Năm 2016 là năm cao điểm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đầu năm đến nay, Sở NN và PTNT đã triển khai thực hiện đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương ngăn chặn, xử lý các vi phạm về ATVSTP trong sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành, tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông, lâm, thủy sản.
Sở NN và PTNT đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân thông điệp “Chung tay bảo đảm ATTP vì một nền nông nghiệp bền vững”, đồng thời phổ biến cách nhận biết về sản phẩm thịt có Salbutamol, Vàng ô, tôm chứa tạp chất, chế tài xử phạt đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản có sử dụng chất cấm. Tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền về Luật ATTP, các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP, các tiêu chuẩn, quy chuẩn điều kiện ATVSTP và kiến thức khoa học về ATVSTP, làm rõ tác hại đối với sức khỏe người tiêu dùng, thiệt hại với nhà sản xuất, kinh doanh khi sử dụng hóa chất, thuốc BVTV không đúng quy định. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Sở NN và PTNT chỉ đạo các đơn vị trong ngành tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình quản lý chất lượng như: Ngao sạch Giao Thủy (Hội nuôi nhuyễn thể huyện Giao Thủy); ngao sạch Lenger (Cty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam); chả cá Hùng Vương (Cty TNHH Hải sản Hùng Vương)… Đẩy mạnh việc hướng dẫn xây dựng liên kết hình thành chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn cho các sản phẩm và chuỗi mới: liên kết sản xuất, chế biến lúa gạo chất lượng cao do Cty TNHH Toản Xuân thực hiện; hướng dẫn mô hình sản xuất rau sạch theo quy trình Nhật Bản; hỗ trợ, tạo điều kiện cho Tập đoàn VinGroup xây dựng vùng sản xuất rau an toàn tại huyện Xuân Trường… Tư vấn hướng dẫn cho các cơ sở áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến và quy trình thực hành sản xuất sản phẩm an toàn: Áp dụng chương trình quản lý theo HACPP cho sản phẩm ngô sấy của Cty TNHH Minh Dương (KCN Hòa Xá) và sản phẩm chế biến từ thịt của Cty CP Đầu tư Nam Phát (TP Nam Định) hướng dẫn sản xuất rau, thịt an toàn theo VietGAP cho các xã viên thuộc HTX Vạn Xuân Trường (Vụ Bản) và HTX Sản xuất rau, hoa Long Hải xã Nam Cường (Nam Trực). Thông tin về chuỗi nông, lâm, thủy sản an toàn và thí điểm xác nhận sản phẩm an toàn cho: rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm và thủy hải sản của Cty TNHH một thành viên Thương mại và dịch vụ Tuệ Hương (TP Nam Định); cá bống bớp của Hội nuôi trồng thủy sản Nghĩa Hưng; nước mắm Ninh Cơ của Cty CP Chế biến hải sản Nam Định… Công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm an toàn có xác nhận cũng được tích cực triển khai bước đầu đã tạo được mối liên kết sản xuất - kinh doanh - tiêu thụ sản phẩm đối với một số sản phẩm chủ lực. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với các địa phương tổ chức 2 đợt thanh tra, kiểm tra về chất cấm trong chăn nuôi. Đợt 1 từ tháng 12-2015 đến tháng 2-2016 đã kiểm tra 20 cơ sở chăn nuôi, 12 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, 18 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, 18 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm); lấy 76 mẫu (51 mẫu nước tiểu, 8 mẫu thức ăn chăn nuôi, 17 mẫu thịt lợn); kết quả các mẫu đều âm tính với chất Salbutamol. Đợt 2 từ ngày 23-3 đến 12-5-2016 đã kiểm tra 40 cơ sở chăn nuôi, 5 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, 4 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, 13 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; lấy 69 mẫu (51 mẫu nước tiểu, 18 mẫu thức ăn chăn nuôi); phát hiện 15 mẫu thuốc thú y vi phạm (2 mẫu ngoài danh mục, 13 mẫu hết hạn sử dụng). Ngoài ra, Chi cục còn phối hợp với huyện Hải Hậu và Giao Thủy kiểm tra, ký cam kết thực hiện kiểm dịch an toàn dịch bệnh với 7 cơ sở kinh doanh giống thủy sản. Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản thực hiện kiểm tra, xếp loại 49 cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản theo Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT, trong đó: kiểm tra định kỳ 37 cơ sở (36 cơ sở xếp loại B, 1 cơ sở xếp loại C); kiểm tra lần đầu 12 cơ sở (12 cơ sở xếp loại B). Từ đầu năm đến nay, các đơn vị thuộc Sở NN và PTNT đã thanh tra, kiểm tra 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt và sản phẩm từ thịt; 32 cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản, sản xuất mắm và sản phẩm dạng mắm; 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả; 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguồn gốc động vật; 19 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, chế phẩm, thuốc thú y thủy sản; 12 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi; 18 cơ sở giết mổ; 20 cơ sở chăn nuôi. Kết quả có 8 cơ sở không đạt yêu cầu, 2 mẫu kiểm nghiệm không đạt yêu cầu về ATTP, tổng tiền xử phạt hơn 42 triệu đồng. Nhìn chung các hoạt động bảo đảm ATVSTP được triển khai đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ của ngành NN và PTNT với các ngành, các cấp chính quyền, các đơn vị liên quan. Công tác tuyên truyền được làm tốt, sát với yêu cầu thực tiễn, có trọng tâm và hình thức phù hợp tạo được hiệu quả cao, có tác động rất tốt, nâng cao nhận thức của người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.
