Với lợi thế vùng đất cát pha, nguồn nước tưới dồi dào phù sa, xã Giao Phong là một trong những vùng đất trồng màu lớn của huyện Giao Thủy. Đất đai ở đây đang được coi như “tấc đất tấc vàng” bởi những giá trị về kinh tế mà nó mang lại. Với sự cần cù chịu thương chịu khó và sự sáng tạo, người nông dân xã Giao Phong đã làm chủ được kỹ thuật canh tác, khai thác tốt tiềm năng đất đai tạo ra những cánh đồng cho thu nhập 300 triệu đồng/ha.
Những ngày này, người nông dân xã Giao Phong vẫn đang cần mẫn bên những thửa vườn, luống rau chuẩn bị cho vụ thu hoạch. Ngoài sản xuất rau màu theo chính vụ, nông dân trong xã đã khai thác hiệu quả điều kiện canh tác để trồng trái vụ. Những giống cây rau màu mới được lựa chọn canh tác như khoai tây Đức, khoai tây Hà Lan… đã được cán bộ của Viện Cây lương thực và thực phẩm chuyển giao kỹ thuật và đang được nông dân nơi đây áp dụng có hiệu quả. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Ban Nông nghiệp và HND xã Giao Phong, nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật được tổ chức, thu hút hàng trăm hộ nông dân trong xã tham dự. Theo chân đồng chí Lâm Quang Hướng, xóm trưởng xóm Lâm Quan, xã Giao Phong, chúng tôi đi thăm những cánh đồng lớn trồng khoai tây vụ đông khi những luống khoai tây đã phủ kín, một màu xanh ngút ngàn hứa hẹn một vụ bội thu. Chị Nguyễn Thị Liễu, hội viên nông dân xóm Lâm Quan đã có hàng chục năm gắn bó với đồng màu cho biết, ngoài kinh nghiệm trồng màu đã tích lũy từ nhiều năm qua, cùng với sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ HND và Ban nông nghiệp xã, mỗi thửa ruộng màu tại Giao Phong đã xen canh gối 4-5 vụ trong năm cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Nông dân xã Giao Phong chăm sóc rau màu vụ đông xuân. |
Là địa phương có thế mạnh phát triển nông nghiệp, những năm qua xã Giao Phong có chủ trương khuyến khích người dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất thâm canh nhằm tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Với diện tích đất nông nghiệp 270ha, trong đó có 250ha sản xuất màu; diện tích còn lại trồng 1 vụ lúa và 2 đến 3 vụ màu đều cho năng suất cao đã và đang được nông dân áp dụng theo hướng quay vòng gối vụ, trong đó diện tích đất trồng màu + lúa của địa phương đạt giá trị 65 tỷ đồng/năm. Ngoài diện tích trồng màu, xã Giao Phong còn có 145ha diện tích chuyên canh nuôi trồng thủy sản; trong đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp có hơn 80ha, sản lượng thủy sản ước đạt 350 tấn/năm. Riêng sản lượng tôm sú và tôm thẻ chân trắng đạt 320 tấn/năm. Đối với sản xuất muối mặc dù thu nhập không cao song xã chỉ đạo diêm dân tiếp tục duy trì hơn 50ha sản xuất muối truyền thống cho sản lượng 500 tấn/năm.
Đồng chí Phạm Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng Ban nông nghiệp xã Giao Phong cho biết: Với lợi thế ven biển, tận dụng tối đa nguồn đất, người nông dân xã Giao Phong đã khai thác có hiệu quả từng mảnh đất từ nội đồng đến ven biển tạo nên nét đặc trưng riêng có của địa phương. Bà con tận dụng từng tấc đất, chuyển đổi đất hoang hóa thành vùng màu lên tới cả hàng trăm ha. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, xã đã xây dựng thành vùng sản xuất chuyên canh trồng rau màu, vùng nuôi thủy sản… khuyến khích các hộ nông dân nuôi, trồng theo hướng VietGAP nhằm đáp ứng thị trường rau sạch cho các siêu thị và thành phố lớn. Cũng từ định hướng này đã dần thay đổi tập quán canh tác theo hướng sản xuất hàng hóa. Chính vì vậy đến vụ thu hoạch, các Cty về lấy hàng tận ruộng nên nông dân luôn yên tâm về đầu ra cho nông sản. Cùng với đó địa phương đã có quy hoạch chuyển đổi diện tích làm muối kém hiệu quả sang trồng màu cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với làm muối.
Hiện nay ở Giao Phong, mỗi vụ cây trồng đều được rút ngắn hơn so với trước bởi những giống cũ được thay thế bằng giống mới cho năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn được nhập từ Đức, Hà Lan, Thái Lan như khoai tây, rau, củ cải, dưa lê siêu ngọt, dưa hấu với thời gian sinh trưởng chỉ từ 1,5 đến 3 tháng. Với hệ thống kênh mương cấp 3 được kiên cố hóa đạt gần 90%, hệ thống nước tưới bằng giếng khoan ra tận ruộng đã tạo thuận lợi cho cả khâu tưới và tiêu ở mỗi vụ. Nhiều hộ nông dân còn mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới hoa sen tự động tạo nên những cánh đồng màu hiện đại, giải phóng sức lao động cho nông dân, đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất. Với phương thức trồng xen cây, gối vụ đã mang lại thu nhập cho những cánh đồng màu đạt giá trị trung bình từ 300-400 triệu đồng/ha, cá biệt có diện tích cấy 5 vụ lên tới 500 triệu đồng/ha. Với giá trị kinh tế do sản xuất màu, thủy sản mang lại, từ năm 2014, UBND xã Giao Phong đã trình các cấp có thẩm quyền về việc quy hoạch chuyển đổi diện tích làm muối năng suất thấp sang trồng màu có giá trị cao hơn được bà con đồng tình hưởng ứng tích cực. Là địa phương đã về đích trong xây dựng NTM năm 2014; trong đó, một trong những tiêu chí mà Giao Phong đạt được đầu tiên là mức thu nhập bình quân của người dân đạt trên 31 triệu đồng/người/năm. Với sự đồng thuận của người dân, sự góp công, góp của đã tạo nên diện mạo NTM của địa phương có bước chuyển biến rõ rệt. 100% số xóm đạt khu dân cư văn hóa, hơn 92% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng trong quá trình xây dựng NTM ở Giao Phong./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn