Nam Trực ưu tiên thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

10:04, 29/04/2016
Trong giai đoạn 2011-2015, đặc biệt là trong năm 2015, công tác thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN của huyện Nam Trực đã có những đột phá đáng kể. Trên địa bàn huyện đã thu hút được 7 dự án đầu tư nước ngoài, trong đó có 6 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất CN-TTCN với các ngành nghề: may công nghiệp, da giày… Năm 2015 giá trị sản xuất CN-TTCN huyện Nam Trực ước đạt 2.718 tỷ đồng (giá cố định năm 1994), mức tăng trưởng bình quân đạt 23,8%. Sản xuất CN-TTCN phát triển ổn định, bền vững đã góp phần quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện 5 năm qua bình quân đạt 12,5%; cơ cấu kinh tế của huyện có sự chuyển biến tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng đã đạt 44%.    
Cty TNHH Việt Pan Pacific xây dựng nhà xưởng của dự án nhà máy may công nghiệp xuất khẩu tại xã Đồng Sơn.
Cty TNHH Việt Pan Pacific xây dựng nhà xưởng của dự án nhà máy may công nghiệp xuất khẩu tại xã Đồng Sơn.
Là địa bàn “trung chuyển” giữa Thành phố Nam Định và các huyện phía nam tỉnh, trên địa bàn lại có nhiều làng nghề truyền thống như: Bình Yên (Nam Thanh); Vân Chàng, Đồng Côi (Thị trấn Nam Giang); Đồng Quỹ (Nam Tiến)… nên huyện Nam Trực có nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề và thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Công thương xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất CN-TTCN đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất. Tạo điều kiện thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông của Trung ương, của tỉnh nằm trên địa bàn cũng như chủ động nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông của địa phương gồm: 25km đường trục huyện; 6 tuyến đường xã, liên xã với tổng chiều dài 35km và đang triển khai các dự án: đường Hoa - Lợi - Hải (dài 8,8km); Nam Dương - Bình Minh; Nam Tiến - Nam Thái; đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các dự án cải tạo, nâng cấp các tỉnh lộ: 487, 488. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống giao thông, huyện đã phối hợp với ngành Điện đầu tư, nâng cấp hệ thống trạm biến áp và cải tạo lưới điện nông thôn đáp ứng nhu cầu sử dụng điện khi gia tăng sản xuất CN-TTCN. Ngoài ra, huyện Nam Trực cũng chủ động quy hoạch và đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các CCN: Đồng Côi, Vân Chàng và Nam Hồng để tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong đó, CCN Nam Hồng, diện tích 14ha, được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo giao thông thuận tiện, hệ thống điện, nước cung cấp đến tận hàng rào công trình và có khu đất sinh thái bảo vệ môi trường, tổng trị giá 10 tỷ đồng; CCN Đồng Côi diện tích 28ha, tổng mức đầu tư 42 tỷ đồng… Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện “một cửa” liên thông trong giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư, hồ sơ được niêm yết công khai; nhà đầu tư được tư vấn, hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký kinh doanh, tạo môi trường thân thiện để yên tâm đầu tư sản xuất. Trên địa bàn huyện hiện có 70 doanh nghiệp, trên 3.200 cơ sở sản xuất CN-TTCN đang hoạt động ổn định trong 3 CCN, 7 làng nghề, làng nghề truyền thống và các điểm công nghiệp ở các xã: Tân Thịnh, Nam Tiến, Đồng Sơn… Sản xuất CN-TTCN phát triển ổn định đã thu hút, tạo việc làm cho trên 17 nghìn lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng/người/tháng trở lên. CCN Đồng Côi đã thu hút được 30 doanh nghiệp, cơ sở đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng mức đầu tư gần 233 tỷ đồng. CCN Vân Chàng đã thu hút được 72 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với tổng mức đầu tư trên 10,3 tỷ đồng. CCN Nam Hồng đã cơ bản được lấp đầy 100% diện tích, thu hút được 10 doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà