Phát huy hiệu quả của các tổ đội khai thác hải sản trên biển

08:05, 31/05/2016
Lao động sản xuất trên biển trong điều kiện các dịch vụ hậu cần, trang thiết bị bảo vệ hạn chế nên mô hình tổ đội khai thác trên biển là sự lựa chọn quan trọng của nhiều ngư dân. Họ liên kết, sát cánh bên nhau trong quá trình vươn khơi đánh bắt, tìm kiếm ngư trường mới.
Ngư dân xã Hải Triều (Hải Hậu) chuẩn bị ngư cụ cho chuyến ra khơi.
Ngư dân xã Hải Triều (Hải Hậu) chuẩn bị ngư cụ cho chuyến ra khơi.
Toàn tỉnh hiện có 18 tổ hợp tác khai thác thủy sản (huyện Giao Thủy có 6 tổ đội, huyện Hải Hậu có 7 tổ đội, huyện Nghĩa Hưng có 4 tổ đội, huyện Trực Ninh có 1 tổ đội) với khoảng 550 tàu và 2.300 lao động. Các tổ hợp tác khai thác thủy sản được thành lập và đi vào hoạt động, khi tham gia sản xuất trên biển các tàu thường xuyên thông tin cho nhau về tình hình ngư trường giúp tiết kiệm được chi phí, nhiên liệu trong mỗi chuyến biển, giúp đỡ nhau khi gặp tai nạn, rủi ro, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trên biển. Anh Nguyễn Văn Hiếu, xóm Tân Minh, xã Hải Triều (Hải Hậu) là chủ thuyền thuộc tổ đội khai thác thủy hải sản của xã Hải Triều cho biết: “Tổ đội của chúng tôi gồm những tàu thuyền có công suất từ 300 đến 600CV. Từ ngày thành lập tổ đội, chúng tôi luôn sát cánh bên nhau, hỗ trợ nhau kịp thời những khi máy móc gặp trục trặc hay chia sẻ với nhau khi phát hiện được nơi có nhiều cá. Cùng chia sẻ từ những thắng lợi đến khó khăn khi lênh đênh biển cả nên chúng tôi càng thêm gắn bó với nhau. Chính vì thế nên công việc tuy vất vả, nhưng lúc nào trên tàu cũng rộn rã tiếng nói cười”. Anh Hiếu cho biết thêm, khi tham gia vào hoạt động theo tổ đội, công việc hiệu quả hơn rất nhiều. Các thành viên cùng hỗ trợ nhau khi vận chuyển thủy hải sản vào bờ, rồi lại vận chuyển vật tư, nhu yếu phẩm như nhiên liệu, đá lạnh… lên tàu ra biển. Việc tìm kiếm các ngư trường khai thác cũng hiệu quả hơn, tiết kiệm được thời gian và nhiên liệu hơn. Anh Nguyễn Văn Tuyến, xã Hải Chính (Hải Hậu) là ngư dân có bề dày kinh nghiệm trong việc khai thác, đánh bắt thủy hải sản xa bờ. Anh chia sẻ về một lần khi đang khai thác ở ngư trường rất xa bờ thì máy tàu của anh gặp sự cố, không di chuyển được. Rất may là ngay khi phát tín hiệu thông báo tình hình, tàu của anh đã được một tàu khác cùng tổ hợp tác trợ giúp, kéo tàu anh Tuyến tiếp tục bám biển, hết con nước lại cùng nhau cập bến an toàn. Nhờ vậy mà chuyến ra khơi đó anh Tuyến không bị thua lỗ. Hiện nay, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản theo 2 nghề chính là nghề lưới rê và nghề lưới kéo, hoạt động chủ yếu tại ngư trường Vịnh Bắc Bộ và vùng biển miền Trung. Ngoài ra, có một số ít tàu làm nghề câu, chụp mực, đăng đáy… Ngư dân các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng phát triển nghề lưới rê với đội tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ và cả những nhóm tàu công suất nhỏ dưới 20CV khai thác ven bờ. Một số đơn vị sản xuất đạt hiệu quả khá, điển hình là tổ hợp tác nghề lưới rê kết hợp chụp mực của các xã Hải Lý, Hải Chính, Hải Xuân (Hải Hậu). Từ khi tham gia khai thác theo tổ hợp tác, mỗi chuyến biển có lãi từ 30-50 triệu đồng, có tàu thu lãi từ 150-200 triệu đồng, gấp nhiều lần so với trước kia. Qua thực tế cho thấy, việc thành lập các tổ đội khai thác thủy sản giúp ngư dân phối hợp với nhau chặt chẽ hơn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt khó khăn, nâng cao hiệu quả khai thác và hỗ trợ lẫn nhau trong phòng chống thiên tai, rủi ro tai nạn trên biển. Trên tinh thần tự nguyện, các tổ đội liên kết với nhau theo quy tắc: cùng nghề, cùng ngư trường và cùng địa bàn cư trú, cùng thống nhất hợp tác với mục tiêu chung đội tàu cá đoàn kết và hiệu quả. Qua thực tiễn hoạt động, ngư dân ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tham gia các tổ, đội khai thác, từ đó càng có ý thức trong việc thực hiện nghiêm quy định, quy ước của tổ đội; góp phần đưa sản lượng khai thác không ngừng tăng lên. Qua tổ đội làm đầu mối, các cơ quan, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền đến ngư dân các vấn đề về an ninh, chủ quyền đất nước, công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác trên biển. Nhờ đó ngư dân cũng nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những tổ đội được thành lập mang tính hình thức, chưa xây dựng được quy chế hoạt động cụ thể, thiếu sự ràng buộc về pháp lý; thành viên chưa thực sự đoàn kết khiến lực lượng trong tổ hợp tác không ổn định mà thay đổi nhiều; một số tổ đội không có vốn đầu tư nên không có điều kiện sửa chữa, nâng cấp tàu thuyền để đủ năng lực vươn khơi tìm kiếm ngư trường mới…
 
Để khắc phục những khó khăn này, chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền về những hiệu quả, kinh nghiệm của các tổ đội khai thác thủy hải sản đang hoạt động tốt, vận động những tàu khai thác xa bờ đơn lẻ tham gia tổ đội để hỗ trợ lẫn nhau, giúp tăng hiệu quả khai thác và đảm bảo tốt an ninh trật tự trên biển./.
 
Bài và ảnh: Thanh Hoa


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com