Vài năm trở lại đây, nhờ khôi phục được các nghề truyền thống như: sản xuất bún, bánh đa gạo, làm hương cùng với phát triển thành công các nghề mới như: may công nghiệp, chế biến gỗ, xây dựng dân dụng, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng…, cơ cấu kinh tế của xã Đại An (Vụ Bản) đã có sự chuyển dịch tích cực; đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Năm 2016, dự kiến bình quân thu nhập đầu người của xã đạt khoảng 28 triệu đồng/người.
|
Sản xuất trang phục xuất khẩu tại Cty CP Dệt may Đức Anh, xã Đại An. |
Là địa bàn giáp ranh với Thành phố Nam Định, nhưng 5 năm trước, kinh tế chủ đạo của xã Đại An vẫn là sản xuất nông nghiệp trong khi bình quân ruộng đất chỉ khoảng 2 sào/người. Vì thế, thời điểm nông nhàn, có 60-70% trong số 6.500 người ở độ tuổi lao động phải đi làm xa để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Để tạo đột phá trong phát triển kinh tế, Đảng ủy, UBND xã Đại An xác định phải đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động và tăng thu nhập cho người dân bằng việc thu hút đầu tư, phát triển sản xuất CN-TTCN và ngành nghề nông thôn. Thực hiện chủ trương đó, trong quá trình thi công dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38B đi qua địa bàn, xã đã vận động nhân dân thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tốt nhất để đơn vị thi công hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất, sớm đưa công trình vào sử dụng. Xã chủ động quy hoạch diện tích đất bám sát quốc lộ để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, xã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để khuyến khích, hỗ trợ người dân “khởi nghiệp” phát triển sản xuất, kinh doanh như: hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí; tạo điều kiện tối đa trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và thủ tục hành chính… Được sự tạo điều kiện của xã, mỗi năm đã có hàng trăm hộ dân được vay vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn để phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ trên 22 tỷ đồng. Các biện pháp hỗ trợ, kích cầu hiệu quả, kịp thời đã tạo nên bước chuyển tích cực trong kinh tế của xã. Sau một thời gian dài trầm lắng các nghề truyền thống như: làm hương, sản xuất bánh đa gạo đã được khôi phục và phát triển trở lại. Trong đó, nghề làm hương tập trung ở thôn An Cự với 4 cơ sở sản xuất quy mô từ 3-5 lao động/cơ sở. Từ năm 2010, anh Lê Văn Sơn đã đầu tư 3 máy vê hương để sản xuất hương nén, năng suất tăng gấp nhiều lần so với sản xuất thủ công. Nhờ có máy, mỗi ngày mỗi máy sản xuất được từ 18-20 nghìn nén hương. Cơ sở của anh Sơn tạo việc làm ổn định cho 2 lao động địa phương với thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, mỗi tháng, cơ sở của anh xuất bán ra thị trường từ 1-2 tấn hương các loại. Cũng nhờ được vay vốn để đầu tư máy móc, mỗi ngày, các cơ sở sản xuất bún, bánh đa gạo Phùng Gia Chiến, Phùng Gia Quang ở thôn An Cự tiêu thụ khoảng 3,5-4 tạ gạo nguyên liệu sản xuất 3-4 tạ sản phẩm (tỷ lệ 0,9kg bánh/kg gạo). Bình quân mỗi cơ sở có từ 2-3 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 120 nghìn đồng/người/ngày với số ngày lao động 20-25 ngày/tháng. Bên cạnh các nghề truyền thống nêu trên, hiện tại xã Đại An đã hình thành và phát triển thêm nhiều nghề mới như: may công nghiệp, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí… Toàn xã hiện có 15 xưởng mộc quy mô từ 2-5 lao động, trong đó có một số xưởng lớn thường xuyên tiêu thụ từ 3-5m
3 gỗ nguyên liệu/tháng như cơ sở của các ông: Phùng Văn Mạnh (thôn An Cự); Vũ Đình Quỳnh (thôn An Duyên); Vũ Văn Kiên (thôn Đại Đê)… Thu nhập bình quân của lao động chính nghề mộc đạt từ 5-6 triệu đồng/người/tháng; lao động phụ, thợ học việc cũng đạt mức thu nhập từ 80-120 nghìn đồng/người/ngày. Đội thợ xây dựng của các ông: Nguyễn Như Lương, Phùng Công An, Nguyễn Đình Định (thôn An Duyên) thường xuyên nhận được nhiều hợp đồng xây dựng dân dụng ở các nơi, mỗi đội có từ 10-12 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 100-200 nghìn đồng/người/ngày. Bên cạnh đó, trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, xã Đại An còn thu hút được 2 dự án đầu tư xây dựng nhà máy may công nghiệp của Cty CP Dệt may Đức Anh và Cty TNHH Thạo Vân. Đầu năm 2016, dự án của Cty CP Dệt may Đức Anh, với tổng diện tích 1,7ha chuyên sản xuất các sản phẩm quân trang cho các doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng và gia công trang phục xuất khẩu đã hoàn thành xây dựng nhà xưởng giai đoạn I đi vào sản xuất với 5 chuyền may và các bộ phận: cắt, hoàn thành…, tạo việc làm cho trên 300 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng. Dự án của Cty TNHH Thạo Vân với diện tích 5.000m
2 đang tiến hành nốt các thủ tục hồ sơ để xây dựng nhà xưởng vào cuối năm 2016.
Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý và nguồn lao động kết hợp với duy trì phát triển các nghề truyền thống, khuyến khích phát triển nghề mới đang là giải pháp đúng đắn để xã Đại An xóa thế độc canh nông nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân. Thời gian tới, xã Đại An tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa để tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình phát triển sản xuất, kinh doanh, đưa nghề mới về xã để nâng cao thu nhập cho nhân dân, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng xã NTM./.
Bài và ảnh:
Thành Trung