Từ xưa, tranh điêu khắc gỗ là một trong những loại hình nghệ thuật độc đáo xuất hiện ở các làng nghề mộc mỹ nghệ truyền thống. Ở tỉnh ta nghệ thuật điêu khắc tranh gỗ có từ lâu và vẫn được gìn giữ bởi khối óc và bàn tay tài hoa của các thế hệ nghệ nhân làng nghề.
Làng La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) hiện vẫn còn một số nghệ nhân làm tranh điêu khắc gỗ theo phương pháp thủ công. Ông Phạm Văn Mùi (60 tuổi), xóm La Tiến, người đã có trên 40 năm trong nghề cho biết: Nghề mộc truyền thống ở La Xuyên có truyền thống gần nghìn năm tuổi, trong đó nghệ thuật tranh điêu khắc gỗ nhiều gia đình đã có 4-5 đời làm. Tranh điêu khắc gỗ được đánh giá cao bởi kỹ thuật chế tác điêu luyện, bố cục chặt chẽ và nội dung chủ đề nổi bật. Quá trình làm tranh điêu khắc gỗ thường trải qua các bước: Chọn gỗ, nghiên cứu mẫu, tạo dáng, đục vỡ, đục hạ, đục chi tiết, gọt, nạo, đánh giấy ráp… Gỗ để khắc tranh là các loại gỗ gụ, gỗ hương bởi có độ bền cao lại không quá giòn nên dễ chạm khắc. Khi đi mua gỗ, người thợ thường đem theo đục hoặc bào để xem màu gỗ; nếu gỗ đậm màu là loại tốt. Ngoài ra, gỗ phải ít cong vênh, không dập ruột, dẻo mịn, dễ đánh bóng… Dụng cụ để các nghệ nhân điêu khắc là các loại đục. Thân đục làm bằng thép “chuẩn” bởi nếu nước thép già thì đục dễ gãy, nếu quá “non” đục lại cùn. Mỗi người thợ có khoảng 3-4 loại đục như: đục bằng, đục lòng máng, đục tách…; người làm tranh điêu khắc căn cứ vào chiều ngang của lưỡi đục để điều khiển cổ tay đục chính xác từng chi tiết. Với những mẫu tranh thông thường, ít chi tiết chỉ cần từ 5-10 ngày là hoàn thành, nhưng có mẫu cầu kỳ phải mất 15-20 ngày mới xong. Nhiều mẫu vẽ có hàng nghìn chi tiết, hoa văn, hình khối không chỉ đòi hỏi độ tỉ mỉ, chính xác cao mà quan trọng là người vẽ phải có óc thẩm mỹ, tài hoa kết hợp với kinh nghiệm tích luỹ của người thợ lành nghề. Từ những bản vẽ thiết kế tổng thể tỷ lệ 1:10, người thợ phải vẽ lại trên giấy thành “phôi” mẫu với tỷ lệ 1:1, vẽ lại trên mặt gỗ rồi mới bắt đầu tạo hình với các kỹ thuật cao như: khoét sâu, chạm nổi, “kênh bông” chi tiết. Sau khi hoàn thành phần tạo hình thô, sản phẩm cần qua bàn tay của những thợ cả giàu kinh nghiệm “chuốt” lại để làm nổi bật các đường nét, góc cạnh rồi mới đến công đoạn đánh giấy ráp làm nhẵn, đánh véc-ni… Để tạo độ bóng đẹp tự nhiên cho sản phẩm, người thợ dùng lá chuối xé nhỏ, buộc lại thành túm để đánh lại lần cuối. Những bức tranh chạm khắc gỗ có nội dung rất đa dạng, phong phú. Đó là những khuôn mẫu về tứ linh (long, lân, quy, phượng), tứ thời (tùng, cúc, trúc, mai) hoặc hình cỏ cây, hoa, muông thú, con người hay phong cảnh núi rừng qua các điển tích xưa như: “Văn Vương cầu Lã Vọng” (Văn Vương đến cầu tài với Lã Vọng), “Ngư ông đắc lợi”, “Vinh quy bái tổ”, Lục hạc quần tùng...”. Mỗi điển tích trên các bức chạm khắc gỗ đều có ý nghĩa về bài học đạo đức mà người xưa để lại. Bởi vậy, ngoài kỹ thuật điêu luyện, mỗi người thợ điêu khắc tranh gỗ phải có kiến thức lịch sử nhất định để thể hiện đúng ý nghĩa nội dung cốt truyện. Ví dụ như ở bức tranh điêu khắc gỗ “Vinh quy bái tổ”, theo cuốn Khoa cử Việt Nam, tập thượng, từ năm 1484, các tân khoa được nhà vua ban yến tiệc, mũ áo, cân đai và cho lính hầu đưa rước về nơi sinh quán vinh quy bái tổ. Dân chúng ở quê hãnh diện đón rước vị tân khoa với cờ, lọng, chiêng, trống rầm rộ. Nếu vị tân khoa đã có gia đình thì người vợ cũng được đón rước cùng với chồng theo đúng lệ “ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau”. Khi về tới làng, vị tân khoa sẽ đến nhà thờ tổ của dòng họ và đình làng bái tạ tổ tiên, rồi