Thi công tuyến đê hữu sông Ninh Cơ thuộc xã Trực Mỹ (Trực Ninh). |
Toàn tỉnh có 75,5 nghìn ha đất trồng lúa và trên 12 nghìn ha đất trồng màu. Hiện nay, các công trình thủy lợi nội đồng như: các trục tiêu chính Tiên Hương, T3, T5 thuộc hệ thống Trạm bơm Cốc Thành; S48, S40 thuộc hệ thống Trạm bơm Vĩnh Trị; sông Sinh, Hoàng Hoa Thám thuộc hệ thống Trạm bơm Cổ Đam; Quỹ Nhất, Long Thành (Nghĩa Hưng); Doanh Châu, Đối, Trệ (Hải Hậu); kênh Bà Nữ - Cát Chử, Bà Nữ - Cổ Lễ (Nam Trực - Trực Ninh)… chưa có kinh phí để nạo vét toàn tuyến, mới nạo vét được từng đoạn cục bộ. Trường hợp mưa vượt tần suất thiết kế vào thời điểm lúa mới cấy nếu gặp triều nghén nước, những vùng trũng như: vùng 6 xã Hải Lộc, Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính, Hải Triều, Hải Hòa và Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); Trực Khang, Trực Nội (Trực Ninh); Nam Toàn, Nam Cường, Nam Dương (Nam Trực)... việc tiêu úng sẽ rất khó khăn. Thiết bị, máy móc của một số trạm bơm điện lớn như: Cổ Đam, Vĩnh Trị I, Sông Chanh, Cốc Thành, Hữu Bị đã sử dụng trên 40 năm thường có sự cố, hư hỏng cần phải sửa chữa, nâng cấp. Việc phát triển các KCN, đô thị, công trình giao thông... cũng ảnh hưởng lớn đến công tác, tiêu úng trong mùa mưa bão. Tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi còn nhiều vụ việc chưa được xử lý kịp thời và dứt điểm. Trước tình hình trên, Sở NN và PTNT thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các Cty KTCTTL thực hiện nghiêm phương án phòng chống úng, hạn; quy trình vận hành hệ thống; quy trình vận hành các cống trong mùa lụt bão; đôn đốc các địa phương hoành triệt các cống xung yếu xong trước ngày 30-4. Trong chiến dịch thủy lợi nội đồng vụ đông xuân 2015-2016, các địa phương và các Cty KTCTTL đã tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi; mua sắm thêm các thiết bị máy móc… đồng thời tổ chức ra quân nạo vét kênh mương, củng cố bờ vùng, bờ thửa. Kết quả, toàn tỉnh đã nạo vét 49 cửa cống, 68 bể hút các trạm bơm, 31 kênh cấp I, 249 kênh cấp II, 8.590 kênh cấp III, đào đắp 3.838 kênh khoảnh và bờ vùng… với tổng khối lượng đào đắp là 2,6 triệu m3. Hiện tất cả các công trình, máy móc, thiết bị… cấp thiết đã xong và sẵn sàng vận hành hết công suất phục vụ tốt cho công tác phòng chống hạn, phương án tưới, tiêu linh hoạt và PCLB. Khu vực ven biển tỉnh ta có 15 xã và 3 thị trấn thuộc 3 huyện: Giao Thuỷ, Hải Hậu và Nghĩa Hưng, có trên 1.000 đầm nuôi trồng thủy, hải sản; 700 lều, chòi trông coi đầm, bãi. Toàn tỉnh có 1.991 tàu thuyền khai thác thủy sản, trong đó 340 tàu từ 90-400CV và 40 tàu trên 400CV. Toàn tỉnh đã sắp xếp tổ chức được 38 đoàn, tổ, đội khai thác thủy sản với 1.198 tàu cá và 2.981 lao động để hỗ trợ nhau trong sản xuất và khi gặp sự cố, rủi ro. Hằng ngày, có hàng chục nghìn ngư dân tham gia sản xuất trên các vùng cửa sông, cửa biển và trên các ngư trường trong, ngoài tỉnh. Do vậy, việc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia khai thác, nuôi trồng thủy sản là hết sức khó khăn, phức tạp. Thực hiện quy định về PCTT-TKCN, Sở NN và PTNT đã sớm kiện toàn BCH PCTT-TKCN chuyên ngành thủy sản. Chỉ đạo Phòng NN và PTNT các huyện ven biển phối hợp với các cơ quan chức năng nắm chắc số lượng tàu cá, số lượng lao động trên từng phương tiện cũng như diện tích, số hộ, số lao động tham gia nuôi trồng thủy sản ở từng xã ven biển nhằm phục vụ công tác gọi tàu thuyền, ngư dân tránh trú bão khi có tình huống thiên tai xảy ra. Phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức thông báo các địa điểm neo đậu tránh trú bão cho các tàu thuyền khai thác thủy sản, địa điểm treo tín hiệu và bắn pháo hiệu báo bão tới các chủ tàu cá và ngư dân. Trong nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn cho ngư dân các biện pháp gia cố, bảo vệ bờ ao, cống, đăng chắn, chuẩn bị máy nổ quạt nước khi mất điện, gia cố lều trông coi đầm nuôi ngao trên biển, kiểm tra và yêu cầu người trông coi tuyệt đối không được ở lại lều, chòi khi bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào… Trong thời gian tới, Sở NN và PTNT tiếp tục phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và các huyện: Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh chỉ đạo, hướng dẫn ngư dân tổ chức lại sản xuất, chia sẻ thông tin về thời tiết, ngư trường; hỗ trợ, ứng cứu, giúp đỡ nhau khi xảy ra thiên tai, tai nạn; đồng thời thực hiện tốt các quy định về quản lý tàu thuyền khai thác thuỷ sản, nhất là công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác.