Để động viên toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, dồn sức chi viện cho tiền tuyến lớn, ngày 16-4-1975, Ban TVTU đã ra Chỉ thị phát động phong trào quần chúng “Thi đua với miền Nam, mỗi người làm việc bằng hai” nhằm đóng góp cao nhất cho nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hưởng ứng phong trào thi đua, nhiều cơ quan và đơn vị đã có phong trào “Giờ làm việc giải phóng miền Nam”; thanh niên có phong trào “Tình nguyện vượt mức kế hoạch”; khối các doanh nghiệp cũng phát động nhiều phong trào thi đua như: Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định dệt thêm 15 nghìn mét vải “mừng chiến thắng, vì miền Nam”; Xí nghiệp Dệt Dân sinh dệt vượt mức 15 nghìn mét vải. Các HTX, cơ sở sản xuất ngành cơ khí đã sản xuất 500 máy bơm thuốc trừ sâu, 100 máy đập lúa, Xí nghiệp Cơ khí C50 phát động phong trào “làm thêm 1 tấn sản phẩm” trong tháng 4-1975 để mừng miền Nam thắng lợi…
Hơn 40 năm đã qua, ký ức về những năm tháng “một người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” của bà Phạm Thị Liên, Anh hùng Lao động; nguyên đại biểu Quốc hội các khóa V, VI, VII; nguyên Phó Giám đốc Nhà máy Liên hợp dệt Nam Định vẫn vẹn nguyên. Bước vào Chiến dịch “một triệu mét vải vì miền Nam ruột thịt” bà Liên là tổ trưởng tổ dệt máy Đức số 1, ca C, buồng dệt A - Tổ Lao động xã hội chủ nghĩa 3 năm liền (từ năm 1971). Để thực hiện và hoàn thành mục tiêu lớn trên, không chỉ bà Liên và các thành viên ưu tú trong tổ Nguyễn Thị Vân, Phạm Thị Tân mà hầu hết công nhân trong các buồng, các xưởng đều nỗ lực hưởng ứng tăng ca, tăng giờ; tăng năng suất, tăng sản lượng. Thông thường, Nhà máy thực hiện sản xuất 3 ca liên tục sáng, chiều, đêm với tỷ lệ: 3 sáng, 3 chiều, 2 đêm và nghỉ một ngày rồi lại quay vòng tiếp. Nhưng trong chiến dịch tăng ca, để giảm thiểu thời gian đóng máy, hầu hết công nhân đều tăng thêm một ca đêm ngay sau khi hết 3 ca sáng hoặc làm thêm từ 2-3 tiếng buổi chiều trong 3 ngày ca sáng. Nỗ lực không mệt mỏi của từng công nhân đã tạo nên sức mạnh tổng thể của Nhà máy. Phong trào “một triệu mét vải vì miền Nam ruột thịt” của Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định đã thành công rực rỡ. Liên tục trong 3 năm (1973-1975), mỗi năm Nhà máy đều vượt kế hoạch từ 1 triệu đến 1,5 triệu mét vải, sản xuất được 18 nghìn tấm chăn kịp thời cung ứng cho chiến trường. Nỗ lực nhỏ bé của mỗi cá nhân đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của toàn dân tộc. Sau lễ mít tinh trọng thể ngay chiều 30-4, Nhà máy vinh dự được cấp trên giao nhiệm vụ cấp tốc sản xuất 1 triệu mét vải màu xanh, đỏ để chuyển vào miền Nam may cờ, trang trí trong các ngày lễ mừng chiến thắng. Hòa chung với niềm vui chiến thắng của toàn dân tộc, toàn thể cán bộ, công nhân Nhà máy vừa thực hiện nhiệm vụ thường xuyên vừa ngay lập tức bước vào phong trào thi đua sản xuất mới. Hàng chục “đội thanh niên xung kích” đã được thành lập cấp tốc, quy tụ tất cả những công nhân có tay nghề cao nhất trên tinh thần tự nguyện, xung kích, duy trì sản xuất 3 ca liên tục và đảm bảo máy chạy 24/24 giờ. Chỉ hơn nửa tháng nhận nhiệm vụ, Nhà máy đã xuất sắc hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao, sản xuất được trên 1,5 triệu mét vải kịp thời chuyển vào miền Nam thân yêu!
