Thanh niên Mỹ Trung đầu tư phát triển nghề nuôi trồng thủy sản

07:04, 14/04/2016
Thời gian qua, thực hiện phong trào “Thanh niên xung kích lao động sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội”, ở xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế của đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Mạnh dạn đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển các mô hình kinh tế VAC, nuôi trồng thủy sản đã giúp bộ mặt nông thôn Mỹ Trung đổi thay, nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản của thanh niên đã cho thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/năm.
 
Thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản, xã Mỹ Trung đã quy hoạch vùng Vạn Ngoại với diện tích 10ha thành vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Đây cũng là điều kiện để nhiều thanh niên Mỹ Trung lập nghiệp, phát triển kinh tế từ nghề này. Mỹ Trung hiện có trên 500 ĐVTN đang sinh hoạt tại 12 chi đoàn thôn xóm và 3 chi đoàn trường học. “Thanh niên Mỹ Trung hiện nay ngoài làm việc tại các KCN, số còn lại đều tập trung phát triển kinh tế gia đình từ nghề nuôi trồng thủy sản, làm VAC. Ngoài khu vực Vạn Ngoại, tại các thôn Đồng Chèo, Đồng Quan, Trùng Khê… đều có hộ gia đình thanh niên nuôi trồng thủy sản theo mô hình VAC”, anh Phạm Văn Khoa, Bí thư Đoàn xã Mỹ Trung cho biết. Phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, thanh niên trong xã tập trung vào nuôi các giống cá thịt đang được thị trường ưa chuộng như: trắm, trôi, chép, mè, trắm đen... Ngoài ra, vài năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình thanh niên trong xã còn mạnh dạn nuôi các loại cá cảnh như: cá chép vàng, cá Koi… kết hợp nuôi lợn, gà, trồng các cây ăn quả như ổi, thanh long, các loại mướp, cây cảnh… cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện, Mỹ Trung có khoảng 40-50 hộ gia đình thanh niên có thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên nhờ nuôi trồng thủy sản, làm VAC, trong đó có khoảng 5-7 hộ gia đình cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Có thể kể đến một số hộ tiêu biểu như anh Trần Văn Kiên ở thôn 10. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính năm 2013 nhưng Kiên lại quyết định quay về quê hương làm giàu theo mô hình vườn, ao, chuồng tại quê nhà. Trang trại VAC của nhà Kiên hiện rộng nhất xã Mỹ Trung với diện tích lên tới 7 mẫu. Trên diện tích đó, gia đình Kiên đầu tư chủ yếu vào nuôi trồng thủy sản. Hiện gia đình Kiên có 5 ao cá, trong đó 3 ao dùng để nuôi các loại cá thịt như trắm đen, trôi, mè, chép, 2 ao chuyên nuôi cá giống. Bước đầu, Kiên phụ giúp bố, mẹ chăm sóc cá, vườn cây ăn quả trong nhà; đồng thời tăng cường tìm hiểu những kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi thông qua sách, báo, mạng internet. Sau đó, Kiên mạnh dạn đề nghị bố mẹ trồng thêm một số cây ăn quả trên bờ để tăng hiệu quả kinh tế cho mô hình. Quan sát thấy giống ổi Hải Dương hiện có thị trường khá ổn định, tiềm năng, Kiên tìm hiểu thực tế mua 400 gốc ổi về trồng. Ngoài ra, để tăng nguồn thức ăn cho cá, làm mát ao, Kiên còn bàn với bố mẹ trồng thêm mướp trên tất cả diện tích đất. Năm 2015, gia đình Kiên thu được 4 tấn cá thịt, 100 triệu tiền ổi, trên 100 triệu tiền mướp. “Trừ chi phí thuê nhân công, thức ăn cho cá, giống…, gia đình tôi thu về trên 100 triệu đồng tiền lãi và tiếp tục “tái đầu tư” để nâng cao hiệu quả mô hình hơn trong tương lai”, Kiên vui vẻ cho biết. 
Mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi, anh Vũ Viết Hải, xóm 10, xã Mỹ Trung đã trở thành “triệu phú” trên đồng đất quê hương.
Mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi, anh Vũ Viết Hải, xóm 10, xã Mỹ Trung đã trở thành “triệu phú” trên đồng đất quê hương.
Cũng khá giống với trường hợp của Kiên, Vũ Viết Hải, xóm 10 mặc dù đã tốt nghiệp Trường Trung cấp Xây dựng nhưng vẫn xác định, chỉ có phát triển kinh tế trên chính đồng đất quê hương mới có thể làm giàu. Vì thế, mặc dù có thời gian 4 năm làm công nhân Nhà máy Bia NaDa, anh Hải vẫn quyết định trở về nhà cùng bố mẹ làm VAC. Thời gian đầu, Hải chăm chỉ “học nghề” từ chính bố mẹ. Anh thường xuyên trao đổi với bố mẹ cách chăn nuôi các loại cá, cây trong vườn nhà. Thời gian rỗi, anh lên mạng tìm hiểu thêm các kiến thức của chuyên gia nông nghiệp, đọc thêm các loại sách chuyên về nuôi trồng thủy, hải sản… Được gia đình giúp sức, cuối năm 2014, Hải mạnh dạn tự đứng ra mở trang trại VAC với diện tích 3 mẫu. Trong đó, anh sử dụng 1,5 mẫu để thả các loại cá giống như: trắm đen, cá Koi… Ngoài ra, anh còn đầu tư chuồng trại để nuôi 200 con lợn thịt, 2.000 con gà... Trên bờ anh trồng thêm ổi, mướp… Đất không phụ công người chịu khó, siêng năng, từ năm 2015 đến nay, anh thu được 30 tấn thịt lợn, 5 tấn cá. Tổng thu nhập từ mô hình là 700 triệu đồng. Ngoài ra, còn có thể kể đến các anh Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyễn Xuân Bách, Trần Văn Kiên, Nguyễn Văn Chất, Nguyễn Văn Chiến ở khu Vạn Ngoại. Trần Trọng Hòa, Trần Văn Liêm, Trần Văn Lại xóm 10... đều là những hộ gia đình thanh niên có thu nhập hằng năm hàng trăm triệu đồng từ nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc nuôi trồng thủy sản của thanh niên Mỹ Trung nói riêng, nông dân trong xã nói chung vẫn còn gặp không ít khó khăn như: Diện tích nuôi thâm canh còn ít, quy mô diện tích chăn nuôi mới ở các hộ gia đình còn nhỏ lẻ, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của đồng đất. Người chăn nuôi hạn chế vốn đầu tư, chưa biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thiếu kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản… Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển thủy sản trên địa bàn xã, đồng chí Nguyễn Văn Thu, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Trung cho biết: “Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo chuyển dịch một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, khuyến khích các hộ chăn nuôi thủy sản theo hướng công nghiệp. Để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, xã sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ thanh niên tiếp cận vay nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, mở thêm các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh thủy sản. Trong đó, chú trọng đào tạo tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn; tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, tăng năng suất, duy trì, cải tạo giống cá chất lượng tốt nhằm nâng cao giá trị sản xuất”…
 
Trong khi nhiều thanh niên nông thôn tìm cách đi làm ăn xa, bon chen ở các thành phố lớn, thì vẫn có những thanh niên đã lựa chọn gắn bó với quê hương, quyết tâm làm giàu từ chính mảnh đất quê mình. Phát triển nuôi trồng thủy sản, các mô hình kinh tế ở Mỹ Trung đã góp phần nâng cao đời sống người dân nói chung, thanh niên nói riêng, xây dựng NTM, khẳng định được sự nỗ lực của thế hệ trẻ hôm nay./.
 
Bài và ảnh: Hoa Xuân


Tìm hiểu genz là gì

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com