|
Đoàn thanh tra liên ngành ATVSTP của tỉnh kiểm tra bếp ăn tập thể Cty CP May Sông Hồng, cơ sở huyện Nghĩa Hưng. |
Ngoài các hoạt động thường xuyên đảm bảo ATTP, trong các dịp cao điểm như: Tết Nguyên đán, các ngày lễ hội, Tháng hành động ATVSTP, các đơn vị trực thuộc Sở NN và PTNT đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động và triển khai chiến dịch truyền thông đảm bảo ATTP. Đồng thời tổ chức các đoàn thanh tra chuyên ngành kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp và ATVSTP các cơ sở sản xuất ban đầu, cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm. Phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh thành lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra các địa phương về thực hiện công tác đảm bảo ATVSTP. Trong “Tháng hành động vì ATTP” năm 2016, đoàn thanh tra liên ngành do Sở NN và PTNT chủ trì tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các huyện Nam Trực và Nghĩa Hưng. Qua kiểm tra cho thấy các huyện đã kiện toàn ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai tháng hành động. Huyện Nam Trực đã kiểm tra công tác bảo đảm ATVSTP tại 20 bếp ăn tập thể trường mầm non, 3 bếp ăn trường tiểu học, 2 bếp ăn cung cấp suất ăn sẵn của 2 cơ sở may tư nhân thuộc xã Nam Mỹ. Lấy mẫu làm test nhanh 50 mẫu nước dùng trong ăn uống, kiểm tra độ sạch 20 mẫu dụng cụ ăn uống. Lấy mẫu nước tiểu, thức ăn chăn nuôi kiểm tra chất cấm tại 2 hộ chăn nuôi ở xã Nam Cường, 1 hộ ở xã Nam Hồng, kết quả âm tính với Salbutamol… Tại huyện Nghĩa Hưng kiểm tra 1 cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết, 5 cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn, 1 cơ sở kinh doanh thực phẩm chín, 4 nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, 2 bếp ăn tập thể trường mầm non; đã nhắc nhở, cảnh cáo 3 cơ sở vi phạm về thủ tục hành chính thiếu các giấy tờ: giấy đăng ký kinh doanh, giấy xác nhận kiến thức ATTP, giấy chứng nhận sức khỏe của người sản xuất, kinh doanh.
Để tiếp tục thực hiện tốt Năm cao điểm ATVSTP trong lĩnh vực nông nghiệp, trong thời gian tới, Sở NN và PTNT sẽ đẩy mạnh công tác giám sát ATVSTP nông, lâm, thủy sản. Đảm bảo an toàn cho 2 vùng nuôi nhuyễn thể của tỉnh để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Giám sát các chất độc hại đối với các sản phẩm thủy sản nuôi chủ lực của tỉnh như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, cá bống bớp… đảm bảo an toàn cho sản phẩm. Triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát nông sản chính như: rau, củ, quả, thịt gà, thịt lợn… đánh giá, cảnh báo nguy cơ và truy xuất nguồn gốc, xử lý các trường hợp vi phạm. Tập trung giám sát chất lượng thực phẩm ở các cơ sở cung cấp chính cho các bếp ăn tập thể, KCN, trường học… và các vùng sản xuất rau an toàn để cảnh báo và tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Giám sát chất lượng thủy sản nuôi sau thu hoạch, các sản phẩm thủy sản khai thác để phát hiện, ngăn chặn việc sử dụng hóa chất, chất kháng sinh trong bảo quản sản phẩm. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT tiếp tục tăng cường hỗ trợ liên kết sản xuất, kinh doanh nông sản sạch theo hướng bền vững. Hướng dẫn các cơ sở xây dựng, quảng bá thương hiệu, kết nối tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh./.
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh