Mặc cái nắng tháng 6 gay gắt chúng tôi tìm về xã Giao Thiện (Giao Thủy), một trong những trung tâm nghề biển nuôi trồng, đánh bắt của tỉnh. Nắng to người dân nơi đây càng tất bật, say sưa bám biển, bám đầm ao khai thác và chăm sóc các con nuôi thủy, hải sản.
|
Vệ sinh nguồn nước nuôi tôm thẻ chân trắng tại ao nuôi của ông Trần Hữu Lợi, xóm Tân Hồng, Giao Thiện. |
Toàn xã có tổng diện tích nuôi thủy sản là 985ha, tổng sản lượng thu hoạch hằng năm trung bình trên 1.200 tấn. Trong đó, đối tượng nuôi chủ lực là tôm thẻ chân trắng. Nhiều năm trở lại đây, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, bão lũ, hạn hán kéo dài, đặc biệt là nhiệt độ gia tăng và lượng mưa thay đổi đột ngột làm cho độ mặn của nước tăng, giảm khó nắm bắt để xử lý khiến tôm không kịp thích nghi dẫn đến bị dịch bệnh, làm ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất nuôi. Nhờ tham gia các lớp tập huấn về nuôi tôm thẻ chân trắng thích ứng với biến đổi khí hậu do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ nên từ đầu năm đến nay nhiều hộ trong xã đã không ngần ngại đầu tư xây dựng, tu bổ cơ sở hạ tầng, nguồn nước nuôi tôm thẻ chân trắng. Ông Trần Hữu Lợi, xóm Tân Hồng là hộ tiêu biểu thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu thuộc Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam. Ông Lợi có 2ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo đúng kỹ thuật được dự án chuyển giao. Ông đầu tư đầy đủ các trang thiết bị như máy quạt nước, máy bơm, dụng cụ đo môi trường và một số dụng cụ thiết yếu khác; thực hiện nuôi thả tôm đúng lịch thời vụ, chọn giống tôm khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng. Ông Lợi cho biết năm nay việc nuôi tôm của gia đình ông thành công hơn so với những năm trước. Đến thời điểm này đàn tôm đã đạt kích cỡ có thể xuất bán và hoàn toàn khỏe mạnh, không có hiện tượng bị bệnh. Cùng với ông Lợi, ông Nguyễn Văn Khương, xóm 20 cũng là hộ nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả cao. Theo ông Khương, nuôi tôm thẻ chân trắng đòi hỏi người nuôi phải có kỹ thuật tốt, chịu khó tích lũy kinh nghiệm thực tế. Trước kia ông đã từng thất bại nhiều lần nhưng ông vẫn kiên trì rút kinh nghiệm kỹ thuật, đầu tư cho đối tượng này. Ông tích cực tham gia các hội thảo về nuôi tôm thẻ chân trắng, theo dõi tình hình của tôm từng ngày, thậm chí từng thời điểm khi có bất thường, bám sát diễn biến thời tiết để có những biện pháp phòng, chống, giúp đàn tôm luôn phát triển khỏe mạnh; mạnh dạn đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng nâng cấp hệ thống ao đầm, trang thiết bị phục vụ việc nuôi tôm thẻ đạt hiệu quả cao hơn. Ông cho biết: “Hệ thống bờ ao được tôi nâng cao tương đương với mặt nước biển để ngăn không cho nước biển tràn vào và được gia cố cẩn thận để tránh các tác nhân gây thiệt hại cho tôm. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh kiểm soát độ pH của nước trong ao nuôi là yếu tố vô cùng quan trọng”. Với diện tích hơn 1ha, trung bình ông Khương thu hoạch khoảng 6 tấn tôm thương phẩm/năm. Ngoài ra ở Giao Thiện còn nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng khác cho giá trị kinh tế cao như hộ ông Trần Xuân Thành, xóm 20; Vũ Hồng Chinh, xóm 24; chị Trần Thị Thu, xóm 18… Hộ nuôi của chị Trần Thị Thu có diện tích 1ha nuôi tôm thẻ chân trắng, mỗi năm cũng thu hoạch khoảng 6 tấn tôm. Theo chị Thu, ngay từ những công đoạn nhỏ nhất cũng cần phải tỉ mỉ, cẩn thận. Thức ăn sử dụng cho tôm phải đảm bảo chất lượng, an toàn, phù hợp với từng giai đoạn phát triển trong vụ nuôi; đảm bảo mật độ tôm thả vừa phải để việc chăm sóc, quản lý được phù hợp và dễ dàng. Chị hạn chế việc sử dụng các hóa chất trong quá trình nuôi, cải tạo ao đầm và luôn chủ động theo dõi tình trạng của tôm để có những biện pháp khắc phục kịp thời.
Phương pháp nuôi tôm nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, điều chỉnh các hoạt động nuôi phù hợp đã mở ra một hướng đi mới trong hoạt động kinh tế này hướng tới tính chất lâu dài, giúp người nuôi quan tâm hơn đến các yếu tố kỹ thuật, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của kiến thức khoa học, điều kiện vật chất để ứng phó với các tác động phức tạp của thời tiết, giúp cho việc nuôi tôm thẻ chân trắng trở nên hiệu quả và bền vững hơn. Từ kết quả bước đầu, xã Giao Thiện tiếp tục vận động các nhóm, hộ nuôi thủy sản đầu tư vốn, quy hoạch cải tạo ao đầm để phát triển nghề nuôi tôm theo hướng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, đa dạng hóa các đối tượng nuôi để đạt giá trị thu nhập cao. Phấn đấu tổng giá trị thu nhập từ kinh tế biển đạt 60 tỷ đồng/năm trở lên./.
Bài và ảnh:
Thanh Hoa