Năm 2015, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Xuân Trường ổn định và có khởi sắc ở nhiều ngành công nghiệp chủ lực như: cơ khí, dệt may - da giày; chế biến lương thực - thực phẩm; sửa chữa và đóng mới phương tiện vận tải thủy. Nhờ đó, giá trị sản xuất CN-TTCN cả năm 2015 của huyện ước đạt 2.820 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 11,4%; giá trị xuất khẩu quy đổi đạt trên 30,5 triệu USD, tăng 3,7% so với năm 2014.
Sản xuất mũ, giầy xuất khẩu tại Cty CP Xây dựng và Giầy da Hồng Việt, CCN Thị trấn Xuân Trường. |
Để đạt được kết quả trên, huyện tập trung cho mục tiêu phát triển công nghiệp cơ khí làm trọng tâm, đồng thời khuyến khích phát triển các nghề: mây, tre đan, đồ sơn mài gia dụng, dệt may, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ theo hướng đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển công nghiệp phụ trợ cho các huyện xung quanh như: Giao Thủy, Hải Hậu, Trực Ninh. Các xã chưa có nghề chủ động đưa các nghề mới phù hợp với khả năng, thế mạnh phát triển của địa phương. Phòng Công thương huyện phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện sử dụng linh hoạt nguồn vốn từ Quỹ khuyến công quốc gia kết hợp với nguồn vốn từ Đề án 1956 tập trung đào tạo ngắn hạn các nghề: may công nghiệp, sửa chữa cơ khí, sản xuất mây, tre đan... để vừa tiết kiệm thời gian, vừa liên tục bổ túc kỹ thuật mới cho công nhân. Trên địa bàn huyện Xuân Trường đã được UBND tỉnh quyết định thành lập 4 CCN tập trung với tổng diện tích trên 52ha trong đó riêng Thị trấn Xuân Trường có 2 CCN; còn lại là các CCN ở các xã: Xuân Tiến; Xuân Bắc. Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về hoạt động của các CCN tập trung trên địa bàn huyện, Trung tâm Phát triển CCN huyện Xuân Trường đã phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát thực trạng cơ sở hạ tầng các CCN; xây dựng kế hoạch, lộ trình tham mưu với UBND huyện quản lý quy hoạch chi tiết CCN đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tổ chức huy động, tiếp nhận, sử dụng các nguồn vốn đầu tư để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết CCN đã được phê duyệt; lập dự án đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật chung cho các CCN. Điểm nhấn nổi bật trong hoạt động sản xuất CN-TTCN của huyện Xuân Trường trong năm 2015 là sự phục hồi và phát triển mạnh của ngành công nghiệp đóng tàu. Từ năm 2014 đến nay, nhu cầu về gia công, đóng mới, sửa chữa các phương tiện vận tải thủy tăng cao cùng với các chính sách quyết liệt tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp của Trung ương, của tỉnh và huyện, đã tạo cơ hội phục hồi sản xuất cho các doanh nghiệp đóng tàu của huyện; nhất là khi Chính phủ ban hành Nghị định 67/NĐ-CP về hỗ trợ ngư dân chuyển đổi, đóng mới tàu vỏ thép khai thác thủy sản xa bờ. Theo quyết định của UBND tỉnh, huyện Xuân Trường có 3 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn đóng mới, hoán cải, nâng cấp tàu cá vỏ thép là các Cty TNHH: Việt Tiến, Đại Nguyên Dương và Cty CP Hoàng Vinh (CCN Thị trấn Xuân Trường). Trong năm 2015, các doanh nghiệp đóng tàu này đã hoàn thành hàng chục hợp đồng đóng mới tàu cá vỏ thép bàn giao cho ngư dân và hoàn thành nhiều hợp đồng đóng mới, sửa chữa phương tiện vận tải thủy, tạo việc làm thường xuyên cho gần 1.000 lao động. Với sự phục hồi và phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu đã góp phần nâng giá trị sản xuất ngành này năm 2015 đã gấp trên 2,2 lần so với năm 2014. Các CCN khác trong huyện vẫn hoạt động ổn định với tổng số 53 dự án đầu tư, tạo việc làm và thu nhập ổn định với mức bình quân 3,2 triệu đồng/người/tháng cho trên 3.500 lao động thường xuyên, góp phần thay đổi cơ cấu lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương. Đến nay, CCN Xuân Tiến đã lấp đầy với 23 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh các mặt hàng cơ khí chế tạo máy như: máy tuốt lúa, máy ép gạch thủy lực, máy trộn đảo bê tông liên hoàn… CCN này hiện mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu mặt bằng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Cty CP Xây dựng và Giày da Hồng Việt, CCN Thị trấn Xuân Trường đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cấp nhà xưởng trên diện tích khoảng 8.000m2, mua các loại máy chuyên dụng trị giá 18 tỷ đồng, vừa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, vừa tiết kiệm điện năng. Hơn 300 máy may công nghiệp và các loại máy chuyên dụng của Cty đều nhập khẩu từ Hàn Quốc và hàng chục loại máy chuyên dụng để sản xuất mũ giày xuất khẩu sang Hàn Quốc. Đến nay, Cty đã hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định với 9 dây chuyền sản xuất gồm 7 chuyền may, 1 chuyền cắt, 1 chuyền in. Bình quân mỗi tháng Cty sản xuất được trên 60 nghìn sản phẩm giày thể thao, xăng-đan các loại đáp ứng đầy đủ các yêu cầu xuất khẩu của đối tác, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động. Bên cạnh các ngành công nghiệp chủ yếu, các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện như: cơ khí (Xuân Tiến, Xuân Kiên); chế biến lương thực - thực phẩm (xóm 6, 7 xã Xuân Tiến); dệt chiếu (Xuân Ninh); thêu xuất khẩu và chế biến gỗ (Phú Nhai; Trà Đông - Trà Đoài của xã Xuân Phương)… đều hoạt động ổn định; thu hút hàng nghìn lao động địa phương tham gia với mức thu nhập bình quân từ 2,5-5 triệu đồng/người/tháng.
Duy trì và phát triển sản xuất CN-TTCN tăng trưởng ổn định, bền vững trong năm 2015 là tiền đề quan trọng để huyện Xuân Trường phấn đấu hoàn thành mục tiêu của năm 2016 đạt 3.170 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 12,4% so với năm 2015. Quý I-2016, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Xuân Trường đã đạt 765 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010); tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2015; giá trị hàng hóa xuất khẩu quy đổi ước đạt 7,7 triệu USD, tăng gần 51% so với cùng kỳ. Trong thời gian tới, huyện Xuân Trường tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở đẩy mạnh sản xuất đa dạng các sản phẩm phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu; tăng cường thu hút, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư mới; triển khai tốt công tác đào tạo nghề, truyền nghề để tăng số lao động qua đào tạo tham gia sản xuất trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất…
Bài và ảnh: Thành Trung