Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nông thôn tạo động lực xây dựng nông thôn mới

07:06, 23/06/2016

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2010-2015) xác định “Tập trung đầu tư, phát triển, đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu thu ngân sách; gắn kết với phát triển nông nghiệp và phục vụ có hiệu quả CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn”. Mục tiêu cụ thể là: phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) tăng bình quân 22 đến 23%/năm trong giai đoạn 2011-2015.

Đóng mới và sửa chữa các phương tiện vận tải thủy tại Cty TNHH Đại Nguyên Dương, CCN Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường).
Đóng mới và sửa chữa các phương tiện vận tải thủy tại Cty TNHH Đại Nguyên Dương, CCN Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường).

Để thực hiện Nghị quyết phát huy lợi thế có nhiều nghề, làng nghề truyền thống, ngay sau Đại hội, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 06-NQ/TU, ngày 25-7-2011 về “Phát triển CN-TTCN, làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2011-2015”, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 37/KH-UBND, ngày 12-8-2011 cụ thể hóa các mục tiêu, biện pháp của Nghị quyết số 06 lồng ghép với xây dựng NTM. Thực hiện chủ trương của tỉnh, trong quá trình quy hoạch xây dựng NTM, các địa phương đều dành quỹ đất để phát triển sản xuất CN-TTCN, phát triển ngành nghề theo mô hình điểm, CCN nông thôn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 20 CCN được tỉnh đầu tư kinh phí triển khai xây dựng hạ tầng như các CCN: Xuân Tiến, Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường), Hải Phương (Hải Hậu), Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), An Xá (TP Nam Định), Tống Xá, La Xuyên (Ý Yên), Đồng Côi (Nam Trực)... Các CCN tập trung ở khu vực nông thôn đã thu hút 471 dự án của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng vốn đăng ký gần 3.000 tỷ đồng; trong đó đã thực hiện là 2.706 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 19 nghìn lao động. Ngoài các CCN tập trung, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 9 điểm công nghiệp tại các xã xây dựng NTM: Xuân Ninh, Xuân Kiên (Xuân Trường); Yên Định, Hải Đường (Hải Hậu); Hiển Khánh (Vụ Bản); Nam Hồng (Nam Trực); Giao Yến, Hoành Sơn (Giao Thủy); Trung Đông (Trực Ninh) với tổng diện tích gần 20 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 1.344 tỷ đồng; thu hút khoảng 4.170 lao động. Để góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất CN-TTCN nông thôn bền vững, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông huyết mạch; tạo lập, cải thiện môi trường thu hút đầu tư bằng các cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư vào tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp qua công tác khuyến công và xúc tiến thương mại, ưu tiên cung cấp điện cho sản xuất... Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, UBND các địa phương và vận động các doanh nghiệp thực hiện chương trình “doanh nghiệp liên kết với làng nghề”, “đầu tư về khu vực nông thôn”. Những mô hình này đã vực dậy nhiều làng nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một của nhiều địa phương. Điển hình là Cty CP Dệt may Sơn Nam liên kết với các làng dệt khăn truyền thống ở Nam Hồng (Nam Trực), Phương Định (Trực Ninh); Cty Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ (Najimex) liên kết với các làng nghề mây, tre đan ở các huyện Ý Yên, Vụ Bản… Đến năm 2015, toàn tỉnh đã thu hút được 26 doanh nghiệp đầu tư gần 2.000 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, phát triển sản xuất đa dạng ngành nghề như: dệt may, da giày, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu… ở khu vực nông thôn. Hầu hết các xã, thị trấn có doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh qua rà soát đánh giá đều đạt từ 17 tiêu chí NTM trở lên.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06, Kế hoạch số 37, sản xuất CN-TTCN của tỉnh ta có bước phát triển tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phục vụ có hiệu quả Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn. Sản xuất CN-TTCN và ngành nghề nông thôn tiếp tục phát triển đạt mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 25%/năm. Giá trị sản xuất CN-TTCN và ngành nghề nông thôn năm 2015 đạt gần 35 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), chiếm 55,1% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Các làng nghề phát triển, một số ngành nghề truyền thống được khôi phục. Toàn tỉnh hiện có 130 làng nghề sản xuất CN-TTCN và ngành nghề nông thôn (tăng 51 làng nghề so với năm 2010), với trên 52 nghìn hộ sản xuất kinh doanh, hàng năm thu hút trên 130 nghìn lao động. Cùng với duy trì và phát triển nghề truyền thống, nghề sẵn có, các địa phương đã tích cực triển khai công tác đào tạo nghề, truyền nghề mới cho lao động nông thôn. Nhiều xã đã phát triển được nghề may công nghiệp, mây tre đan, thêu ren, mộc mỹ nghệ, móc sợi, thúc dát đồng,... Hàng hoá của các làng nghề trong tỉnh