Theo Thông tư 08/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định cấp nước an toàn là phải bảo đảm cung cấp nước ổn định, đủ áp lực, liên tục, đủ lượng nước, chất lượng nước theo quy chuẩn. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta, việc cấp nước an toàn tại các đơn vị, doanh nghiệp đã cơ bản được đảm bảo đồng bộ.
|
Công nhân Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định vận hành trạm bơm cấp nước Liên Hà 1 (TP Nam Định). |
Hiện tại, toàn tỉnh có 56 nhà máy nước tập trung phục vụ cấp nước sạch sinh hoạt cho Thành phố Nam Định và các địa phương thuộc 9 huyện. Là một trong đơn vị cung ứng nước sạch chủ yếu ở địa bàn nông thôn mùa hè, Cty CP Nước sạch và Vệ sinh nông thôn tỉnh luôn phải đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch tăng 10-15% so với các thời điểm khác. Năm 2015, căn cứ kết quả khảo sát hiện trạng và đảm bảo phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, Cty đã đầu tư 44 tỷ đồng để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các thiết bị công nghệ và hệ thống đường ống. Cty đã tiến hành nối mạng hệ thống cấp nước cho xã Yên Đồng (Ý Yên), triển khai cấp nước sạch cho 2 xã Giao Tân, Giao Lạc (Giao Thủy), Xuân Hòa, Xuân Tiến (Xuân Trường), bổ sung hơn 5km tuyến đường ống nước thô D280 lấy nước sông Hồng cấp cho Nhà máy nước Mỹ Lộc, bổ sung trang thiết bị và một số hạng mục cho nhà kiểm định chất lượng nước, kho chứa vật tư của Nhà máy nước Liên Bảo (Vụ Bản); lắp đặt bổ sung máy bơm cấp II tại Nhà máy nước Giao Thủy bảo đảm cấp nước sạch cho 12.668 hộ khách hàng mới. Để phục vụ đợt cao điểm sử dụng nước sạch trong mùa hè 2016, ngay từ đầu tháng 4, Cty đã chỉ đạo các nhà máy nước xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn, trọng tâm là khâu quản lý, giám sát quy trình sản xuất, vận hành và bảo dưỡng máy móc, thiết bị đúng quy định, không để xảy ra mất an toàn trong sản xuất. Đồng thời yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý đường ống, thi công đấu nối và sửa chữa mạng cấp nước, lắp đặt đồng hồ, thực hiện kiểm tra chất lượng nước thường xuyên và đột xuất đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân về sản lượng cũng như chất lượng nước. Trong trường hợp có sự cố xảy ra phải tập trung khắc phục kịp thời trong vòng 24h. Phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá các tác động ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, đề xuất các biện pháp quản lý các nguồn ô nhiễm nhằm bảo vệ và duy trì chất lượng nước, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp làm ô nhiễm nguồn nước, hành vi xâm phạm, gây mất an toàn cấp nước trên địa bàn mình quản lý. Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định hiện có 4 nhà máy cung cấp nước sạch tại Thành phố Nam Định, Thị trấn Gôi, Thị trấn Lâm, Thị trấn Cổ Lễ và các khu dân cư xung quanh với sản lượng nước đạt 20,8 triệu m
3/năm. Cty đã thành lập Ban cấp nước an toàn, xây dựng kế hoạch cấp nước thường xuyên và các đợt cao điểm, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, theo dõi thực trạng cấp nước, các thông tin phản hồi của khách hàng để có kế hoạch cấp nước phù hợp; kịp thời điều chỉnh phương án cấp nước đảm bảo đủ về lưu lượng và áp lực. Cty còn chủ động xây dựng kế hoạch dự phòng và triển khai hiệu quả biện pháp chống nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ở tất cả các điểm lấy nước đầu vào nhằm cung cấp đủ lượng nước đạt chuẩn về chất lượng đến người tiêu dùng. Đồng thời, phân công cán bộ thường trực 24/24h, thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của nhân dân về sự cố đường nước để xử lý, khắc phục kịp thời. Ngoài ra, Cty chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn kỹ thuật và thi công xây dựng phương án dịch chuyển, bảo vệ đường ống trong phạm vi các dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông và phát triển đô thị ở ngoại vi thành phố. Phối hợp với Cty Điện lực Nam Định đảm bảo cấp điện ổn định để vận hành các nhà máy nước trong mùa hè.
Cái khó của các đơn vị cấp nước hiện nay là trong lực lượng làm nhiệm vụ cấp nước an toàn, số lượng cán bộ chuyên môn cao chưa nhiều, tính chuyên nghiệp không cao, chưa được tập huấn, bồi dưỡng và đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật nghiệp vụ và phần lớn là kiêm nhiệm nên việc tổ chức triển khai nhiệm vụ cấp nước an toàn chưa thực sự hiệu quả. Đối với cấp tỉnh vẫn chưa thành lập Ban chỉ đạo cấp nước an toàn, do đó việc phối hợp thực hiện cấp nước an toàn giữa các cấp, ngành liên quan chưa được đồng bộ, đặc biệt trong việc xử lý các vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước. Sở Xây dựng cần tham mưu cho UBND tỉnh sớm thành lập Ban chỉ đạo cấp nước an toàn, xây dựng quy chế hoạt động cụ thể, rõ ràng. Các địa phương cần quan tâm về bảo vệ nguồn nước, chống ô nhiễm, nhiễm mặn; công tác giám sát, kiểm tra chất lượng phải được làm thường xuyên theo quy định, kịp thời khắc phục sự cố mất nước, duy trì áp lực, chất lượng nước theo đúng quy định./.
Bài và ảnh:
Đức Toàn