Nhiều năm nay, việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đã được ngành Nông nghiệp và các ngành hữu quan tích cực triển khai, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đời sống của người dân nông thôn được nâng cao. Tuy nhiên việc nhân rộng các mô hình hiệu quả lại chậm và rất khó khăn.
Thông qua các mô hình, nông dân có cơ hội tiếp cận, học hỏi cách làm hay, chia sẻ kinh nghiệm, từng bước nhân rộng thành mô hình kinh tế mũi nhọn của các địa phương. Điển hình là mô hình gieo bằng công cụ sạ hàng rộng - hàng hẹp được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN) tỉnh xây dựng từ năm 2009 đã đem lại hiệu quả kinh tế khi thu nhập của người sản xuất tăng được 4-5 triệu đồng/ha so với phương thức cấy truyền thống. Năm 2011 cách làm này đã phát triển rộ và đỉnh điểm là đến vụ xuân năm 2014 được các địa phương nhân rộng diện tích sạ lên gần 16 nghìn ha, chiếm 20,8% tổng diện tích gieo cấy. Cùng với gieo sạ hàng, Trung tâm KNKN tỉnh xây dựng thành công mô hình cơ giới hóa khâu làm đất với máy làm đất cỡ trung và mô hình thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp đã làm tăng hiệu quả sản xuất, giải phóng sức lao động cho người nông dân, góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Ngoài ra còn có mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi dê cho thu nhập cao gấp hơn 10 lần so với trồng lúa được thực hiện thành công tại các huyện Giao Thủy và Vụ Bản; hiện đang được nhân rộng trên địa bàn 2 huyện và các huyện Nghĩa Hưng, Ý Yên… Tuy nhiên, không phải mô hình sản xuất nông nghiệp nào cũng được nhân rộng và phát triển thuận lợi. Những năm qua, rất nhiều giống lúa mới được ngành Nông nghiệp và các địa phương trình diễn, khảo nghiệm với hy vọng sẽ thay thế được giống BT7 đã canh tác trên 20 năm, trong đó nhiều giống khảo nghiệm đã khẳng định chất lượng, hiệu quả, nhưng đến nay vẫn chưa có giống nào có thể thế chỗ được BT7, nhất là trong vụ xuân tỷ lệ BT7 vẫn chiếm trên 60% cơ cấu giống lúa của tỉnh. Mô hình chuyển đổi từ đất lúa sang trồng dưa lê ở xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng) đem lại hiệu quả kinh tế gấp 4-5 lần trồng lúa mặc dù xã vẫn đang duy trì tốt nhưng cũng chưa nhân rộng được ra các địa phương khác do nông dân chưa tìm được thị trường tiêu thụ lượng hàng lớn… Từ năm 2015 trở lại đây, diện tích sạ vẫn được mở rộng qua từng vụ, đến vụ xuân 2016 diện tích sạ đã lên tới gần 30 nghìn ha, chiếm 40% tổng diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh. Nhưng trong tổng diện tích gần 30 nghìn ha sạ này, đa số thực hiện theo phương pháp gieo thẳng bằng tay, diện tích gieo sạ bằng công cụ hàng rộng - hàng hẹp chiếm không đáng kể. Bà Đới Thị Lan, xã Đồng Sơn (Nam Trực) cho biết: Chúng tôi ngại vác công cụ sạ hàng ra đồng(?!). Bên cạnh đó, gieo thẳng không phải lo mộng dài, không lọt được qua lỗ như dùng công cụ sạ hàng. Năng suất của 2 phương thức cũng tương đương nhau nên chúng tôi chuyển sang gieo thẳng. So sánh về việc gieo sạ bằng phương thức hàng rộng - hàng hẹp và gieo thẳng bằng tay, đồng chí Đào Viết Tâm, Giám đốc Trung tâm KNKN tỉnh cho biết: Sử dụng công cụ sạ hàng tạo thành quần thể có hàng, lối thông thoáng nên tiểu khí hậu tốt cho cây lúa. Nếu gieo thẳng bằng tay mà gieo với mật độ dày sẽ tạo điều kiện cho bệnh khô vằn và rầy các loại phát triển mạnh, nếu không phun thuốc phòng trừ sâu bệnh kịp thời năng suất lúa sẽ giảm. Đây chỉ là giải pháp tình thế như ruộng chưa làm kịp mà mộng đã dài ra, hoặc vụ xuân rét cần hãm mộng lại… Do vậy, về mặt kỹ thuật, chúng tôi vẫn khuyến nghị nông dân gieo sạ theo phương thức hàng rộng - hàng hẹp, nhất là tại các địa phương có điều kiện đất đai, thủy lợi thuận lợi, thâm canh tốt. Áp dụng phương pháp này giúp làm giảm thuốc trừ sâu, giảm công lao động, bảo vệ môi trường, tăng năng suất hiệu ứng hàng biên, tạo ra nông sản an toàn. Đây mới là mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững mà ngành NN và PTNT đang hướng tới.