có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, một số mặt hàng đã xuất khẩu ra nước ngoài. Hầu hết các hộ làm nghề đều có thu nhập khá. Ngành nghề nông thôn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập và đóng góp quan trọng vào thực hiện chương trình xây dựng NTM. Hoạt động khuyến công được thực hiện có hiệu quả với 249 chương trình, dự án khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ 20,5 tỷ đồng. Các chương trình, đề án khuyến công đã tập trung đào tạo nghề, truyền nghề mới cho gần 7.000 lao động; tổ chức các lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông thôn xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới. Bên cạnh đó, nhiệm vụ phát triển sản xuất CN-TTCN; thu hút đầu tư về nông thôn cũng đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chú trọng. Trong giai đoạn 2011-2015, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Tiêu biểu như: Cty CP May Sông Hồng đầu tư các xưởng sản xuất tại huyện Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, tạo việc làm cho gần 6.000 lao động nông thôn; Cty TNHH Yamani Dynasty - Đài Loan đã đầu tư các xưởng sản xuất giầy da tại cụm công nghiệp Nam Hồng (Nam Trực) tạo việc làm cho 2.700 lao động nông thôn; Tổng Cty CP Dệt may Nam Định xây dựng các xưởng sản xuất tại các huyện: Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên, tạo việc làm cho 1.700 lao động nông thôn… Cùng với đó, công tác đào tạo nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề mới được chú trọng, quan tâm đúng mức. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các địa phương triển khai thực hiện tốt Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình, đề án khuyến công để đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Sau 5 năm, toàn tỉnh đã tổ chức trên 1.000 lớp dạy nghề cho 35,2 nghìn lao động nông thôn, trong đó có gần 25,5 nghìn lao động (chiếm 72,4%) được học các nghề sản xuất CN-TTCN. Trên 80% lao động sau học nghề có việc làm ổn định trong các CCN, điểm công nghiệp và cơ sở sản xuất trong các làng nghề với thu nhập bình quân đạt từ 2,5-5,5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, tỷ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo nghề tăng từ 31,5% năm 2010 lên 40% năm 2015. Các hoạt động phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và đào tạo nghề đã góp phần quan trọng tạo thêm nhiều việc làm ổn định và thu nhập khá cho người dân nông thôn, thúc đẩy nhanh tiến độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và tạo thêm nhiều nguồn lực để xây dựng NTM. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên tăng từ 75% (năm 2010) lên 91% (năm 2015). Tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm từ 65,8% (năm 2010) xuống 60,8% (năm 2015). Sản xuất CN-TTCN nông thôn phát triển đã góp phần quan trọng nâng mức thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng từ 12,7 triệu đồng/người (năm 2010) lên 30 triệu đồng/người (năm 2015). Riêng 112 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2010-2015, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16,43 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên 35 triệu đồng/người/năm (năm 2015). Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh đã có 156 xã (bằng 75%) đạt và cơ bản đạt chuẩn tiêu chí về thu nhập; 132 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn tiêu chí hộ nghèo; 197 xã (bằng 94%) đạt chuẩn tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên.

Trên cơ sở phân tích những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 37 của UBND tỉnh Sở Công thương đã phối hợp với các sở, ngành chức năng tham mưu với UBND tỉnh triển khai xây dựng hai quy hoạch quan trọng là: Quy hoạch phát triển ngành nghề TTCN và Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu... của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Tiếp tục triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển CN-TTCN; làng nghề; các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Tiếp tục đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp hệ thống giao thông huyết mạch, đường giao thông liên huyện; đường dẫn đến các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề phục vụ sản xuất và lưu thông hàng hóa. Tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thu hút các dự án đầu tư lấp đầy các KCN đã triển khai xây dựng; thúc đẩy xây dựng các KCN mới, nhất là KCN chuyên ngành sợi, dệt, nhuộm Rạng Đông (Nghĩa Hưng), KCN Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) và Thịnh Long (Hải Hậu) nhằm thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, đóng góp lớn cho ngân sách và thân thiện với môi trường; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy nhiệt điện tại Hải Hậu. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; Chú trọng công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đa dạng, đa tầng của công nghệ và trình độ phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề mà doanh nghiệp yêu cầu; xây dựng cơ chế chính sách, cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com