xưởng phát triển sản xuất, kinh doanh các ngành nghề sản xuất vật liệu xây dựng, dệt truyền thống, may công nghiệp, sản xuất cấu kiện bê tông, sản xuất các sản phẩm từ da… Có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đã chọn Nam Trực là địa bàn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh như: Tập đoàn Syngenta Việt Nam chuyên cung ứng thuốc BVTV, phát triển giống cây trồng; Cty TNHH LongYu Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy may quần áo thể thao xuất khẩu tại xã Tân Thịnh với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng; Tổng Cty CP Dệt may Nam Định đầu tư xây dựng nhà máy may tại xã Bình Minh... Dự án đầu tư vào CCN Nam Hồng của Cty TNHH Yamani Dynasty (Đài Loan) với tổng mức đầu tư trên 1.050 tỷ đồng với tổng diện tích gần 24 nghìn m 2, tạo việc làm cho trên 3.000 lao động. Năm 2016, huyện Nam Trực đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để triển khai xây dựng CCN Bình Yên tại xã Nam Thanh, diện tích 15ha; CCN Đồng Côi (Thị trấn Nam Giang) giai đoạn 2, diện tích 15,3ha. Đồng thời hoàn tất các thủ tục, tạo điều kiện để Cty CP May Nam Định khởi công xây dựng nhà máy may tại xã Nam Tiến, diện tích 16 nghìn m 2, dự kiến thu hút 1.000 lao động; Cty TNHH Kim Vận xây dựng nhà máy sản xuất giày da xuất khẩu diện tích 98.600m 2, dự kiến thu hút 4.000 lao động; Cty TNHH Việt Pan Pacific (Hàn Quốc) đầu tư nhà máy may công nghiệp diện tích 50 nghìn m 2, dự kiến thu hút khoảng 3.000 nghìn lao động... tại xã Đồng Sơn. Đầu năm 2016, dự án đầu tư trên 400 tỷ đồng xây dựng nhà máy may xuất khẩu của Cty TNHH Việt Pan-Pacific đã hoàn tất công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Hiện nay, Cty đang tập trung nhân lực, máy móc để tiến hành xây dựng nhà xưởng theo đúng tiến độ. Dự án đầu tư nhà máy may xuất khẩu với tổng vốn đầu tư trên 70 tỷ đồng của Cty CP May Nam Định đã được UBND tỉnh phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền thuê đất. Hiện tại, Cty đang khẩn trương hoàn thành công tác xây dựng nhà xưởng và các hạng mục phụ trợ, lắp đặt máy móc, thiết bị để tháng 6-2016 chính thức đi vào hoạt động. Dự kiến nhà máy sẽ thu hút từ 800-1.000 lao động. Hiện Cty đã tuyển dụng được 300 lao động (trong đó phần lớn là lao động địa phương và các xã lân cận như: Nam Lợi, Nam Thanh…), đang được đào tạo nghề miễn phí, được hỗ trợ tiền xe đưa đón và hưởng mức lương tối thiểu xấp xỉ 3 triệu đồng tại trụ sở chính tại KCN Hòa Xá (TP Nam Định). Trong những tháng đầu năm 2016, huyện Nam Trực thu hút thêm 2 dự án đầu tư mới của nhà đầu tư Hồng Kông (Trung Quốc) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Trong đó, dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giày da xuất khẩu với tổng diện tích 30ha tại 2 xã Nam Cường, Nghĩa An của Cty TNHH Bunda đã được UBND tỉnh đồng ý về mặt chủ trương. Hiện tại, nhà đầu tư đang phối hợp với các sở, ngành và UBND huyện để hoàn tất các thủ tục đầu tư. Bên cạnh đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang có nhu cầu đầu tư dự án xây dựng nhà máy may xuất khẩu, tổng diện tích 12ha, đang tiến hành rà soát để xác định địa điểm đầu tư cụ thể để tiến hành các bước làm hồ sơ đầu tư theo đúng trình tự. 
 
Nỗ lực tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn để phát triển sản xuất, kinh doanh nên giá trị sản xuất công nghiệp của huyện Nam Trực luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao. Trong quý I năm 2016, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện đã đạt 1.146 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 11,6% so với cùng kỳ. Thời gian tới, Nam Trực tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng ngành sản xuất CN-TTCN, xây dựng chiếm 46% trong cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 20 nghìn lao 
động mới./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com