|
Phát huy truyền thống, lớp lớp cán bộ, công nhân viên Tổng Cty CP Dệt may Nam Định đang nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh trong chặng đường mới (Trong ảnh: Sản xuất các sản phẩm vải, sợi tại Tổng Cty CP Dệt may Nam Định). |
Ngay sau khi đất nước thống nhất, cùng với cả nước, nhân dân và các doanh nghiệp Nam Định trong niềm phấn khởi, hân hoan mừng toàn thắng về ta, cũng đã nhận ra nhiệm vụ quan trọng phải nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh; khí thế cách mạng dâng cao, khắp nơi nô nức thi đua phát triển lao động sản xuất. Sau khi tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, từ năm 1999, tỉnh chỉ đạo thực hiện cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch theo chủ trương đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước của Trung ương. Nhiều doanh nghiệp đã khắc phục được khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ thiết bị, do đó, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ngày một tăng, đặc biệt là những ngành công nghiệp truyền thống, chủ lực như: dệt may, cơ khí… Song song với chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, phát triển công nghiệp dân doanh; UBND tỉnh đã tập trung xây dựng đề án quy hoạch, sắp xếp lại khu vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp, đồng thời khuyến khích tạo điều kiện cho làng nghề phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều mặt hàng thủ công truyền thống đã được khôi phục, có uy tín trên thị trường như mỹ nghệ sơn mài, thêu ren, đan cói, đồ gỗ, cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, rèn, đúc… Hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân ở các làng nghề, phố nghề được cải thiện rõ nét, tiêu biểu là làng La Xuyên, Tống Xá (huyện Ý Yên); Xuân Tiến, Xuân Bắc (huyện Xuân Trường); Nam Giang, Hồng Quang (huyện Nam Trực); Trực Chính, Trực Đông (huyện Trực Ninh) và Thành phố Nam Định. Sau 41 năm đất nước hoàn toàn thống nhất, 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, cộng đồng doanh nghiệp Nam Định đã có bước phát triển vững vàng, ổn định trên cả hai lĩnh vực “lượng” và “chất”, đặc biệt là trong giai đoạn 2011-2015. Năm 2015, công nghiệp địa phương có sự bứt phá đáng kể, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (giá so sánh năm 2010) ước đạt 38.475 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2014, trong đó khối các doanh nghiệp địa phương ước đạt 32.208 tỷ đồng, tăng 11,6%; mục tiêu kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 hoàn thành từ năm 2014, về đích trước một năm; chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2015 hoàn thành sớm trước 3 tháng, tăng 33,2% so năm 2014, vượt 47% kế hoạch tỉnh giao, đạt xấp xỉ 1 tỷ USD… Các ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh ta như: dệt may, cơ khí, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất thuốc và hóa dược… đạt tốc độ tăng trưởng ổn định và ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, ngành dệt may là ngành sản xuất ổn định và đạt mức tăng trưởng cao nhất với giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước đạt trên 13,6 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Ngành dệt may phát triển mạnh và đều ở các huyện, thành phố, chiếm tỷ trọng 39-40% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Phát huy tối đa các ưu thế, trên 230 doanh nghiệp dệt may toàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, giữ vững được các thị trường xuất khẩu truyền thống và phát triển đa dạng các dòng sản phẩm phục vụ các phân khúc thị trường. Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may như: Tổng Cty CP Dệt may Nam Định, Cty CP May Sông Hồng, Cty CP Dệt may Sơn Nam… đã vươn lên trở thành những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dệt may cả nước. Ngành dệt may hiện là chủ lực giải quyết việc làm, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn, đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM. Các xã thuần nông của các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực… đã nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nhờ thu hút các doanh nghiệp dệt may về đầu tư; giá trị sản xuất CN-TTCN chiếm từ 10-15% tổng cơ cấu kinh tế toàn xã. Đứng thứ hai và cũng khẳng định vững vàng vị thế ngành công nghiệp chủ yếu là ngành cơ khí với nhóm sản phẩm máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, xây dựng; gia công kim khí; dây lưới thép; sản xuất các mặt hàng gia dụng… Bên cạnh đó, năm 2016, trong bối cảnh đất nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới qua các Hiệp định Thương mại tự do (FTA); Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Liên minh kinh tế khu vực ASEAN (AEC)... là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, hơn 5.800 doanh nghiệp tỉnh ta nói riêng có thể phát triển sản xuất, mở rộng thị trường với điều kiện cả nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp phải có sự hiểu biết sâu sắc về cơ hội, chuẩn bị tốt khi “bơi ra biển lớn”. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư của tỉnh ta như: giao thông, điện lực, bưu chính - viễn thông, các khu, CCN với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đã được tăng cường đầu tư nâng cấp, hoàn thiện đáp ứng nhu cầu sản xuất và kết nối, giao thương hàng hóa. Ngoài ra, các cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của Trung ương, của tỉnh đã được các sở, ban, ngành và các địa phương nỗ lực triển khai đồng bộ. Đó là những cơ sở, nền tảng để cộng đồng doanh nghiệp tỉnh ta nỗ lực phấn đấu thực hiện và duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong cả giai đoạn 2016-2020 ngay từ năm 2016 với những mục tiêu cụ thể: giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) đạt trên 43 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015 (khối doanh nghiệp địa phương phấn đấu đạt trên 36,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2%); kim ngạch xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD; tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 31.153 tỷ đồng, tăng 10,9% so với
năm 2015...
Phát huy truyền thống, vững bước hướng tới tương lai, doanh nghiệp Nam Định đang từng ngày nỗ lực khẳng định vị thế, đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh./.
Bài và ảnh:
Thành Trung