|
Mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi dê tại xã Giao Thiện (Giao Thủy). |
Chúng tôi gặp ông Phạm Văn Hải, xóm Thi Châu B, xã Nam Dương (Nam Trực). Năm 2013, ông Hải được hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt trên nền đệm lót sinh thái. Mô hình thể hiện tính ưu việt khi đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới đời sống của người dân xung quanh, giảm công lao động vệ sinh chuồng trại, không tốn điện, nước rửa chuồng hằng ngày, an toàn dịch bệnh… vừa đạt hiệu quả kinh tế vừa bảo đảm hiệu quả xã hội. Đây là hướng chăn nuôi thích hợp, cần mở rộng nhằm hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái bền vững với sản phẩm ATVSTP. Nhưng hiện nay chính ông Hải cũng không còn áp dụng theo mô hình này. Tìm hiểu nguyên nhân chúng tôi được biết điều kiện tốt nhất để áp dụng chăn nuôi lợn thịt trên nền đệm lót sinh thái là bảo đảm diện tích bình quân 2-3m
2/con. Tuy nhiên, hiện nay ở tỉnh ta, hầu hết diện tích chăn nuôi lợn thịt trung bình chỉ đạt 1,2m
2/con, đây là nguyên nhân sinh ra bất cập cho việc áp dụng mô hình này. Khi lợn thịt ở giai đoạn 15-60kg, vi sinh vật trong đệm lót vẫn phát huy được hiệu quả nhưng khi lợn thịt đạt từ 60-70kg trở lên thường ăn ít, sức vận động kém, sức ì cùng với mật độ cao nhanh làm đệm lót bị ép xẹp, vi sinh vật không phát huy được tác dụng. Đó chính là lý do khiến mô hình khó nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, khi vấn đề ATVSTP được đặt lên hàng đầu và trước thách thức của TPP thì sản xuất nông nghiệp theo chuẩn VietGAP là điều kiện bắt buộc nếu muốn sản phẩm tồn tại trên thị trường. Vì vậy, việc nhân rộng các mô hình áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết. Các đơn vị thuộc Sở NN và PTNT đã xây dựng một số mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại các vùng chuyên canh rau màu nhằm mục đích sau khi tiếp cận, người dân sẽ nhận thức được lợi ích của sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, từ đó nhân rộng ra đại trà. Tuy nhiên, khi không còn sự hỗ trợ của Nhà nước thì người nông dân lại quay về với phương thức sản xuất cũ.
Không thể phủ nhận nỗ lực của ngành NN và PTNT tỉnh trong những năm qua khi liên tục đưa những mô hình cùng kiến thức mới về trồng trọt, chăn nuôi tới bà con nông dân. Tuy nhiên ngoài những khó khăn nêu trên còn một nguyên nhân là khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, trình độ thâm canh của phần đông nông dân chưa cao cộng với những hạn chế trong tác phong lao động, sự tùy tiện trong sản xuất do thói quen sản xuất truyền thống vẫn còn tồn tại; trong khi các mô hình mới đem lại hiệu quả kinh tế cao hầu hết đều áp dụng các tiến bộ KHKT, yêu cầu quy trình sản xuất nghiêm ngặt mang tính công nghiệp. Ngoài ra, việc quy hoạch vùng nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp chưa hợp lý, đầu tư dàn trải, manh mún, thiếu định hướng về thị trường để phát triển với quy mô sản xuất hàng hóa ở một số địa phương cũng đang là những yếu tố gây khó khăn để nhân rộng. Công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân chưa đồng đều ở các địa phương. Nhiều cán bộ khuyến nông viên cơ sở ở xã chưa được đào tạo chuyên môn, không có khả năng tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân… Làm thế nào để các mô hình mang lại hiệu quả ngày càng nhân rộng, tạo được chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu cây trồng, vật nuôi vẫn đang là trăn trở lớn của ngành Nông nghiệp?
Để các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến phát huy được hiệu quả và được nhân rộng cần một giải pháp đồng bộ ở tất cả các khâu liên quan từ quy hoạch, kế hoạch sản xuất, nhân lực, thị trường… Phải tạo điều kiện và bảo đảm mối liên kết “bốn nhà”: Nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước được xây dựng và vận hành thực sự chặt chẽ. Các mô hình kinh tế được xây dựng phải phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân mỗi vùng, mỗi địa phương, gắn với nhu cầu thị trường, đảm bảo tính bền vững giúp người nông dân tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa, tạo thương hiệu cho từng sản phẩm./.
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh