Việt Nam là một quốc gia biển lớn trong vùng Biển Đông với đường bờ biển dài và không gian biển rộng, nhiều đảo. Biển Việt Nam giàu tài nguyên thiên nhiên, là nơi tạo ra sinh kế của hàng chục triệu người dân, là không gian sinh tồn của dân tộc, là địa bàn chiến lược trong bảo vệ và phát triển đất nước, là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc…
Trong tiến trình lịch sử phát triển, dân tộc ta đã xác định vị trí và tầm quan trọng của biển, đảo đối với việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ của một quốc gia biển. Thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong thời gian qua, Việt Nam đã xác lập được phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất; bước đầu tạo lập hành lang pháp lý cho quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm điều chỉnh hoạt động của con người để bảo vệ tính toàn vẹn về chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái, duy trì và cải thiện năng suất của hệ sinh thái. Qua đó, tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, môi trường biển được bảo vệ; bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Đã thiết lập hệ thống bộ máy thực hiện sự chỉ đạo, điều hành thông suốt từ Trung ương đến địa phương trong quản lý Nhà nước về biển và hải đảo. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo đã và đang được đầu tư xây dựng. Công tác quốc phòng - an ninh vùng biển, đảo được chú trọng, xây dựng kết cấu hạ tầng, quan tâm chăm lo đời sống của nhân dân vùng biển, đảo.
|
Ngư dân huyện Nghĩa Hưng chuẩn bị ra khơi đánh bắt hải sản. |
Là địa phương giáp biển, có đường bờ biển dài 72km, trong những năm qua, Nam Định đã đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng chủ động thực hiện nhiều biện pháp khai thác tiềm năng trên cả 3 vùng kinh tế là đất liền, cận bờ và xa bờ. Trong đó, tỉnh đã xác định Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 tập trung phát triển kinh tế biển gắn với củng cố quốc phòng, an ninh là nghị quyết vừa có ý nghĩa cấp thiết trước mắt, vừa cơ bản, lâu dài cần nhanh chóng triển khai, đưa vào cuộc sống. UBND tỉnh đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, định hướng cho các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể và các địa phương xây dựng chương trình hành động và cụ thể hóa thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong kế hoạch công tác hằng năm. Chỉ đạo các ngành, các địa phương xây dựng và thực hiện phát triển kinh tế biển đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế có lợi thế như: khai thác tài nguyên biển, vùng ven biển, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản; xây dựng cảng biển, phát triển dịch vụ cảng và vận tải biển; chú trọng đầu tư công nghiệp tàu thủy và du lịch biển. Kết hợp chặt chẽ khai thác vùng biển, ven biển với thúc đẩy phát triển nhanh các vùng nội địa. Gắn phát triển kinh tế biển với giải quyết việc làm cho người lao động, giảm nghèo, bố trí sắp xếp hợp lý cư dân vùng ven biển. Xây dựng đồng bộ và đưa vào áp dụng khung pháp lý về biển và hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển liên quan đến biển và vùng ven biển. Các ngành cũng đồng loạt nâng cao chất lượng kinh tế biển theo lĩnh vực quản lý như: nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; công nghiệp, xây dựng; khai thác tài nguyên biển. Bên cạnh đó, các địa phương có biển đều xác định kinh tế biển là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội nên đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế biển. Trong những năm qua sản lượng và giá trị sản xuất ngành thủy sản của 3 huyện ven biển không ngừng tăng lên. Trong đó, giá trị sản xuất ngành thủy sản nuôi trồng ngày càng chiếm tỷ trọng cao. Phát triển đánh bắt xa bờ, kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu; hạ tầng và dịch vụ cảng biển. Sản xuất nông nghiệp tại các huyện ven biển đã từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp tại 3 huyện ven biển có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ, giảm tỷ trọng trồng trọt. Về công nghiệp, xây dựng, trên địa bàn 3 huyện hiện có 14 nghìn cơ sở sản xuất CN-TTCN; 12.400 cơ sở kinh doanh thương mại, du lịch hoạt động, có 52 chợ, chiếm 30% số chợ trên địa bàn tỉnh. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội vùng ven biển tăng bình quân 21%/năm (bình quân của tỉnh đạt 23,6%/năm). 72km bờ biển tuy bị chia cắt bởi các con sông lớn là sông Hồng, sông Đáy, sông Đào, sông Ninh Cơ và sông Sò nhưng phù sa từ các dòng sông đã hình thành cho tỉnh 2 khu vực đất ngập nước ven biển quan trọng là Vườn quốc gia Xuân Thủy nằm trên địa bàn huyện Giao Thủy và khu vực bãi bồi ven biển nằm trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng với tổng diện tích khoảng 20.800ha. Hai khu vực này nằm trong vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh ven biển đồng bằng châu thổ sông Hồng đã được UNESCO công nhận năm 2004. Riêng Vườn quốc gia Xuân Thủy được công nhận là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam với hệ sinh thái đất ngập nước điển hình, đặc trưng khu vực miền Bắc, là “ga chim” quan trọng của các loài chim nước di cư. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển như các KCN thuộc Khu kinh tế Ninh Cơ, KCN Thịnh Long (Hải Hậu), KCN Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), KCN Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng); thành lập 5 CCN tại các huyện ven biển gồm: Thịnh Lâm (Giao Thủy), Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), Thịnh Long, Hải Minh, Hải Phương (Hải Hậu) với tổng diện tích 64ha. Trong thời gian qua, kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh đã được nâng cấp phát triển đồng bộ, nhất là đường giao thông kết nối các khu vực trung tâm với các khu vực ven biển, từ đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển, hình thành các cảng pha sông biển, phát triển công nghiệp, du lịch biển (Bãi tắm Quất Lâm, Thịnh Long, Vườn quốc gia Xuân Thủy), làng nghề… Đặc biệt, tỉnh đã chú trọng thu hút nguồn vốn, đầu tư phát triển hạ tầng đường thủy nội địa đồng bộ, kết nối với giao thông vùng và cả nước. Trong năm 2015, tỉnh đã đưa vào khai thác cụm công trình cải tạo, chỉnh trị cửa Lạch Giang. Đây là cụm công trình đường thủy lớn nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ của Dự án WB6. Từ khi đưa vào sử dụng công trình đã góp phần thúc đẩy khai thác hiệu quả hệ thống giao thông thủy nội địa khu vực đồng bằng sông Hồng và kết nối giao thông thủy nội địa khu vực với cả nước thông qua hình thức vận tải pha sông biển, giúp cho các tàu pha sông biển có trọng tải 1.000-3.000 tấn đến các cảng trên sông Hồng và 2.000-3.000 tấn đến các cảng trên sông Ninh Cơ và cảng Ninh Phúc (Ninh Bình), tạo sự chuyển dịch nhanh, mạnh trong cơ cấu vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy.
Cùng với phát triển kinh tế biển, công tác bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai vùng biển, giữ gìn tài nguyên biển, bảo vệ chủ quyền vùng biển được tỉnh tập trung chỉ đạo, đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với sự cố tràn dầu trên biển, trồng rừng ngập mặn và rừng chắn cát vùng ven biển, xây dựng các kịch bản về biến đổi khí hậu và nước biển dâng để có các giải pháp ứng phó… “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam” hằng năm được hưởng ứng tích cực với các hoạt động thiết thực, qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho toàn hệ thống chính trị và từng người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển và đại dương đối với sự phát triển bền vững, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu. Từ đó khơi dậy ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, lòng tự hào, ý thức dân tộc của mọi người dân Nam Định - một địa phương có biển đối với chủ quyền vùng biển của Tổ quốc và sự nghiệp phát triển kinh tế biển của đất nước, góp phần đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển./.
Bài và ảnh:
Thanh Thuý