về bái tạ thầy dạy và cha mẹ. Do đó bức tranh “Vinh quy bái tổ” dù điêu khắc cỡ lớn hay nhỏ đều có hình ảnh một ông quan đội mũ mão trên lưng ngựa, với cờ lọng, có người đánh chiêng trống, quân lính theo sau tiến vào trong làng đúng như tích cổ. Tranh điêu khắc gỗ bộ "tứ quý" là biểu tượng cho bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông ứng với mai, cúc, trúc, tùng. Người thợ điêu khắc tranh gỗ khi thể hiện tác phẩm phải làm nổi bật nét độc đáo, ý nghĩa của từng loại cây tượng trưng cho các đức tính con người như: Bức Tùng thể hiện khí phách của người quân tử, dẻo dai, trường thọ. Bức Cúc toát lên vẻ cao sang. Bức Trúc tựa sự thanh cao, quân tử. Bức Mai thể hiện trí tuệ, tri thức…
|
Cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình chị Nguyễn Thị Thúy, làng La Xuyên, xã Yên Ninh chuyên sản xuất các loại tranh điêu khắc gỗ. |
Mặc dù thị trường tranh khắc gỗ hiện nay trầm lắng, nhưng điều đáng mừng là ở làng nghề mộc La Xuyên vẫn còn nhiều người đam mê và lưu giữ những nét chạm khắc tranh gỗ truyền thống. Chị Nguyễn Thị Thúy (31 tuổi), là một trong những gia đình có 3 đời làm nghề chạm khắc tranh gỗ cho biết, từ nhỏ, chị đã quen với việc ngồi hàng giờ để xem và tỉ mẩn học cách đục đẽo, chạm khắc chi tiết các bức tranh gỗ. Với năng khiếu sẵn có, cùng kinh nghiệm của gia đình, những tác phẩm điêu khắc, tranh gỗ tinh xảo từ bàn tay tài hoa của chị đã lần lượt ra đời, nào là hoa lá, cây cảnh (tùng, cúc, trúc, mai), rồi đến những con vật trong “tứ linh”: long, ly, quy, phượng… Từ các mẫu điêu khắc theo lối cổ, điển tích dân gian, chị còn sáng tạo, biến hóa linh hoạt để phù hợp với từng kích thước của sản phẩm, loại gỗ, nhưng vẫn mang hồn cốt và tinh hoa nghệ thuật điêu khắc gỗ. Chia sẻ về bí quyết chạm khắc tranh gỗ, chị tâm sự: “Thợ giỏi là người phải biết cách chuyển biến linh hoạt các chi tiết từ mẫu vẽ vào tác phẩm một cách uyển chuyển, sống động và mang hồn cốt tinh hoa của gỗ mỹ nghệ”. Anh Bùi Văn Hinh (45 tuổi) nghệ nhân được Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu “Bàn tay vàng” năm 2014 sinh ra trong gia đình có 5 đời làm nghề chạm khắc gỗ. Hiện nay, cơ sở của anh có trên 20 lao động, chuyên sản xuất và cung ứng các sản phẩm tranh gỗ ra thị trường trong nước và các nước Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hàn Quốc. Anh tâm sự: “Nghề chạm khắc tranh gỗ đòi hỏi nghệ nhân phải có năng khiếu, có ý tưởng, có bàn tay khéo léo và nắm vững các lề lối, quy tắc theo luật phong thủy, làm sao để mẫu vẽ vừa đúng luật, vừa sáng tạo, phù hợp với các kích thước mà khách hàng yêu cầu. Mỗi bức tranh điêu khắc gỗ đều ẩn sâu triết lý âm dương được đúc kết qua nhiều thế hệ nên chỉ cần có một chi tiết “nghịch” sẽ phá vỡ cân bằng toàn bộ tác phẩm”. Hiện nay, để sản xuất tranh điêu khắc gỗ hàng loạt, nhiều cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ đang áp dụng dây chuyền máy CNC (Computer Numerical Control: nghĩa là điều khiển bằng máy tính) cho năng suất cao và giá thành sản phẩm hạ. Tuy nhiên, các sản phẩm chế tác hàng loạt bằng máy được những người tinh tường về nghề gọi là “tranh chết” vì bức tranh không có hồn cốt, thiếu độ bồng bềnh, chiều sâu và điểm nhấn sống động như những nét chạm khắc bằng tay.
Các nghệ nhân làng nghề ở La Xuyên đã phát huy nét tài hoa, độc đáo của cha ông, tạo ra những sản phẩm điêu khắc tranh gỗ độc đáo có giá trị nghệ thuật. Họ không chỉ lưu giữ tinh hoa văn hoá làng nghề quê hương mà còn là người “giữ lửa” và truyền nghề cho các thế hệ sau, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc./.
Bài và ảnh:
Viết Dư