Tham quan mô hình Tổ hợp tác nuôi thủy sản nước ngọt xã Nghĩa Lợi. |
Với cách sản xuất truyền thống, các hộ dân ở địa phương chủ yếu sử dụng mặt ao để nuôi cá lóc bông, cá truyền thống… Khi thị trường đầu ra không ổn định, các hộ “mạnh ai nấy làm” nên chưa có sự thống nhất cao ở mỗi vụ nuôi. Mùa vụ thả nuôi con giống do mỗi cá nhân tự quyết định, điều này đã dẫn đến tình trạng mỗi khi kết thúc vụ nuôi, việc nạo vét, vệ sinh ao hồ không diễn ra đồng loạt nên tình trạng đưa chất thải trong ao ra kênh mương ít nhiều làm cho môi trường tự nhiên bị ô nhiễm, lây lan các mầm bệnh, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất trong khu vực. Nhận thức được vấn đề này, năm 2014, Đảng uỷ, UBND xã Nghĩa Lợi đã chỉ đạo HND xã vận động các hộ nuôi thủy sản trong xã thành lập Tổ hợp tác nuôi trồng thuỷ sản (NTTS). Tổ có 17 thành viên liên kết, trao đổi, thống nhất các vấn đề trong sản xuất trên tinh thần tự nguyện với mục đích tạo sự thống nhất về kỹ thuật, đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Với 23 ao nuôi bình quân diện tích nuôi thủy sản của các hộ có từ 3 sào/ao nuôi trở lên. Ông Nguyễn Văn Nhật, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết, Tổ hợp tác NTTS xã Nghĩa Lợi từ khi thành lập đến nay đã có nhiều hoạt động tích cực, tập hợp được các hộ nuôi thủy sản cùng hỗ trợ nhau trong sản xuất. Con nuôi được lựa chọn chủ yếu tôm thẻ chân trắng. Ngoài vốn góp tự nguyện của các thành viên, tổ còn được HND xã và các cơ quan chuyên môn hỗ trợ về mặt kỹ thuật, hướng dẫn các biện pháp xử lý, phòng bệnh trên tôm nuôi, nhất là kỹ thuật nuôi tôm theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp. Đặc biệt là từ khi tỉnh ta cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng, các thành viên trong Tổ hợp tác đã mạnh dạn chuyển sang nuôi thực nghiệm loài tôm thẻ chân trắng trên diện tích ao nuôi nước ngọt. Nhiều hộ đã nuôi thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Văn Thành, thành viên của Tổ hợp tác có 3 ao nuôi tôm với tổng diện tích 0,5ha. Vụ nuôi tôm năm 2016 này, ông Thành phân ra 2 ao nuôi để nuôi thực nghiệm tôm thẻ chân trắng. Qua 3 tháng chăm sóc, dự kiến vụ nuôi tôm này, ông thu hoạch được 3 đến 3,5 tấn tôm thương phẩm. Với giá bán bình quân 90-110 triệu đồng/tấn, sản lượng thu được năm 2016 này gia đình ông Thành có doanh thu trên 300 triệu đồng. Ông Thành cho biết, nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao nuôi nước ngọt có nhiều lợi thế, thời gian nuôi ngắn ngày lại không tốn nhiều thức ăn. Tuy năng suất chỉ bằng 1/2 đến 2/3 so với vùng nước mặn song mô hình được triển khai trong môi trường nước có độ mặn dưới 100/00 đã thể hiện nhiều ưu điểm so với nuôi trong môi trường nước có độ mặn trên 100/00 như: khi trời mưa nhiều, tôm không bị sốc do độ mặn hầu như không thay đổi. Tôm nuôi ít bị bệnh do môi trường, nhiễm khuẩn. Thời gian nuôi tôm ngắn, giảm chi phí nhân công, hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi cá truyền thống. Đầu ra cho sản phẩm tôm thẻ chân trắng của Tổ hợp tác khá ổn định. Đến vụ thu hoạch, lần lượt các thành viên trong tổ trợ giúp lẫn nhau, thống nhất giá cả vì vậy không bị tư thương ép giá. Ngoài ra, tham gia Tổ hợp tác, các thành viên thường xuyên được cập nhật, trao đổi kiến thức về kỹ thuật chăm sóc, NTTS, trong đó đặc biệt là kiến thức về nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao nuôi nước ngọt. Các thành viên còn được HND phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật… Từ khi thành lập đến nay, thu nhập của các thành viên khá ổn định từ 200-250 triệu đồng/ha/năm. Việc mạnh dạn áp dụng thí điểm và bước đầu thu được thành công đã tiếp sức cho các thành viên tiếp tục hoàn thiện quy trình và mở rộng sản xuất, kết nạp thêm thành viên mới.