Nam Thắng đẩy mạnh công tác dạy nghề cho hội viên nông dân

09:03, 29/03/2016
Xã Nam Thắng (Nam Trực) có 160ha đất bãi ven sông Hồng và hơn 90ha diện tích vườn tạp. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện, nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang trồng cây cảnh, cây cỏ ngọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thủy sản. Song, hầu hết các hộ dân chủ yếu sản xuất bằng kinh nghiệm, chưa qua lớp đào tạo nghề nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Trước tình hình đó, Hội Nông dân (HND) xã Nam Thắng đã tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, hướng dẫn chọn các ngành nghề phù hợp góp phần phát triển kinh tế hộ. 
 
Đến thăm mô hình trồng cây cỏ ngọt của gia đình anh Lâm Văn Đệ, hội viên nông dân xóm 2, thôn Đại An mới thấy hết được hiệu quả kinh tế của mô hình đem lại. Anh cho biết, được sự hỗ trợ của HND xã và với sự hướng dẫn của các giảng viên Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội về kỹ thuật trồng, nhân giống, chế biến cây cỏ ngọt, gia đình anh đã mạnh dạn trồng thí điểm trên diện tích 4ha vùng đất bãi ven sông. Nhờ được học tập đúng quy trình, trồng, chăm bón đúng kỹ thuật nên ngay trong vụ đầu tiên, cây cỏ ngọt đã đạt năng suất trung bình 6-9 tấn lá khô/ha, cứ 3 tháng cho thu hoạch một lần. Sau khi trừ các chi phí, mỗi ha trồng cỏ ngọt cho doanh thu trên 350 triệu đồng, gấp rất nhiều lần so với cấy lúa. Để hoàn thiện quy trình sản xuất và nâng cao giá trị cây cỏ ngọt, anh Đệ đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng xưởng sấy khô cỏ ngọt với công suất 4 tạ cỏ/ngày. Do đó, sản phẩm cỏ ngọt thu hoạch đến đâu được chế biến, bảo quản đến đó. Đối với gia đình ông Lê Ngọc Trung, hội viên nông dân thôn Dương A, xã Nam Thắng cho biết, trước đây, việc trồng hoa cây cảnh của gia đình ông chủ yếu bằng kinh nghiệm và học hỏi lớp người đi trước. Mỗi khi đến mùa cắt tỉa, ông phải thuê các nghệ nhân ở Nam Điền để uốn tỉa, tạo thế cho cây, chi phí mỗi ngày công từ 200-300 nghìn đồng/ngày/người. Năm 2015, ông được tham gia lớp học nghề chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh do Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh mở tại địa phương. Qua lớp học, ông đã thu thập thêm được nhiều kiến thức trong việc uốn tỉa, chăm sóc cây cảnh. Tham gia lớp học, ông và các học viên ngoài việc được học miễn phí theo chương trình đào tạo nghề còn được Trung tâm hỗ trợ một phần kinh phí trong quá trình học nghề. Vì thế giờ đây, ông đã có thể tự tạo thế, uốn tỉa cho cây cảnh. Bên cạnh đó, để hỗ trợ các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp nuôi thủy sản nước ngọt ở địa phương nắm bắt được kỹ thuật, HND xã đã phối hợp với Cty CP Xây lắp An Hưng (Hà Nội) và các cơ quan chuyên môn của Bộ NN và PTNT triển khai dự án nuôi lợn kết hợp nuôi thủy sản nước ngọt trên diện tích 15ha thuộc khu vực thôn Gò Cát Thượng với quy mô nuôi 5.000-6.000 con lợn; nuôi cá truyền thống và các loại cá đặc sản như cá tầm, cá hồi và cá lăng theo mô hình thả lồng bè trên sông Hồng và kết hợp trồng các loại cây đặc sản tạo môi trường cho khu chăn nuôi. Từ đó nhiều hộ đạt thu nhập từ 100-130 triệu đồng/năm như hộ ông Lâm Văn Sơn ở xóm 2, Bùi Văn Vi ở xóm 8, Bùi Sỹ Thể ở xóm 13...
 
Đến nay, thông qua các lớp học nghề ngắn hạn, các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhiều hộ nông dân đã phát triển trồng cỏ Nhật, cỏ ngọt, trồng cây cảnh, nuôi thủy sản… giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương. Cây cỏ Nhật ở Nam Thắng được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương... góp phần làm đẹp cho các cơ quan, đơn vị, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí... Đồng chí Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HND xã cho biết: Do tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra ngày càng sôi động, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, lao động nông thôn dư thừa nhiều. Để hỗ trợ nông dân học nghề, trong năm 2015, HND xã Nam Thắng đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức 2 lớp kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc và uốn tỉa cây cảnh. Thời gian học mỗi lớp kéo dài 3 tháng. Đến nay, HND xã đã phối hợp đào tạo nghề cho 64 hội viên nông dân của xã; phối hợp với Ban Nông nghiệp, các HTXDVNN Đại An, Dương A tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân. 100% học viên qua đào tạo, tập huấn đã vận dụng tốt kiến thức vào việc trồng và chăm sóc cây cảnh của gia đình. Thông qua đào tạo gắn với tạo việc làm tại chỗ đã góp phần khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực về đất đai, lao động của địa phương.
 
Thời gian tới, HND xã Nam Thắng tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề cho nông dân. Gắn công tác tuyên truyền, vận động với các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập; hướng dẫn nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể, liên kết hợp tác trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống hội viên./.
 
Hoàng Tuấn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com