các chủ trương đầu tư phát triển của tỉnh, đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch trọng tâm của ngành góp phần định hướng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
|
Trụ sở UBND xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) nằm trong phạm vi quy hoạch chung xây dựng đô thị Rạng Đông đang được Sở Xây dựng triển khai. |
Đối với lĩnh vực đô thị, hiện Sở đang tập trung phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai lập các quy hoạch liên quan đến phát triển đô thị như Quy hoạch chung đô thị mới thuộc địa phận 4 xã: Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến (Ý Yên) đến năm 2035; Quy hoạch chung xây dựng đô thị Rạng Đông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2.000) bảo tồn và phát huy giá trị khu vực di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản); tham mưu trình UBND tỉnh lập quy hoạch phân khu hai bên tuyến đường dẫn cầu Tân Phong. Đồng chí Nguyễn Văn Công, Trưởng Phòng Kiến trúc và Quản lý quy hoạch (Sở Xây dựng) cho biết: “Theo Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2030 đã được phê duyệt, tỉnh sẽ nâng cấp đô thị Quất Lâm, Rạng Đông; phát triển các đô thị mới như Yên Bằng, Ninh Cường, Xuân Ninh, Đại Đồng, Trung Thành. Hiện tại, đề án nâng cấp đô thị Quất Lâm đã được UBND tỉnh phê duyệt, huyện Giao Thủy và đơn vị tư vấn đang trình Bộ Xây dựng phê duyệt ra quyết định công bố là đô thị loại IV. Sở cũng tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch; mời các đơn vị tư vấn có chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực cụ thể để tham gia xây dựng quy hoạch, trực tiếp làm chủ nhiệm đồ án đảm bảo quy hoạch bám sát thực tế, đáp ứng được chất lượng và mục tiêu của quy hoạch đề ra, ổn định bền vững trong tương lai”. Giữ vị trí chiến lược trong cực tăng trưởng phía nam tỉnh ta, Thị trấn Rạng Đông được định hướng phát triển là đô thị loại IV tiến tới là 1 trong 3 thị xã của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Đây là khu vực có vị trí thuận lợi được tiếp cận từ nhiều hướng như Quốc lộ 21; tỉnh lộ 490C, có hệ thống cảng sông Ninh Cơ, nằm trên tuyến đường cao tốc ven biển. Bên cạnh đó, trên địa bàn thị trấn hiện triển khai nhiều dự án trọng điểm của tỉnh như KCN Dệt may Rạng Đông, cầu Thịnh Long cùng với tiềm năng lợi thế về khai thác thủy sản, du lịch sinh thái. Với lợi thế đó, tỉnh xác định Thị trấn Rạng Đông sẽ giữ vị trí quan trọng phối hợp với Thị xã Thịnh Long trong tương lai trở thành đô thị loại III là trung tâm phía tây nam của tỉnh, phát triển dịch vụ thương mại và các dịch vụ du lịch gắn với cảng biển và Khu kinh tế Ninh Cơ. Hiện tại, Sở Xây dựng đang phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu lập quy hoạch chung xây dựng Thị xã Rạng Đông với tổng diện tích là 4.397,4ha, bao gồm Thị trấn Rạng Đông và các xã: Nghĩa Bình, Nghĩa Lợi, Nghĩa Thắng, Nghĩa Phúc, Nam Điền. Cùng với đó, Sở đang triển khai lập Quy hoạch chung đô thị mới thuộc địa phận 4 xã: Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến (Ý Yên) đến năm 2035. Đây sẽ là đô thị động lực phát triển kinh tế - xã hội cực phía tây của tỉnh trong tương lai. Theo đánh giá của đơn vị khảo sát, khu vực 4 xã: Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến có vị trí giao thông thuận lợi, kết nối trực tiếp với Thành phố Ninh Bình qua cầu Non Nước, liên kết với Thành phố Nam Định bằng tuyến Quốc lộ 10 - đầu mối giao thông đi tỉnh Hà Nam, Thủ đô Hà Nội qua tuyến đường cao tốc Bắc Nam; liên kết với các huyện phía nam của tỉnh theo quy hoạch tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và kết nối đi các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh theo quy hoạch tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh. Quy hoạch chung đô thị mới trên địa phận 4 xã Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến (Ý Yên) đến năm 2035 sẽ có diện tích quy hoạch khoảng 3.397ha. Ngoài ra, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đang tiến hành lập Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 bảo tồn và phát huy giá trị khu vực di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản). Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy, huyện Vụ Bản gồm 21 điểm di tích, trong đó có 3 di tích được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia từ năm 1975 là Phủ Vân Cát, Phủ Tiên Hương và Lăng Mẫu và có 2 di sản văn hóa phi vật thể là “Nghi lễ Chầu văn của người Việt ở Nam Định” và “Lễ hội Phủ Dầy” được Bộ VH, TT và DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013, 2014. Đây là điểm du lịch quan trọng trong tuyến du lịch của tỉnh, trong đó lễ hội Phủ Dầy và chợ Viềng Xuân là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước, hằng năm thu hút hàng vạn khách du lịch tới tham dự. Để quản lý, bảo tồn khu di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng trực tiếp lập Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích bao gồm toàn bộ địa giới hành chính xã Kim Thái và một phần xã Minh Tân (khu vực núi Ngăm), xã Tam Thanh (khu vực núi Lê Xá) với diện tích khoảng 498ha. Các quy hoạch chuyên ngành khác như Điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh, quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030 cũng được thực hiện khẩn trương. Hiện tại, quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh đã được HĐND tỉnh thông qua, dự kiến trong tháng 7-2016 UBND tỉnh sẽ ban hành Quyết định phê duyệt. Cùng với đó, Quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh đã được Sở Xây dựng phối hợp với Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) hoàn tất các văn bản thủ tục trình UBND tỉnh phê duyệt. Đến nay, 9/10 huyện, thành phố đã thống nhất lựa chọn địa điểm quy hoạch; riêng huyện Trực Ninh chưa xác định được địa điểm quy hoạch hợp lý. Sở đã có công văn đôn đốc để sớm hoàn tất hồ sơ, thủ tục sớm trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 6-2016.
Cùng với đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch trọng tâm, Sở Xây dựng cũng hướng dẫn các huyện lập, thẩm định quy hoạch các khu dân cư đô thị tại các thị trấn trung tâm huyện theo chỉ đạo của tỉnh, quy hoạch xây dựng chung các thị trấn trong tỉnh. Điều chỉnh quy hoạch xây dựng KCN Bảo Minh, quy hoạch một số CCN, điểm công nghiệp ở một số huyện. Đôn đốc các địa phương tiến hành lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc để cụ thể hóa các quy hoạch phân khu đô thị và quy hoạch chung thị trấn đã được phê duyệt, làm cơ sở cho công tác quản lý đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch./.
Bài và ảnh:
Đức Toàn