Chuyển biến trong phát triển kinh tế ở Giao Hương

09:05, 16/05/2016
Nhờ tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển đa dạng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp để tạo việc làm và góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân xã Giao Hương (Giao Thủy) đã từng bước được cải thiện. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 2,8%, bình quân thu nhập đầu người đạt 23,5 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế của xã đã có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống dưới 60%; ngành nghề tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ đã tăng lên trên 40%. 
 
Sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ tại cơ sở của ông Lê Văn Truyện, xóm 7, xã Giao Hương.
Sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ tại cơ sở của ông Lê Văn Truyện, xóm 7, xã Giao Hương.

Xã Giao Hương ở vùng sát biển nên đồng đất bị nhiễm chua mặn, cốt đất lại không đồng đều nên canh tác khó khăn, không có ngành nghề phụ nên đời sống của người dân trước đây gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình trên, những năm qua, đối với kinh tế chủ lực là nông nghiệp Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, áp dụng khoa học kỹ thuật để thâm canh tăng hiệu quả trên một đơn vị diện tích canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá nông sản, nâng cao hệ số sử dụng đất nông nghiệp, phát triển quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm theo gia trại, trang trại tổng hợp... Nhờ đó, năm 2015, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích của xã đã được nâng lên trên 91 triệu đồng/ha/năm. Song song với phát triển sản xuất nông nghiệp, xã còn chủ trương phát triển đa dạng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tập trung vào các nghề nông dân có thể học thành nghề và làm nghề nhanh, giải quyết nhiều việc làm, tạo thêm thu nhập cho nhiều lao động địa phương như: may công nghiệp. Xã đã tạo mọi điều kiện về thủ tục hành chính giúp người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ năm 2015 đạt trên 36 tỷ đồng. Hằng năm, xã tích cực phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức các lớp dạy nghề cho hàng trăm lượt người tham gia. Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp trên, đến nay, trên địa bàn xã đã cơ bản phá được thế “độc canh nông nghiệp”, ngành nghề phát triển đa dạng với các nghề: mộc mỹ nghệ, may công nghiệp, cơ khí, xây dựng dân dụng… Từ năm 2013 đến nay, nghề mộc ở Giao Hương đã có những bước phát triển mới, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất. Trong đó, tiêu biểu như các ông: Lê Văn Truyện, xóm 7; Nguyễn Văn Thêm, Trần Văn Định ở xóm 9… thường xuyên có từ 4-6 lao động tham gia. Ông Lê Văn Truyện, chủ cơ sở chuyên sản xuất các loại bàn ghế giả cổ, giường, tủ, thành cầu thang… cho biết: Năm 2000, được sự tạo điều kiện về mặt bằng và hỗ trợ thủ tục vay vốn của xã, ông đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm các loại máy móc, dựng nhà xưởng để phát triển nghề mộc gia dụng. Hiện nay, mỗi tháng cơ sở của ông tiêu thụ bình quân khoảng 4-5m 3 gỗ để sản xuất các loại sản phẩm dân dụng và phục vụ thi công các công trình xây dựng. Cơ sở của ông hiện có 3 thợ chính với mức thu nhập bình quân từ 6-6,5 triệu đồng/người/tháng; 2 thợ phụ đảm nhiệm các công việc đánh giấy ráp, gia công sản phẩm cũng có mức thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng. Toàn xã hiện có gần chục xưởng cơ khí gia đình quy mô từ 3-5 lao động/cơ sở. Nghề chế biến lương thực - thực phẩm cũng phát triển mạnh với 5 cơ sở nằm rải rác ở các xóm, trong đó tiêu biểu là cơ sở của các ông: Phạm Văn Cách, xóm 2; Nguyễn Văn Cảnh, xóm 5… Nghề xây dựng dân dụng cũng phát triển với gần chục tổ, đội quy mô từ 5-7 lao động thường xuyên nhận thi công các công trình trong xã, trong vùng. Ngoài các nghề trên, gần đây, xã Giao Hương còn phát triển thêm nghề may công nghiệp với 1 xưởng sản xuất trang phục của anh Đinh Văn Cường, xóm 4. Cơ sở của anh Cường chuyên sản xuất các loại quần, áo xuất khẩu cho các doanh nghiệp may lớn trong tỉnh, tạo việc làm cho 30 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng/người/tháng trở lên.  
 
Đẩy mạnh phát triển sản xuất CN-TTCN với đa dạng ngành nghề, tạo việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn là hướng phát triển kinh tế đúng đắn của xã Giao Hương. Thời gian tới, xã Giao Hương tiếp tục khuyến khích các hộ đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển quy mô sản xuất thu hút nghề mới để giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Mục tiêu trong năm 2016 phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN, dịch vụ tăng lên 45%, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) giảm xuống còn dưới 3%; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13%/năm trở lên./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com